Vạn Tường - ký ức từ cựu binh Mỹ

Thứ bảy, 15/08/2015 10:24

(Cadn.com.vn) - Trước ngày Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Vạn Tường (18-8-2015), chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Trưởng phòng Quân báo  Quân khu 5 và Đại tá Trần Như Tiếp, nguyên Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ-Môi trường Quân khu, những người từng đưa các cựu binh Mỹ thăm lại Vạn Tường để nghe lại câu chuyện từ chính những người lính Mỹ từng tham chiến về trận chiến thắng vang dội này của quân đội ta.

Cựu binh Mỹ Otto Lehrack (thứ 4 từ phải qua) cùng Đại tá Nguyễn Văn Ngọc
và các CCB Trung đoàn 1 tham gia trận Vạn Tường. (Ảnh: CCB cung cấp)

Trải qua nhiều chiến dịch, thông thạo địa hình, có nhãn quan của người làm quân báo, sau khi về hưu, Đại tá Nguyễn Văn Ngọc liên tục có hàng chục chuyến đi cùng cựu binh Mỹ thăm lại chiến trường xưa. Ông đưa chúng tôi xem lá thư của nhà sử học Mỹ Otto Lehrack đồng thời là cựu binh viết cho ông năm 2000: “Tôi xin đa tạ lòng tốt của Đại tá đã giúp chúng tôi trở lại Vạn Tường và gặp các nhân chứng. Tôi mong rằng cựu chiến binh Việt và Mỹ hiểu nhau như bạn bè trong hòa bình chứ không còn là kẻ thù”... Đại tá Nguyễn Văn Ngọc nhớ lại: “Đó là năm 1999, mấy anh ở CATP Đà Nẵng đến nhờ tôi tìm các nhân chứng để dẫn đoàn cựu binh Mỹ thăm lại Vạn Tường. Tôi không tham gia trận này, nhưng các cựu chiến binh (CCB) đánh Vạn Tường thì tôi biết. Vậy là chúng tôi cùng với Otto Lehrack đi Quảng Ngãi. Sau này ông ấy về viết cuốn sách “The First Battle” tức “Trận chiến đầu tiên” có gửi tặng tôi và các CCB chuyến đi hôm đó. Tôi và anh Tiếp còn đưa 2 đoàn cựu binh Mỹ nữa đến Vạn Tường, lần nào cũng có nhiều kỷ niệm”.

50 năm trước, cuộc hành quân “Ánh sáng sao” của Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ với sự tham gia của hàng nghìn quân Mỹ, 150 máy bay lên thẳng, 70 máy bay chiến đấu phản lực, 6 tàu đổ bộ, 5 pháo hạm cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến đã bị Trung đoàn 1 và Đại đội 21 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi làm phá sản, giáng cho một đòn sấm sét. Trong trận này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm lính Mỹ, phá hủy nhiều xe bọc thép, xe tăng, máy bay của địch. Với chiến công xuất sắc này, Trung đoàn 1 được tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất và cờ “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn”. Chiến thắng Vạn Tường trở thành niềm tự hào của quân và dân Khu 5, là bài học về cách bố trí lực lượng hợp lý, tận dụng tối đa hỏa lực; biết nghiên cứu nắm vững địa bàn tác chiến; xây dựng ý chí quyết tâm cao cho bộ đội.

Đại tá Trần Như Tiếp, nguyên Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia) năm 1965, kể đầy phấn khích. Chuyến đi đầu tiên có nhiều cựu binh Mỹ nguyên là lính thủy quân lục chiến trong đó ngoài Otto Lehrack là y tá cứu thương (sau này là nhà viết sử) còn có người từng lái xe tăng, lái trực thăng. Đi thăm lại cánh đồng Lộc Tự, người lái xe tăng năm xưa chỉ từng bờ hào do bộ đội và nhân dân đào vẫn còn sâu hoắm, nói rằng, lính Mỹ đã sai lầm khi vào đây bởi xe tăng M48 và bọc thép lọt xuống là mắc cứng không thể nào lên được, trở thành mục tiêu của “Việt Cộng”. Không chỉ thăm thực địa, các cựu binh Mỹ còn có những buổi gặp gỡ, hỏi chuyện rất tỉ mỉ với các CCB Trung đoàn 1 làm tư liệu để họ viết cuốn sách sau này.

