Văn hóa làng biển- những gam màu sáng, tối (3)
Bài cuối: Những người giữ hồn cho biển
(Cadn.com.vn) - Không chỉ ngư dân vùng biển trực tiếp "giữ hồn" cho văn hóa biển mà bất cứ ai yêu biển đều có cách để tiếp cận, lưu giữ nó theo cách riêng. Vì vậy có câu "Biển rất xa nhưng cũng rất gần".
Giữa đường lên đỉnh núi Sơn Trà chúng ta sẽ gặp Bảo tàng Đồng Đình. Đứng đây nhìn ra biển cả mênh mông, bao la như chính tiềm năng của biển dành tặng cho con người. Trong không khí của khu nhà vườn trung du xứ Quảng với hoa trái, cỏ cây, chim muông..., Bảo tàng Đồng Đình là sự kết hợp nhiều không gian văn hóa như Tây Nguyên, Chămpa, Sa Huỳnh... Ngoài ra, chủ nhân của bảo tàng này cũng dành cho văn hóa làng biển một không gian riêng trong căn chòi nhỏ mang tên "Ký ức làng chài". Không gian nhỏ hẹp của căn chòi được làm từ xác của 2 con thuyền gỗ, 3 con thuyền nan và 5 cái thúng chai đã hết đời đi biển lại khiến cho nhiều du khách lưu tâm khi đến đây.
Chân dung ngư dân đầu thế kỷ XX (ảnh chụp lại tại Bảo tàng Đồng Đình). |
NSƯT Đoàn Huy Giao-chủ nhân của Bảo tàng giới thiệu: "Đây là hũ mắm, quang gánh, là những vật dụng đa năng của người dân miền biển, có thể đựng nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng phổ biển nhất vẫn là dùng để gánh mắm từ biển lên các vùng đồng bằng, miền núi đổi lấy lúa gạo, sắn khoai mang về"; "Đây là chiếc đèn Măngsông, đèn này là một loại dụng cụ dùng để câu mực..."; "Đây là chum, vại dùng trong việc làm mắm"; "Đây là hai cái cối được tiền hiền của làng biển Nam Thọ mang theo lúc khai khẩn đất đai"...
Đan xen trong không gian ấy là những câu thơ, ca dao gắn liền với cuộc sống ngư dân vùng biển Đà Nẵng được viết bên cạnh các ngư cụ: "Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng thương nhớ bạn nước mắt và lộn cơm", hay "Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồn". Bên trong căn chòi, nghệ sĩ Huy Giao trưng bày các bức ảnh về bãi biển Sơn Trà lúc còn hoang sơ, chân dung ngư dân thế kỷ XX, bút tích liên quan đến sự ra đời, phát triển của làng biển Nam Thọ.
NSƯT Đoàn Huy Giao giới thiệu các dụng cụ thường dùng của người dân miền biển. |
NSƯT Huy Giao chia sẻ: "13 năm trước, khi có ý tưởng xây dựng Bảo tàng Đồng Đình tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc sưu tầm các loại ngư cụ cổ nhưng ngặt ở chỗ vào thời điểm đó kinh phí chưa nhiều nên cũng không có điều kiện mua ngay. Vì vậy bộ sưu tập này mất khoảng thời gian khá dài mới có thể đưa vào sử dụng như một không gian văn hóa trong bảo tàng".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng cũng là người yêu thích sưu tầm những hiện vật, ngư cụ mang nét văn hóa biển, ông dành riêng căn tầng hầm ngôi nhà mình trên đường Trần Nhân Tông cho niềm đam mê này. Ông nhớ lại: "Tuổi thơ tôi gắn liền với làng biển, nên tôi muốn lưu giữ lại những ký ức đẹp đẽ đó ngay trong ngôi nhà của mình".
Với nền cát trắng, những vật dụng quen thuộc của người dân làng chài như: lưới, thúng... hiện diện trong căn phòng của ông như muốn níu những nét văn hóa làng biển đã từng gắn liền với tuổi thơ. Không phải đương nhiên NSƯT Huy Giao hay nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng lại chọn lựa, sưu tầm những vật dụng, ngư cụ của nghề đi biển mà ở họ có những nỗi niềm, sự hoài niệm và trên hết là tình yêu dành cho biển.
NSƯT Huy Giao cũng lo lắng: "Mình sợ mai mốt tốc độ đô thị hóa quá nhanh làm cho những nét văn hóa này bị chìm vào quên lãng. Vì thế mình xây dựng ngôi nhà "Ký ức làng chài" để lưu giữ lại một phần văn hóa làng biển đã có từ xưa".
Căn chòi "Ký ức làng chài" tại Bảo tàng Đồng Đình. |
Cần sự quan tâm của cơ quan quản lý
Cuối năm 2012, UBND thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thực hiện việc lập quy hoạch phát triển du lịch. Tuy nhiên, di tích lịch sử đình làng Nam Thọ vẫn chưa được cấp giấy phép tu sửa. Ông Trần Văn Lự-Phó Ban quản lý đình làng Nam Thọ trăn trở: "Chúng tôi tha thiết mong các cấp tạo điều kiện để đình làng được sửa chữa chứ để một vài năm nữa thì mục ruỗng mất. Về kinh phí, làng có thể kêu gọi bà con đóng góp".
Để khơi dậy tình yêu biển đảo đối với mỗi công dân, cần lắm sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành để những di sản tinh thần đã gắn liền với ngư dân làng biển luôn song hành với đời sống tinh thần của họ, tiếp thêm cho họ động lực vươn khơi, bám biển.
Hà Giang