Văn hóa Đà Nẵng khởi sắc

Thứ bảy, 31/12/2016 12:21

(Cadn.com.vn) - Khách quan nhìn nhận ngành văn hóa Đà Nẵng đang có những khởi sắc nhất định, nhất là 3 năm qua, kể từ khi TP đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa đồng thời cho triển khai chủ trương Năm văn hóa, văn minh đô thị. Để có cái nhìn đầy đặn hơn về vấn đề này, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Đà Nẵng. Ông Hùng nói, dù còn những khó khăn, song nhìn chung văn hóa Đà Nẵng đang dần khởi sắc.

Ông Hùng cho biết từ năm 2017 sẽ giải tỏa hết công trình xâm lấn để phục hồi di tích Thành Điện Hải, di tích quan trọng bậc nhất của Đà Nẵng. 

P.V: Thưa ông, phải chăng văn hóa Đà Nẵng đang có chuyển biến tích cực nhờ vào chủ trương đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa của TP từ vài năm trước?

* Ông Huỳnh Văn Hùng: Trước đây, có thời kỳ Đà Nẵng quá chú trọng phát triển kinh tế, đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm. Trong 3 năm qua, lãnh đạo TP đã nhận ra điều đó nên tập trung đầu tư mạnh cho văn hóa, từ con người, kinh phí, thiết chế. Việc tách Sở, điều chuyển cán bộ hay tăng kinh phí đầu tư hằng năm cho văn hóa lên gấp 2,5 lần, là những minh chứng cụ thể. Đặc biệt, các thiết chế văn hóa được TP đầu tư liên tục, năm 2015 đầu tư hoàn chỉnh Thư viện Khoa học Tổng hợp, năm 2016 đầu tư hoàn chỉnh Bảo tàng Mỹ thuật, đây là bảo tàng mỹ thuật thứ 3 của cả nước. Hiện nay, TP đang đầu tư cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, năm 2017 xúc tiến xây dựng Trung tâm văn hóa TP và rạp chiếu phim thành phố. Đặc biệt là sự kiện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa quyết định sử dụng trụ sở HĐND TP hiện nay (42-Bạch  Đằng) để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Chủ trương đó làm nức lòng biết bao người... Tất cả đều nhằm tạo điều kiện để ngành văn hóa TP khởi sắc. Khác với đầu tư cho kinh tế sẽ thấy lợi nhuận liền, đầu tư cho văn hóa là cả một quá trình, bây giờ đầu tư có khi phải 5-7 năm sau mới gặt hái thành quả. Nhìn lại 3 năm qua, bước đầu nhận thấy ngành văn hóa có chuyển biến tích cực.

Theo ông, qua 2 năm liền thực hiện chủ trương Năm văn hóa, văn minh đô thị thì mặt được nhất là gì? Chủ trương này sẽ tiếp tục duy trì thế nào khi mà năm 2017 TP đã chọn là năm "TP 4 an"?

* Cái được lớn nhất là trật tự đô thị khá nề nếp, đường thông, hè thoáng, những nhếch nhác trên hè phố giảm nhiều. Ở Đà Nẵng hầu như không còn hiện tượng đưa tang rải vàng mã xuống đường, những ngày lễ trước đây khẩu hiệu giăng đầy đường trông rất lộn xộn, giờ không cho treo băng rôn qua đường nữa. Đặc biệt, ngành Du lịch đã ban hành quy chế ứng xử văn minh tại nơi công cộng, điểm du lịch, vào nơi tôn nghiêm khách không mặc váy ngắn, không xả rác ở di tích... Bên cạnh đó, hiện tượng quảng cáo rao vặt, chèo kéo du khách, lang thang xin ăn biến tướng... đã chuyển biến rất tốt. Năm 2017, TP triển khai chủ đề "4 an", nhưng chủ trương văn hóa văn minh đô thị vẫn tiếp tục triển khai và phát triển vào chiều sâu chứ không dừng lại. Như tôi đã nói, văn hóa văn minh muốn xây dựng, phát triển là cả một quá trình thực hiện liên tục, bền bỉ.

