Văn minh đô thị nhìn từ nhà vệ sinh công cộng

Thứ sáu, 20/11/2015 09:58

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng là thành phố văn minh. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có văn minh nếu vẫn tái diễn tình trạng phóng uế nơi công cộng. Chuyện tưởng nhỏ, cho là tế nhị  và “ngại” nói đến, song lại là vấn đề cực kỳ quan trọng với bất cứ đô thị nào.

Tháng 9-2014, UBND Q. Hải Châu thành lập tổ kiểm tra công vụ có chức năng kiểm tra trật tự đô thị và vệ sinh môi trường, thực hiện chủ trương xây dựng đô thị văn hóa, văn minh. Ông Dương Văn Vân - Trưởng phòng Nội vụ Q. Hải Châu, tổ trưởng tổ kiểm tra công vụ cho biết, từ khi thành lập có khoảng 10 trường hợp phóng uế bừa bãi đã bị bắt quả tang, trong đó đã xử phạt hành chính 2 trường hợp. Theo ông Vân, dù đã bắt quả tang, lập biên bản song việc xử phạt người vi phạm rất khó khăn, lý do họ đưa ra vì không có nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nên phải... liều.

Đà Nẵng chỉ có 1 NVSCC cố định đang hoạt động.

Đúng là quan sát cả tuyến đường Bạch Đằng hiện không có NVSCC nào (có 3 NVSCC di động dưới chân cầu Sông Hàn nhưng khóa cửa chỉ để phục vụ khi có lễ hội).  Về dự án “Thoải mái như ở nhà” - gắn biển trong các cửa hiệu, nhà hàng trên tuyến Bạch Đằng để cho khách vào vệ sinh miễn phí, cũng không hiệu quả. Bởi vì người dân, du khách rất ngại khi tự dưng xin vào nhà người khác... vệ sinh.

Ông Nguyễn Hồi Sơn- Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Q. Hải Châu, người khởi xướng dự án “Thoải mái như ở nhà” nói, đã nhìn thấy nguy cơ dự án này mất đi nếu chính quyền không cùng vào cuộc. Chẳng hạn bắt buộc các nhà hàng, khách sạn phải treo biển “Thoải mái như ở nhà” và đưa việc này thành một tiêu chí trong cấp sao cho nhà hàng, khách sạn đó. Hoặc, chính quyền cần hỗ trợ tiền nước, hỗ trợ miễn phí rút hầm cầu cho 100 nhà hàng đầu tiên tham gia dự án, vì họ tham gia phục vụ lợi ích công cộng, vì thành phố. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng phải đưa ra cơ chế để các nhà sản xuất bia rượu phải có trách nhiệm chung tay vào vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Phúc – Phó Phòng kinh doanh Cty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng nói, trước đây Cty quản lý khoảng 30 NVSCC, nhưng hiện nay đã giao hết cho BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng, chỉ còn giữ lại khoảng 10 cái. Trong số đó chỉ có 7 cái hoạt động thường xuyên, còn 3 cái chỉ sử dụng dịp lễ hội. Trong 7 NVSCC đang sử dụng, chỉ có 3 cái là cố định, nhưng 2/3 cái đang ngừng hoạt động để sửa chữa và xây mới. Như vậy Đà Nẵng chỉ còn sử dụng duy nhất 1 NVSCC cố định tại ngã tư Trần Phú- Lê Duẩn. “Trước đây NVSCC cố định cũng nhiều nhưng nay đã đập gần hết. Một số đập vì không hợp lý, số thì đập để cho DN đầu tư xây mới phục vụ vệ sinh công cộng tầng 1 còn tận dụng khoảng trống bên trên làm văn phòng kinh doanh”- ông Phúc nói.

Mỗi NVSCC di động có giá hơn 200 triệu đồng, nhưng nếu NVSCC cố định phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Và để thu lại nguồn kinh phí, các NVSCC này được khai thác bằng cách cho người dân thuê lại, nộp kinh phí 1,5 triệu đồng/tháng. Chị Ban hiện đang thuê NVSCC cố định tại ngã tư Trần Phú- Lê Duẩn nói, trung bình mỗi ngày mở cửa từ 5 giờ tới 24 giờ có khoảng hơn 100 “khách”, trừ tất cả chi phí thu về khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, chị Ban nói, ý thức của nhiều người khi sử dụng dịch vụ rất thấp, khiến thiết bị dễ hỏng, chưa kế đến việc “bôi bẩn”, công dọn dẹp còn vất vả gấp mấy lần.

Ông Nguyễn Thế Vũ- Phó BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện các NVSCC di động được Ban bố trí dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mỹ Khê và cử riêng một bộ phận để kiểm tra, dọn dẹp. Vào các dịp lễ hội hoặc mùa cao điểm du lịch thì các NVSCC này luôn quá tải. Quản lý các NVSCC này cũng có nhiều cái khổ. Như khách sử dụng NVSCC làm nơi thay đồ để xuống tắm biển, tắm xong họ “tha” cát lên khiến hệ thống xả nước bị tắc nghẽn, trục trặc... liên tục.

Trong khi đó, ông Trần Chí Cường- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng nói, với sự phát triển của Đà Nẵng khu vực tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú chỉ có 3  NVSCC là chưa đủ. Vì vậy, để xử lý dứt điểm trường hợp đi vệ sinh không đúng chỗ, trước tiên cần có hệ thống NVSCC tiện tích, đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện tại NVSCC di động thì nhỏ, không đảm bảo, quản lý cũng khó, nên TP đang giao cho Sở Xây dựng quy hoạch xây dựng theo hình thức xã hội hóa các NVSCC cố định đạt chuẩn “5 sao”.

Nói về dự án “Thoải mái như ở nhà”, ông Cường cho rằng đây là dự án rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tâm lý của du khách, họ không mua gì mà tự nhiên vào nhà xin vệ sinh cũng thấy ngại. Vậy nên phải có thời gian, cần tuyên truyền để dự án thực sự hiệu quả, cũng giống như việc mặc gì xuống biển, việc xả rác ra bãi biển... trước đây làm rất khó, nhưng dần rồi cũng thành quen. Để thực hiện một nếp sống văn minh cần kiên trì, nhận thức của người dân, du khách góp sức vào xây dựng Đà Nẵng văn minh cũng phải có thời gian lâu dài.

Hải Hậu