Vấn đề cũ, thách thức mới

Thứ năm, 24/05/2018 09:41

Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp bất ngờ gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2018, khiến các nhà kinh tế lo ngại về đà kinh tế suy giảm. Và điều lo ngại hơn nữa là những con số này cho thấy, các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron, nhằm thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, đang phải vật lộn trong khó khăn.

Dữ liệu từ văn phòng thống kê quốc gia INSEE cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 9,2% trong quý đầu tiên, tăng so với con số 9% trong quý cuối cùng của năm 2017 trong khi các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ 8,8%. Con số này khiến nỗi thất vọng về một chính phủ, với cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp cao thông qua tăng trưởng nhanh hơn và điều chỉnh luật lao động, đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nền kinh tế Pháp còn có thể bị cản trở bởi sự mất mát lớn hơn trên toàn Khu vực đồng EUR (Eurozone).

Câu hỏi đặt ra là liệu quý thứ hai có mang đến kịch bản tương tự cho Pháp, và Châu Âu hay không? Lo ngại là rất lớn. Vào cuối năm 2017, trong những tháng nước Pháp vẫn còn say trong chiến thắng của Tổng thống Macron, nền kinh tế nước này chiếm lĩnh vị thế vững chắc, với sự tăng trưởng và sự tự tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở mức cao. Tuy nhiên, sau đó, tăng trưởng quý đầu tiên chỉ ở mức 0,3%, nằm ở “dưới mong đợi”. Một cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng của Pháp hôm 23-5 cho thấy, hoạt động kinh doanh chậm lại nhiều hơn dự kiến trong tháng 5, mặc dù tháng này có rất nhiều ngày lễ.

Một phần khác của vấn đề đối với Eurozone là một loạt các bất ổn chính trị, cả trong và ngoài nước. Trong khi Đức tiếp tục phát triển, thương mại toàn cầu yếu hơn và nguy cơ lờ mờ hiện ra về một cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Italia, nền kinh tế lớn thứ ba của Eurozone, vẫn chưa thể thành lập một chính phủ kể từ sau cuộc bầu cử vào tháng 3.

Thật sự đã có nhiều yếu tố gây ra những gián đoạn ngắn hạn và những suy giảm như thế này. Dù vậy, các Cty vẫn lạc quan về triển vọng hiện tại và nhiều người dân Pháp vẫn tin vào khả năng chèo lái con thuyền kinh tế của nhà lãnh đạo trẻ Macron.

THANH VĂN