Vằn vện với... đời!

Thứ năm, 25/06/2009 00:00

Bài 1:  Tự bạch của “Lâm đại ca”

(Cadn.com.vn) - Con người khi sinh ra, nếu được là một thực thể hoàn chỉnh, lành lặn thì đó là “sản phẩm” hoàn hảo của đấng tạo hóa. Nhược bằng, nếu lúc chào đời đã có khiếm khuyết, không bình thường..., âu đó cũng là điều không may mắn của số phận. Có những người khi sinh ra, đấng tạo hóa đã cố công “nặn” ra họ với tất cả những ưu điểm về ngoại hình, tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan hay chủ quan nào đó, họ “thay đổi kết cấu” thân thể bằng cách “đục” lên cơ thể mình những hình xăm kỳ quái mà mỗi khi nhìn vào, chúng ta đều phải... giật mình, nổi gai ốc. Điều đó không chỉ được thể hiện rất rõ trên cơ thể của giới giang hồ đã từng một thời “hô mưa gọi gió” mà trào lưu xăm hình để “cho đời thêm vằn vện” còn xâm nhập cả tầng lớp học sinh - sinh viên, thậm chí cả giới công chức, bất kể đàn ông hay đàn bà…

Tôi quen Lâm trong một lần tình cờ ngồi buôn chuyện tầm phào ở quán cà-phê vỉa hè trên đường Ngô Quyền, TP Đà Nẵng. Nhìn bề ngoài, với thân hình cao lớn, trắng trẻo và lối nói chuyện cuốn hút, Lâm có dáng dấp của một công chức thành đạt hơn là kẻ đã từng làm “đại ca” ở chốn lao tù. Một vài lần gặp mặt, chúng tôi trở nên quen, và trong những câu chuyện chắp vá, không đầu không đuôi, Lâm tự bạch về chuyện của đời mình!

Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, bố là công chức Nhà nước, còn mẹ làm nghề buôn bán nhỏ. Là con út nên Lâm được gia đình ưu ái, nuông chiều hơn. Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, mặc dù không xuất sắc lắm, nhưng Lâm cũng đã trang bị cho mình được một tấm bằng tốt nghiệp cấp III. Sau lần dự thi đại học không thành, biết mình không đủ khả năng, Lâm rẽ sang hướng khác bằng cách học nghề gò hàn, những mong kiếm miếng cơm đủ để nuôi thân. Bước vào môi trường mới ở trung tâm dạy nghề, Lâm như được mở mang thêm tầm hiểu biết, có những điều mà trước đây Lâm chưa từng được học qua sách vở.

 

Để có được hình xăm như ý, dân xăm mình phải chấp nhận đau đớn, thậm chí đổ máu cũng vì hình xăm ấy (ảnh chỉ mang tính minh họa). 

 

Bạn bè đủ lứa tuổi, ở khắp các địa phương, có đứa ngoan nhưng cũng không ít đứa đã từng kinh qua những chuyện sai trái, lầm đường. Trong những lần tiếp xúc với đám bạn xấu ở các quán cà-phê, quán nhậu, Lâm dần dần bị kích thích và ngập sâu vào những câu chuyện quá khứ không lấy gì tốt đẹp của bạn. Rồi những tiết học bị bỏ dở, thay vào đó là những buổi cà-phê, nhậu nhẹt triền miên không thể tính bằng ngày, bằng giờ. “Nói thật, giờ nghĩ lại mình cũng không thể hiểu nổi ngày xưa sao lại ấu trĩ đến vậy. Sáng dắt cuốn vở sau lưng để che mắt bố mẹ rồi đến tụ tập ở quán cà-phê cho hết buổi học, chiều lấy lý do đi thực hành và đến khuya mới về nhà trong trạng thái nửa tỉnh nửa say chứ có học hành gì đâu.

Bố mẹ biết, có hỏi thì cũng bịa ra lý do này nọ, ví như sinh nhật bạn hay đại loại như vậy, sau vài lần nhắc nhở mà chẳng thủng tai nên ông bà cũng đành lơ luôn” - Lâm thú nhận! Kết quả của những cuộc chơi ấy đã đem lại cho anh những gì?, nghe xong câu tôi hỏi, Lâm đánh thượt một cái rõ dài rồi tiếp tục lật giở quá khứ: Vào khoảng thời gian cách đây 15-17 năm, khi cầm tờ giấy quyết định buộc thôi học của nhà trường - kết quả của việc không đến lớp trong thời gian dài, như người khác thì có lẽ họ cũng ăn năn, nghĩ ngợi rồi tìm cách xin trở lại lớp, đằng này tôi lại tặc lưỡi lấy đó làm niềm vui, làm lý do cho một cuộc nhậu tới bến. Và sau chầu nhậu tưng bừng ấy là một cuộc ẩu đả với bàn bên cạnh, hậu quả là một người bị thương nặng, còn nhóm tôi có 5 người thì tất cả phải vào trại cải tạo. Riêng tôi, do là đối tượng cầm đầu và gây gổ trước nên phải thụ án với thời gian 12 năm... Với Lâm, đây là thời gian mà anh thực sự thấy hết được những điều mà bạn bè kể trước đây là sự thật.