Có ý kiến cho rằng di tích của Đà Nẵng vốn ít ỏi, nhưng hình như nó chưa được nâng niu, phát triển đúng với giá trị, ông nhận xét gì về ý kiến này?

* Đà Nẵng hiện có 18 di tích văn hóa lịch sử vật thể quốc gia, 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 49 di tích văn hóa lịch sử cấp TP. Nếu so sánh với Huế, Quảng Nam, vốn di tích của Đà Nẵng khá ít ỏi. Tuy ít ỏi, song rất tiếc một thời gian các di tích đã không được chú trọng nên bị xuống cấp, xâm hại. Tuy nhiên, từ nay trở đi, chúng tôi sẽ triển khai Đề án bảo tồn tôn tạo di sản. Đây là đề án rất quan trọng, bởi vì muốn phát huy được giá trị di tích, trước hết phải trùng tu, bảo tồn và tăng cường quảng bá. Khi thực hiện tốt Đề án này, di tích của Đà Nẵng không chỉ được nâng niu mà hy vọng sẽ phát huy giá trị nhiều hơn. Hiện tại, nguồn thu từ di tích của Đà Nẵng mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng (Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn khoảng 10 tỷ đồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm gần 10 tỷ đồng, Bảo tàng Đà Nẵng khoảng 1 tỷ đồng). Trong khi đó, ở Huế, riêng Trung tâm bảo tồn di tích cố đô đã thu mỗi năm hơn 200 tỷ đồng.

Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng.

Ông có nghĩ rằng, ngoài các di tích bị xâm hại thì ngay cả những không gian văn hóa truyền thống của Đà Nẵng cũng đang bị thu hẹp nhường chỗ cho những công trình, dự án kinh tế? Nếu không có ý thức bảo vệ, một mai Đà Nẵng sẽ không còn không gian của ký ức văn hóa. Vậy ngành văn hóa phải làm gì thưa ông?

* Trước đây có một số công trình kinh tế và xã hội xây dựng nhưng ngành văn hóa đứng ngoài cuộc. Thì nay, tất cả các quy hoạch trên địa bàn TP ngành văn hóa xin được tham gia, được TP chấp nhận, cho lấy ý kiến ngành văn hóa. Chẳng hạn như dự án đồi Trung Sơn ở Hòa Liên - Hòa Vang, DN họ làm dự án, nhưng nơi đó cảm nhận rằng có những vấn đề di tích, lưu giữ ký ức thì ngành văn hóa tham gia góp ý kiến. Trước đây, Thành Điện Hải, di tích quan trọng bậc nhất của TP, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị xâm hại bởi công trình của Nhà nước, người dân, nay TP đã nhìn nhận đúng giá trị của di tích. Cụ thể từ năm 2017, TP sẽ cho di dời, giải tỏa tất cả các hộ dân ra khỏi khu vực xâm lấn di tích, đồng thời cho nạo vét các hào rãnh xung quanh để phục hồi di tích. Hay Hải Vân Quan nằm giữa 2 địa phương Huế và Đà Nẵng lâu nay "cha chung không ai khóc", để di tích xuống cấp, rất xót xa. Vừa rồi ngành văn hóa của 2 địa phương đã cùng ngồi lại tìm cách tháo gỡ, đề nghị T.Ư công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt do 2 địa phương cùng trùng tu, tôn tạo, quản lý và khai thác. Có thể nói, ngành văn hóa đang vào cuộc quyết liệt để bảo tồn, giữ gìn vốn di sản văn hóa của TP.

Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa hiện nay là gì?

* Là tham gia tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 20 năm TP trực thuộc Trung ương. Trong đó, các hoạt động kỷ niệm vừa đảm bảo không dềnh dang, lãng phí song vẫn tôn vinh, ghi nhận được những thành tựu nổi bật của TP trong 20 năm qua, khơi dậy niềm tự hào và khí thế quyết tâm cống hiến, dựng xây TP trong thời gian tới của các tầng lớp nhân dân.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hải Hậu
(thực hiện)