Văn hóa Chămpa vẫn mãi bí ẩn

Thứ tư, 15/04/2015 09:59

(Cadn.com.vn) - Được xem là cái nôi của văn hóa Chămpa, Thành Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) từ bao đời nay là vùng đất linh thiêng hội đủ mạch nguồn của đất và nước. Trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt và sự bào mòn của thời gian, những di tích ấy dần bị vùi lấp. Và nếu không có sự tác động kịp thời e rằng những giá trị văn hóa tinh hoa của một thời sẽ bị mất đi vĩnh viễn.

Thời gian vừa qua, tại xã Duy Trinh (H. Duy Xuyên) các công nhân và nhà khảo cổ đang tích cực mở rộng diện tích khai quật tại khu di tích Triền Tranh. Trong quá trình làm đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, các công nhân làm đường đã phát hiện khu di tích này và đã cho tạm ngưng thi công để khai quật. Khu di tích  nằm cách kinh đô Trà Kiệu gần 3km về hướng Tây Nam. Đây không phải là lần đầu tiên di tích Chăm được phát hiện một cách bất ngờ.

Tuy nhiên, với việc phát lộ một khu vực tập giảng kinh với quy mô lớn như vậy đã đặt ra một câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu phế tích Chămpa bị chôn vùi dưới lòng đất? Hiện nay tại Trà Kiệu và thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) có rất nhiều hiện vật quý được người dân thu giữ được trong quá trình xây dựng nhà cửa, trồng trọt mà không báo cáo với chính quyền địa phương. Mặt khác, do khai quật không đúng cách nên nhiều di tích đã bị hư hại...

Bức tượng Phật được gia đình bà Tám tìm thấy.

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Trường Cường và bà Huỳnh Thị Tám (Duy Sơn), được xây dựng trên một "kho báu" cổ. Bà Tám kể: "Ở đây mấy chục năm trời có biết kho báu kho biếc chi mô. Năm 2008, nhà tui xây công trình phụ thì vô tình phát hiện hai bức tượng Phật không đầu nằm dưới đất. Chồng tôi dùng cuốc lấy lên thì phát hiện xung quanh còn rất nhiều bức tượng khác nhưng hầu hết đều không còn nguyên vẹn". Ngoài những bức tượng Phật, bà Tám còn mở tủ cho chúng tôi xem rất nhiều trang sức của người Chăm được làm từ mã não và gốm.

Điều đặc biệt là những đồ trang sức này dù trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ được màu sắc tươi mới. Hiện nay đa phần những cổ vật được vợ chồng bà Tám tìm thấy đã được những người sưu tập đồ cổ mua lại, chỉ còn lại một ít chén đĩa gốm. Riêng hai bức tượng Phật không đầu, gia đình bà đã nhờ thợ làm thêm 2 chiếc đầu mạ vàng để thờ cúng. Bà Tám cho biết: "Hầu hết những nhà xung quanh đây ai cũng có chứ không phải riêng nhà tui, tuy nhiên bây giờ nhà cửa xây dựng lên hết rồi không lẽ đập đi tìm tượng". Điều đó cho thấy một thực tế là nền văn hóa Chămpa cổ tại Trà Kiệu vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá.

Khai quật tại di tích Triền Tranh.

Theo ông Bùi Minh Diệu (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao H. Duy Xuyên): "Đây là khu vực thánh địa, là kinh đô của người Chămpa cổ, hàng ngàn năm trước đây là nơi sầm uất, tập trung đông dân cư. Vì vậy mà có rất nhiều hiện vật quý hiếm, đặc trưng còn lưu lạc. Tuy nhiên cùng với thời gian và chiến tranh bây giờ một số bị phá hủy, số khác thì do người dân làm nhà lên rồi nên rất khó quy hoạch". Để bảo tồn và phát huy văn hóa Chămpa, vừa qua một triển lãm đã được tổ chức tại khu vực Lăng bà Thu Bồn (xã Duy Tân) vào dịp Lễ Bà Thu Bồn.

Nhóm những nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa với sự tài trợ từ Quỹ Tín thác Nhật Bản và Tổ chức UNESCO đã đặt tên cho triển lãm này là "Từ nguồn xuống biển-Vết tích Chămpa xứ Quảng" với mong muốn tập hợp một cái nhìn toàn diện về văn hóa Chămpa từ thế kỷ IV-XV. Thiết nghĩ, văn hóa Chămpa là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt, vì vậy việc giữ gìn và bảo tồn nền văn hóa ấy là trách nhiệm lớn lao của cả cộng đồng. Trước những thực tế đang diễn ra và sự mai một dần của những di tích cổ, cần lắm sự vào cuộc mạnh mẽ để văn hóa Chămpa được trụ vững cùng thời gian.

Đồng Dao