Nhấp ngụm cà-phê đen không đường - đồ uống khoái khẩu mà Lâm không thể không có khi mỗi sáng thức dậy, trước lúc bắt tay vào công việc của một ngày, Lâm tiếp tục kể chuyện đời mình: Vào trại được một thời gian, do mình là “lính mới” nên có nhiều bậc “đại ca” thường đến “hỏi thăm”. Khi thì bị một bạt tai vì không chào hỏi, lễ phép; khi thì bất ngờ nhận một cú đấm trời giáng vì dám làm ồn lúc “đại ca” đang nghỉ trưa, hay “bị tẩn” không vì bất cứ lý do gì... Tất nhiên, điều đó không thể “thổ lộ” với giám thị trại giam, bởi “nếu hé răng thì liệu hồn”! Lúc đầu, Lâm cũng xác định, một mặt phải nhẫn nhục chịu đựng, mặt khác là không muốn dây dưa với đám côn đồ quen lấy số đông ức hiếp người khác.

 

Để có được hình xăm như ý, Lâm giao việc cho đám đàn em: người lo chế tác ra chất liệu để làm mực, kẻ nghiên cứu để tạo ra bút xăm, còn một thành phần nữa không thể thiếu là “họa sĩ”... Khi dụng cụ đã chuẩn bị xong xuôi, phải mất gần 3 tháng, “ê-kíp” xăm hình mới hoàn thành tác phẩm như Lâm mong muốn. Cùng với hình xăm này, biệt danh “Lâm đại bàng” đã một thời “làm mưa làm gió” ở chốn kẻ lành thì ít, kẻ ngoa nguýt thì nhiều...

Tuy nhiên, ở cái nơi mà theo Lâm, “mình không tự cứu mình thì chẳng ai có thể ra tay che chở mình được”, thế nên càng ngày Lâm càng phải chịu sự đè nén nhiều hơn. Đỉnh điểm của sự nhẫn nhịn ấy là trong một bữa cơm, khi Lâm nhận lấy phần cơm của mình xong và đi về một góc bàn, vừa chuẩn bị ngồi xuống ăn thì bất ngờ chiếc ghế chuẩn bị ngồi xuống bị một người ở bàn bên kéo mạnh làm Lâm ngã ngửa ra phía sau, cả tô cơm ụp vào mặt. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì đã nghe tiếng cười khanh khách của nhóm tù bên cạnh, trong đó có kẻ cầm đầu mà hằng ngày chuyên dùng Lâm làm trò hề trước mặt mọi người. Chẳng cần suy nghĩ gì, Lâm vùng dậy và cứ thế dùng hết sức bình sinh nhằm thẳng tên “đại ca” mà đấm đá túi bụi khiến tên “đại ca” nhận một trận thừa sống thiếu chết. Và nếu không có sự can thiệp của giám thị trại giam thì hậu quả sẽ không dừng lại ở việc Lâm phải nhận thêm mức án 3 năm tù nữa, còn tên kia vẫn giữ được mạng sống...

 

Lâm bảo, ở trong tù, phàm là kẻ mạnh cũng phải gắn với những hình ảnh đặc trưng được xăm lên cơ thể - đó là tín hiệu để cho các bậc đàn em khi nhìn vào biết mà “cung phụng”, cầu an; đồng thời là để cho những kẻ “ngang tầm” biết mà kiêng nể, dè chừng. Đó là “luật bất thành văn”, dù mình không muốn cũng phải thể hiện cho “thiên hạ” biết. Sau khi đánh gục tên cầm đầu trong phòng giam, không lâu sau đó tiếng tăm của Lâm nổi như cồn. Số đàn em trước đây bám gót theo kẻ bị “hạ bệ” chuyển qua nhờ vả, dựa dẫm và phục tùng “anh Lâm”. Từ đây, cuộc sống ở chốn trại giam của Lâm cũng tự nhiên thay đổi hẳn. Và để khuếch trương uy thế, Lâm bảo đàn em xăm lên trước ngực mình hình con đại bàng dang cánh với móng vuốt sắc nhọn, cặp mắt tinh tường đang cắp một con cá to chao liệng giữa bầu trời...

Doãn Nguyên Hưng

Vằn vện với... đời! (2)