Vằn vện với... đời! (3)

Thứ sáu, 26/06/2009 00:00

Bài 3: Những trận đòn!

(Cadn.com.vn) - Cách đây không lâu, chẳng hiểu sao, một sinh viên (SV) của Trường ĐHKT Đà Nẵng “cả gan” xăm lên ngực mình một chú hổ há hốc miệng, lộ rõ cặp răng dài trông oai vệ lắm. Một buổi tối, trong lúc ngồi uống cà-phê bên vệ đường, không hiểu do vô tình hay hữu ý mà cậu ta cởi phanh áo ngực, để lộ hình “chúa sơn lâm” trước mặt thiên hạ. Một đám tóc vàng choai choai ngồi bàn bên cạnh liền để ý, và đến khi cậu SV chuẩn bị ra về thì bị đám trẻ kia ập tới tẩn cho một trận tơi bời. Không dừng lại ở đó, bọn chúng còn dùng mẩu thuốc lá “đốt cháy” luôn tấm da vằn vện trên lưng chú hổ, và dằn mặt: “Đồ chíp hôi, mèo con mà bày đặt làm hổ dữ”!

Một câu chuyện khác cũng khá thú vị mà người viết được nghe đứa em đang học trung học kể lại cách đây không lâu. Đó là trường hợp của cậu học sinh lớp 11 Trường THPT TP (Đà Nẵng). Trong một lần nghe theo lời bạn rủ đi xăm hình, mặc dù không dám “đục” lên cơ thể những hình xăm “hoành tráng” như các bạn, nhưng cậu ta cũng kịp xăm cho mình một bên cánh tay là chữ “công cha”, còn tay bên kia là từ “nghĩa mẹ” như để “ghi ơn” các bậc sinh thành. Tuy nhiên, chẳng biết là cậu đã ghi được bao nhiêu công ơn của bố mẹ thì trong một lần sơ suất, cậu đã để lộ hai chữ kia cho bố mẹ biết. Hậu quả là cậu đã bị bố đánh cho một trận chỉ có nước “lột hết da” mới thôi. Ngoài trận đòn đau nhớ đời, cậu còn phải chịu thêm một lần “nhức xương” nữa vì phải đi “tẩy rửa” cái chứng tích còn lưu lại trên người. Nghe bảo, sau lần ấy cậu ta cũng rút ra được bài học lớn cho mình, rằng “có muốn ghi ơn thì cũng để trong lòng chứ chả dại mà khắc lên da thịt, chỉ tội bị đòn”...

Khác hoàn toàn với sở thích xăm mình như là một cách quậy phá, đua đòi của giới trẻ, trong giới giang hồ, đặc biệt là giang hồ có tổ chức kiểu “xã hội đen” thì việc xăm hình phải có quy luật riêng, hình xăm không thể tùy tiện mà nó mang ý nghĩa nhận dạng. Theo lời kể của một “đại ca” có máu mặt trong giới giang hồ nay đã “quy ẩn”, hầu hết các mẫu xăm đều có ý nghĩa riêng của nó. Người muốn xăm, dĩ nhiên phải biết mình là ai, “số má” tầm cỡ như thế nào mới có quyền được xăm những hình tương xứng. Nếu người nào dám xăm trái quy luật, không đúng với vị thế của mình thì chắc chắn phải hứng chịu sự trừng phạt thích đáng, nhẹ nhất là một trận đòn và tự giải quyết “hậu quả” vì xăm lộn vị trí, chỗ đứng của mình... H. (18 tuổi), quê ở một tỉnh phía Bắc, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chỉ học hết tiểu học là phải xa gia đình, lên thành phố tự kiếm kế mưu sinh.

Sau một thời gian ở Hà Nội kiếm cơm bằng nghề đánh giày, có một chút kinh nghiệm, từng trải cộng với vóc người to lớn, H. dần “thu phục” và được phong làm “đại ca” một nhóm trẻ đánh giày hoạt động ở khu vực gần Bến xe Giáp Bát. Cho rằng mình có uy, H. quyết định xăm lên bắp tay phải một con đại bàng to bự chảng. Chẳng rõ uy đến cỡ nào nhưng cũng chính vì hình xăm ấy mà H. phải lãnh không biết bao nhiêu trận đòn vô tội vạ của giới giang hồ khu vực bến xe. Trận đòn nhớ đời và cũng là trận đòn mà H. buộc phải khăn gói vào Đà Nẵng mưu sinh là lần cậu bị một đám giang hồ xóa nát hình chú đại bàng bằng mẩu thuốc lá đang cháy. Giở bắp tay nham nhở những vết sẹo lồi gớm ghiếc, H. vẫn chưa khỏi rùng mình khi nhớ lại bị hàng chục điếu thuốc lá cháy đỏ dí nát bắp tay. “Sau lần ấy, sợ quá nên em không dám ở lại Hà Nội nữa mà phải bắt xe vào Đà Nẵng kiếm sống cho đến hôm nay. Nói thật với anh, giờ mỗi lần đi ra đường, em phải mặc áo dài tay để che đi vết sẹo nhớ đời ấy. Có cho tiền em cũng không dám xăm nữa” - H. bộc bạch!