Chuyến đi thứ hai thú vị nhất, chỉ diễn ra một năm sau đó, vào dịp kỷ niệm chiến thắng Vạn Tường. Đoàn cựu binh Mỹ có đến 17 người. Họ mời các ông Nguyễn Văn Ngọc, Trần Như Tiếp và các CCB Trung đoàn 1 cùng ở khách sạn Mỹ Trà (Quảng Ngãi) với họ để hỏi chuyện và nhờ liên lạc với Ban tổ chức được dự lễ kỷ niệm tại xã Bình Hải, Bình Sơn. Họ đặt vòng hoa kính viếng các liệt sĩ hy sinh và cúi lạy rất thành kính làm những ai có mặt dự lễ đều không khỏi ngạc nhiên. Các cựu binh Mỹ nhớ mồn một từng chi tiết trận đánh, nơi họ từ thế chủ động tìm diệt bỗng chốc phải co cụm, lui quân trước sự phản công hiệu quả của CBCS Trung đoàn 1. “Các ông bắn dữ quá, chúng tôi trở tay không kịp” là câu họ hay nói khi đi qua từng địa danh. Khi biết trong số các CCB đánh Vạn Tường có ông Đinh Thế Phẩm từng tham gia chiến dịch Điện Biên và nhiều cán bộ khác từ miền Bắc tập kết trở về, các cựu binh Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Các ông đều là những người con ưu tú, chúng tôi thua là phải”.

Họ đến thăm bờ biển An Cường, nơi lính đánh thủy đổ bộ Trung đoàn 7 bị đánh ngay từ khi vừa đặt chân xuống mép nước. Một đôi giày của lần tham chiến ấy sau này họ đã tặng lại bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 khi đến tham quan. Chỉ những vườn bắp đã lên xanh ở chân bờ thành An Thái năm xưa, cựu binh Mỹ nói rằng đã có nhiều chiến sĩ Tiểu đoàn 60 của quân Giải phóng hy sinh ở đây qua các lần đụng độ. Họ cũng muốn cầu mong các gia đình liệt sĩ tha thứ cho họ. Vạn Tường quả là ký ức kinh hoàng mà các thủy quân lục chiến Mỹ khó có thể bình yên trong tâm trí. Điều đặc biệt là các cựu binh Mỹ rất trận trọng kỷ niệm chiến trường. Đến các nơi đã từng chiến đấu, họ tìm từng vỏ đạn nhỏ còn sót lại, lượm từng đoạn dây dù đã mục, có khi bốc một nắm cát bên bờ biển bỏ vào cái lọ. Mọi người vui mừng khi thấy những chuyến đi ấy đã thực sự làm cho cựu chiến binh hai nước hiểu nhau hơn, cùng hướng đến hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc.

Còn nhớ, trước hàng trăm cán bộ chủ trì của Quân khu 5 về Bình Sơn nghe Đại tá Trần Như Tiếp báo cáo chiến lệ trận Vạn Tường trong tập huấn chiến dịch Quân khu năm 2013, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 (nay là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN) đã xúc động nói: “Dưới đất này còn rất nhiều đồng đội của chúng ta đang nằm. Các đồng chí nên biết và hãy trân trọng quá khứ”. Chính từ giá trị hào hùng của Vạn Tường và thể hiện lòng tri ân đối với đồng đội, BTLQK đã quyết định trao 100 triệu đồng tặng chính quyền và nhân dân H. Bình Sơn tôn tạo lại Khu di tích Vạn Tường; có kế hoạch giữ gìn Vạn Tường không chỉ cho hôm nay mà cho muôn đời sau, để chiến thắng này luôn đồng hành cùng LLVT Quân khu 5 giành những chiến công mới.

Hồng Vân

Ngày 14-8, tại Nhà khách T50, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu và tọa đàm với 70 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Vạn Tường (18-8-1965 – 18-8-2015). Đây là dịp để tưởng nhớ công lao và sự cống hiến to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn Bộ binh 2 của Quân khu V, Đại đội 21, 31 của địa phương đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam nói chung, ở Quảng Ngãi nói riêng, làm nên chiến thắng Vạn Tường lịch sử.

Quang cảnh buổi tọa đàm.  Ảnh T.T.X

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã được nghe các nhân chứng kể lại những câu chuyện chiến trường đầy ác liệt, giữa ranh giới sống còn phải đối mặt, về thế trận lòng dân... trong tâm thế đầy tự hào và xúc động.

Chiến thắng Vạn Tường là đòn đánh phủ đầu oanh liệt, giáng vào lính thủy đánh bộ - một binh chủng được xem là ưu tú của quân đội viễn chinh Mỹ lúc bấy giờ; báo hiệu cho sự thất bại trên đất Quảng Ngãi trong những trận đánh tiếp theo, mở ra cao trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên khắp chiến trường miền Nam.

Vĩnh Trọng