Vàng mã thời nay

Thứ sáu, 08/08/2014 08:01

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, tục đốt vàng mã ở nước ta phát triển mạnh, thậm chí đốt vàng mã còn là một nghi thức không thể thiếu khi cúng kiến và trở thành hủ tục. Vấn nạn đốt vàng mã luôn là đề tài nóng hàng năm, thường nở rộ vào dịp cuối năm, ngày vía, ngày Tết, lễ Vu Lan...

Với quan niệm "trần sao âm vậy" ngày càng ăn sâu vào đời sống người dân Việt, nên người sống thường cúng cho người thân ở cõi âm tiền, vàng mã để họ có được cuộc sống đủ đầy nơi "âm giới".

Bên cạnh những lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống, có ý nghĩa lành mạnh, cũng rất nhiều lễ hội mang đậm màu sắc mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh... Vì thế, đồ vàng mã đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ rất lâu đời, gây ô nhiễm, không khí ngột ngạt cho những người đến dự lễ hội mà còn gây lãng phí, mất trật tự, lộn xộn nơi công cộng.  Rất nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và yên tâm vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ. Vậy nên người ta sẵn sàng đốt vàng mã ở khắp nơi, từ gia đình, đến chùa chiền, miếu, thậm chí ngay cả ở công sở, cơ quan... dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết.

Tệ đốt vàng mã gây phung phí tiền bạc, thay vì dùng tiền đó làm việc từ thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều hoặc đem bố thí cho người nghèo, người đau ốm bệnh tật, người khó khăn ở vùng sâu vùng xa thì có lẽ người chết sẽ được hưởng phước nhiều hơn, bởi "cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ", Khi đốt tiền, vàng mã ra tro thì người chết cũng không xài được. Sự biểu hiện tình thương đối với người chết bằng quan niệm trên thật là vô lý, có khi đốt "nhà giả" mà cháy cả "nhà thật" như đã từng xảy ra.



Bán và đốt vàng mã.

Một số lễ hội dân gian làm nảy sinh nhiều bất cập và vấn nạn làm  phai mờ bản sắc dân tộc, làm suy giảm yếu tố tâm linh, gây phản cảm trong sinh hoạt xã hội, gây lãng phí tiền của, mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Hoạt động tâm linh mang tín ngưỡng dân gian... mê tín dị đoan gây ảnh hưởng không tốt với xã hội, phát sinh những ý tưởng kỳ quặc. Với gia đình khấm khá thì sắm lễ từ triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí là hơn thế nữa, đây có lẽ là sự "phô trương" với người trần thì đúng hơn. Giữa lúc nhiều người dân còn nghèo nàn, còn bao cảnh màn trời chiếu đất, bao trẻ em khuyết tật, bao cụ già cô đơn không nơi nương tựa, bao trẻ lang thang không nhà không cửa, biết bao em bé bị chất độc màu da cam... đang rất cần đến sự giúp đỡ về mọi mặt, hãy hoán chuyển từ việc đốt vàng mã sang giúp đỡ người khác mới quả là một việc làm thật ý nghĩa và đáng trân trọng biết bao nhiêu.

Hàng vàng mã trên thị trường thực tế hiện nay ngày càng phát triển mạnh, thậm chí còn trở thành một mặt hàng sản xuất kinh doanh phổ biến và là nguồn thu nhập của không ít người. Nhiều năm gần đây rất nhiều hộ phất lên nhờ làm nghề mã do "có cung thì mới có cầu", người mua có nhu cầu thì những nhà làm vàng mã sẽ đáp ứng. Việc đốt "vàng, bất động sản, máy bay, xe hơi, tủ lạnh, máy tính, tivi, máy giặt, đô-la... hàng triệu, hàng chục triệu đồng chỉ với một mong muốn  được người âm phù hộ cho gia đình hoặc được thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào hối lộ thánh thần, hối lộ người âm.

Xe máy Dream mua cho người âm.

Đất nước phát triển, hội nhập với trào lưu văn minh của nhân loại, sống ở thời kỳ khoa học hiện đại, có trình độ học thức gấp nhiều lần, hủ tục đốt, rải vàng mã hoàn toàn không phù hợp với đời sống xã hội hiện đại, mọi người dân cần hướng tới nếp sống văn hóa, văn minh, tiết kiệm. Thiết nghĩ Nhà nước sớm đưa ra các quy định pháp luật mới để ngăn cấm việc đốt đồ mã, cần xử lý vi phạm hay áp dụng các biện pháp chế tài mạnh cho cả người tiêu dùng và người sản xuất.

Các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân từng bước hạn chế, tiến đến chấm dứt nạn đốt vàng mã, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và trong hoạt động lễ hội, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan... không riêng việc  đốt vàng mã, trong đám ma, việc rải tiền vàng giấy (tiền âm phủ), nhiều gia đình còn rải cả tiền thật. Nhiều tuyến đường tiền vàng âm phủ, tiền thật bay tứ tung, vừa mất mỹ quan thành phố, một số người tranh nhau lượm tiền thật bát nháo gây cản trở giao thông. Đã có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra từ việc rải tiền trên đường phố, đây là những hiện tượng phản văn hóa cần được ngăn chặn.

Để hội nhập và phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hòa nhập cùng thế giới, cần sự "đồng tâm hiệp lực" của các cấp, các ngành, các Hội đoàn thể, nhà trường..., thường xuyên và quyết tâm tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, nhất là các em học sinh (những người rường cột của đất nước trong tương lai) trong việc xóa bỏ hủ tục đốt vàng mã cho người âm. Bên cạnh đó, các cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể..., cần gương mẫu chấp hành, "nói không với tệ đốt vàng mã".

Tiên Sa