 

Hai hình xăm đặc trưng thể hiện đẳng cấp của giới xã hội đen Nhật Bản
thường xuất hiện trên phim ảnh (ảnh mang tính chất minh họa). 

 

Giới trẻ thích đua đòi có khi không dám xăm những hình ảnh biểu trưng cho sức mạnh, nhưng lại xăm mấy câu thơ, hay những ký hiệu mà chỉ mình người xăm hiểu. Có thể đó là hình xăm những câu thơ sặc mùi dao búa giang hồ và cũng rất dễ bị ăn đòn sảng, đại loại như: “Đời không dao búa trai không nể; Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa” hoặc “Bão tố cuộc đời nuôi ta lớn; Kiếp sống giang hồ dạy ta khôn”... Rồi những ký tự viết tắt được xăm đơn giản, chẳng mang ý nghĩa dính dáng đến giới giang hồ cũng dễ bị ăn đòn như chơi. Điển hình như T. Xăm hình trái tim bên ngực trái, phía dưới còn “chua” thêm chữ LOVE - một hình xăm chơi bời, không có vẻ phô trương lắm. Tuy nhiên, chỉ vì một hôm ngồi nhậu với đám bạn, khi chếnh choáng hơi men, T. tự phanh cúc áo rồi vỗ vào ngực - nơi có hình xăm trái tim và lớn tiếng: “CAPSTAN”! (Cho anh phát súng tim anh nát). T. cũng chỉ muốn đùa với đám bạn cho vui, ai ngờ vừa dứt lời thì lập tức có mấy “hảo hán” xung quanh vì ngứa tai nên ập tới cho... nát tim T. cũng bằng mẩu thuốc lá.

Còn một bà mẹ khi đưa cậu con trai khoảng 16 tuổi đi xóa hình xăm ở một bệnh viện trong thành phố đã lo lắng: “Nó còn nhỏ mà chạy đua theo bạn bè xăm hình đầu con cọp trên vai, sợ đi ra đường lỡ có va chạm, người ta thấy nó có hình xăm tưởng là trộm cắp, côn đồ thì sẽ bị đánh nên đưa nó đi xóa kẻo có ngày mang họa vào thân”. Hình như nếp suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người, rằng hễ xăm hình là dân chịu chơi, hình càng lớn, càng phô ra ngoài thì càng chứng tỏ đẳng cấp “số má”. Chẳng thế mà rất nhiều tên tội phạm khi ra trước tòa, ngoài việc phô bày mớ tiền án tiền sự chất ngất, còn trưng ra trên cơ thể vô vàn các kiểu hình xăm kinh dị. Trách sao cứ nhìn thấy hình xăm là người ta dị ứng.

 

Thú xăm mình đang trở lại thành hiện tượng được giới trẻ ưa thích. Những hình xăm hoặc chữ được nhiều người ngẫu hứng nhất thời chạy theo thời trang của một bộ phận giới trẻ đua đòi để xăm cho được những hình xăm “độc”. Và một khi có hình xăm trên người, họ thường khoe mọi lúc, mọi nơi.

Những người xăm mình thường cho rằng, đã là dân chơi thì phải có hình xăm những nơi độc đáo, ấn tượng. Thế nhưng, bản thân những người xăm mình sau một thời gian dài sẽ thấy sự “bất lợi” của nó. Một người đàn ông trung niên đã tâm sự với chúng tôi: “Hồi trẻ, đua đòi theo bạn bè đi xăm hình một con rồng lên bắp cẳng chân, sau này thấy bất lợi quá, đi đâu mà để lộ ra là người ta nghĩ mình không đàng hoàng, muốn xóa lắm nhưng thấy nhiều người xóa để lại sẹo ghê quá nên thôi. Bây giờ ở nhà hay ra đường tôi cũng phải mặc quần dài, vì con gái tôi còn nhỏ, có lần ở nhà mặc quần cộc nó thấy hình xăm sợ quá nên không dám tới gần”.

 

Như lời của “Lâm đại ca” ở kỳ trước đã nói: “Xăm mình ở Việt Nam không phải là thứ nghệ thuật. Nó chỉ là kiểu chơi của giới giang hồ mà thôi. Xăm mình đương nhiên chẳng ai cấm, nhưng xăm mình tức là tự hạ phẩm chất của mình đi một bậc. Dù trông mặt có hiền đến mấy, nhưng lỡ dại mà dính vài hình xăm lên mình thì mọi người đều nhìn với ánh mắt khác. Cũng chính vì vậy mà giang hồ mới xăm, xăm cho người ta biết mình là giang hồ. Đã xăm mình là tự hạ mình đi một bậc, mà xăm hình thường thì bị chê là chơi không đúng kiểu. Thế mới cố tìm hình độc mà xăm, lỡ may xăm phải những hình mang ý nghĩa vớ vẩn của giới bụi đời, biết đâu bị ăn đòn lãng nhách, tự chuốc họa vào thân”.

Doãn Nguyên Hưng

Vằn vện với... đời! (4)