Vạn bất đắc dĩ!

Thứ hai, 22/06/2015 06:00

(Cadn.com.vn) - Ép mình làm chuyện không muốn chi vậy Hai Hội An?

- Lách luật.

- Ơ, Hai Hội An làm như vậy là không được đâu.

- Thì có muốn đâu, nhưng "vô thế" phải làm thôi.

- Chuyện chi?

Thì chuyện phố cổ, nhà cổ chớ chi Bề Tui. Hiện, trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) có hơn 1.000 ngôi nhà cổ, trong đó 84% thuộc người dân sở hữu. Năm nào cũng có hàng chục căn nhà cổ bị hư hỏng cần được trùng tu nhưng theo quy định thì người dân không được tự ý sửa chữa.

- Theo Bề Tui biết thì cứ theo Nghị định 15 của Chính phủ mà thực hiện, cứ gửi hồ sơ di tích cần trùng tu, tôn tạo đến Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định... rồi sau đó từng bước thực hiện theo quy trình.

- Nếu làm đúng quy trình thì sẽ kéo dài thời gian, gây rủi ro cho các hộ dân có nhà xuống cấp trầm trọng. Đó chỉ mới là thủ tục hành chính chớ chưa nói đến kinh phí... cũng vất vả lắm.

- Thế Hai Hội An "lách" kiểu răng?

- Bất đắc dĩ chính quyền Hội An cũng phải cho người dân sửa chữa tạm để đảm bảo an toàn. Riêng những di tích nào quá xuống cấp cần phải có sự đầu tư thì mới làm hồ sơ duyệt. Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và quản lý di sản Hội An, mỗi năm Hội An có khoảng 200 bộ hồ sơ xin tu bổ nhà cổ, trong đó có những ngôi nhà nguy cơ đổ sập nhưng cũng có những nhà chỉ xin phép sửa những hư hỏng nhẹ. Nếu làm đúng theo nghị định, người dân muốn sửa nhà mặc dù chỉ sửa nền, nhà vệ sinh, thay ngói... cũng phải làm hồ sơ gửi ra tới cấp T.Ư để xin phép.

- Vấn đề này, theo Bề Tui, các ngành chức năng cần có hướng giải quyết thích hợp, phù hợp với thực tiễn, đẩy nhanh thời gian được cấp phép sửa chữa nhà cửa cho người dân. Bởi, nếu tuân theo đúng quy trình này thì không những các khu nhà cổ bị ảnh hưởng mà có khi đến lúc được giấy phép thì những ngôi nhà này đã... hết cứu.

Người dân lo lắng vì sự xuống cấp của các khu nhà cổ.

Bề Tui