Vang mãi khúc quân hành
(Cadn.com.vn) - Sáng 26-3, hơn 200 CCB C2 Hòa Vang (Đà Nẵng), trong đó hầu hết họ đều lên chức “ông, bà”, nhiều người đang phải chống chọi với bệnh tật, đau yếu triền miên đã có buổi gặp mặt đầy ấm áp, xúc động và tươi roi rói chất “lính” nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Theo ông Hoàng Minh Nghiêm, Trưởng ban liên lạc (BLL) CCB C2 Hòa Vang, ký ức về một thời lửa đạn luôn gợi nhớ trong họ những chiến công và sự đau thương mất mát trong hành trình hơn ngàn ngày đánh Mỹ cho đến tận bây giờ. Năm 1961, khi đơn vị thành lập, có nhiều người lính C2 mới tuổi 15-16 nhưng vẫn dũng cảm hành quân ra trận trong tiếng gầm rú của đạn bom. Với nhiều năm ròng rã trụ bám trên chiến trường ác liệt, từ trận đầu bắt sống Mỹ ở thôn Nam Thành, xã Hòa Bình cũ (nay là xã Hòa Phong) đến trận đánh cuối cùng chiếm quận lỵ Hòa Vang, góp phần giải phóng Đà Nẵng, thống nhất đất nước. Gắn liền với những chiến công đó, gần 300 CBCS trong đơn vị đã nằm lại với đất Mẹ, cùng với hàng trăm đồng đội khác hiện vẫn còn mang trên mình vết tích chiến tranh...
Nghẹn lòng khi tìm được hài cốt LS Lê Hữu Dũng. |
Buổi gặp mặt năm nay, BLL cho ra mắt 300 quyển kỷ yếu, bước đầu phác họa hình ảnh về những người lính C2 - Khu II - Hòa Vang thật đẹp và đầy dũng khí cùng hành quân trong đoàn quân tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với biết bao người con từ mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các đồng đội quê hương Thanh Hóa, Hải Phòng kết nghĩa đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Những người lính ấy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lòng nhiệt huyết không bao giờ thiếu, họ hy sinh cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng với mơ ước bình dị là sớm giải phóng Miền Nam để được trở về mái nhà xưa, mái trường xưa đoàn tụ với gia đình, bạn bè... Trong sâu thẳm tâm can của các CCB, mỗi người đều mang trong mình một niềm ấp ủ. Hình như họ đang nhớ về những đồng đội của mình - người mất, người còn khi lật giở từng trang kỷ yếu.
Chiến tranh kết thúc, hầu hết những người lính đều trở về với đời thường, nhưng trong tâm khảm của họ đều canh cánh nỗi niềm đồng đội. Ai cũng muốn tìm nhau để “sống thì thăm, chết thì viếng”. Nhiều người trong số họ đã đi gần tới chặng cuối cuộc đời. Trăm mảnh đời, trăm nẻo sống với bộn bề những lo toan. Bên cạnh đó, việc tìm hài cốt đồng đội, động viên giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cũng là việc làm thường xuyên, thắm đượm nghĩa tình của họ. Câu chuyện về CCB người dân tộc Hre Đinh Văn Ép (trú xã Ba Vinh, H. Ba Tơ, Quảng Ngãi) là một điển hình.
Năm 1971, sau khi rời khỏi trại giam ở Đà Nẵng, ông Ép không trở về quê mà liên lạc với cơ sở cách mạng, gia nhập C2. Năm 1973, trong một lần được cử đi trinh sát vùng xuôi để chuẩn bị cắm cờ giữ đất, ông bị địch bắn trọng thương, 3 ngày sau mới lết về đến căn cứ. Ngày đất nước thống nhất, theo chủ trương chung, C2 Hòa Vang giải thể, mỗi người đi mỗi ngã trong điều kiện còn thiếu thông tin liên lạc... Mãi đến nhiều năm sau, khi BLL C2 thành lập, nhiều CCB liền ấp ủ tâm nguyện tìm về quê đồng đội Ép. Ngày 1-3-2014, đông đảo đồng bào Hre và chính quyền địa phương chứng kiến lễ bàn giao ngôi nhà đồng đội cho ông Ép; trong đó nhóm CCB C2 hỗ trợ 80 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, ngày 7-8-2015, sau nhiều năm tìm kiếm, các CCB C2 đã phát hiện và đưa hài cốt LS Lê Hữu Dũng (Chính trị viên phó) về quê. Đây là 1 trong 2 hài cốt đồng đội đã hy sinh ở trận đánh Hầm Xẻ (thôn Nam Thành) vào ngày 20-6-1971. Tại lễ truy điệu LS Dũng, CCB Trần Chiến Chinh thảng thốt: “Dòng người lặng lẽ/Tiễn anh về đất Mẹ Hòa Châu/Bốn bốn năm, anh nằm lại nơi đây/Xứ Nam Thành của một thời lửa đạn/Nhè nhẹ bàn tay sợ chạm vào dĩ vãng/Như có điều chi đau nhói trong tim/...Nay Dũng về, còn Sơn nằm lại/Lấy ai đâu quấn quýt bên nhau?/Đồng đội ơi! Dẫu đá sỏi bạc màu!/Quên sao được, một thời chinh chiến!”.
Các CCB C2 lật từng trang kỷ yếu tìm thông tin đồng đội. |
Và như một duyên nợ, mỗi lần gặp mặt là mỗi lần các CCB C2 Hòa Vang lại được sống với những kỷ niệm thời hoa lửa. “Tôi không nhớ mình đã làm bao nhiêu cuộc đồng hành cùng đồng đội tìm về quá khứ, cứ mỗi lần như vậy trong tôi lại tràn dâng những cảm xúc dạt dào. Nhiều lần tôi tự nhủ, phải chăng vùng đất nơi đây đã từng chịu nhiều đau thương mất mát vẫn còn tiềm ẩn biết bao câu chuyện thấm đẫm tình người. Với chúng tôi, mỗi người lính phải sống mãi với khúc quân hành, khi ở trong mưa bom bão đạn, họ cảm thấy cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù, còn khi trở lại cuộc sống đời thường, nghĩa tình đồng đội là điều cháy bỏng nhất. Đó là một thứ tình cảm cao cả không thể nói được bằng lời”, CCB Trần Thanh Hùng (trú xã Điện Tiến, TX Điện Bàn, Quảng Nam) khẳng định.
An Dương