Trường Sa trong tôi

Thứ sáu, 21/06/2024 14:12

Từ ngày 5-4 đến 11-4-2024, theo chân Đoàn công tác số 5, tôi vinh dự lần đầu tiên được đến thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.2. Chuyến đi 7 ngày lênh đênh trên tàu Kiểm ngư KN39 đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả, những kỷ niệm thật đẹp về biển đảo quê hương, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà bấy lâu nay tôi chỉ được hình dung qua sách, báo, phim ảnh.

Ông Nguyễn Văn Long với con trai Nguyễn Quang Vinh.
Nhà giàn DK1.2.

Gần lắm Trường Sa!

Đoàn công tác số 5 đi Trường Sa lần này gồm có 190 đại biểu thành viên đến từ các địa phương, đơn vị TP Đà Nẵng (có 70 thành viên), Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,... do đồng chí Phạm Văn Hùng - Chuẩn đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam làm Trưởng đoàn; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi làm Phó Trưởng đoàn.

Sau 2 ngày lênh đênh giữa sóng gió đại dương, Đoàn công tác số 5 đã đến đảo Song Tử Tây. Có lẽ, ấn tượng sâu đậm nhất của tôi khi đặt chân đến nơi hòn đảo này cũng như các đảo Sinh Tồn, Trường Sa,... đó là cảm giác thật bình yên, với buổi sáng khi bình minh lên gác chân mây một màu đỏ au, hoặc buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, đêm đêm giữa điệp trùng sóng gió nơi biển khơi nhấp nhô những con tàu đánh bắt cá của ngư dân ánh đèn rực rỡ,... Khi lênh đênh giữa đại dương mênh mông, hay những lần trung chuyển bằng ca-nô chập chùng sóng vỗ để cập bờ đến với các đảo, tôi thấy lòng mình dâng lên niềm cảm xúc thật gần gũi, thân quen như đã từng đến những nơi này đã nhiều lần. Tôi nghe vang vọng đâu đây những ca từ ngọt ngào, tha thiết của bài hát “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”.

Đặc biệt, nếu kể một câu chuyện sức sống ở Trường Sa, tôi sẽ bắt đầu câu chuyện khi cả Đoàn rời tàu KN 390, rồi trung chuyển bằng ca-nô để đặt chân đến với các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn, đảo Cô Lin, Đá Thị,... nhìn những vườn rau xanh ngát vơi nhiều loại rau, quả; những vườn ươm cây giống trên những mảnh vườn nhỏ, có mái che, trên những thùng xốp; những cây bàng vuông, phong ba, tra, mù u, phi lao,... xanh ngút ngàn giữa biển trời Tổ quốc; những cái chuồng nho nhỏ nuôi lợn, gà, vịt,... lòng tôi dâng lên bao niềm xúc động và cảm kích. Đó không đơn thuần là tăng gia trồng rau, chăn nuôi để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do biển đảo cách trở, mà đó là biểu hiện sinh động nhất về sức sống mãnh liệt nơi Trường Sa thân yêu.

Đoàn công tác số 5 tại Trường Sa.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Ở đảo Cô Lin, Đảo Đá Thị, hay Sinh Tồn, Trường Sa, tôi gặp những chàng lính đảo trẻ, tuổi đời mười tám đôi mươi da sạm nắng, từng giọt mồ hôi thấm trên lưng áo; họ chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân, xa gia đình, người thân để bảo vệ, canh gác nơi biển trời Tổ quốc. Tôi thật sự xúc động khi được chứng kiến cuộc hội ngộ nơi trùng khơi biển đảo giữa 2 cha con ông Nguyễn Văn Long với con trai là Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh. Ở đó, họ xem đảo là nhà, mang nặng tình yêu quê hương, đất nước của người lính. Thật đúng với câu: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Đặc biệt, tôi lặng người, nghe tim mình thổn thức trong lồng ngực khi cùng với Đoàn công tác tổ chức trang trọng lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trong đó có một số cán bộ, chiến sĩ quê ở Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo vùng Cô Lin - Len Đa - Gạt Ma vào ngày 14-3-1988 trên Tàu KN 390 trong đầu buổi chiều đầy nắng gió, cũng như các lần viếng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở các đảo mà Đoàn đến thăm.

Hôm trước khi chia tay Trường Sa để về đất liền trên con tàu KN390, cả Đoàn công tác số 5 ai cũng nôn nao muốn được đến thăm chiến sĩ Nhà giàn DK1.2. (Phúc Tần). Tuy nhiên, sáng hôm đó biển động mạnh, sóng cấp 3. Vậy nên Trưởng đoàn thông báo không thể di chuyển ca-nô để thăm Nhà giàn được, mà chỉ vận chuyển quà qua ca nô để tặng các chiến sĩ Nhà giàn mà thôi. Cả Đoàn ai cũng tiếc nuối. Phó Trưởng Đoàn Nguyễn Thị Anh Thi giọng nghẹn ngào nói qua bộ đàm: “Các cán bộ, chiến sĩ bên Nhà giàn DK1.2 có nghe rõ lời chúng tôi nói không?... Chúng tôi rất tự hào về các anh. Chúng tôi rất tiếc do thời tiết xấu không thể đến nhà giàn tay bắt mặt mừng từng đồng chí. Qua hệ thống bộ đàm này, chúng tôi chúc các anh sức khỏe, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”.

Ông Nguyễn Văn Long với con trai Nguyễn Quang Vinh.

Tất cả vì Trường Sa thân yêu!

Với tinh thần tất cả vì Trường Sa thân yêu, cả nước hướng về Trường Sa và Nhà giàn DK1.2, cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước; đồng thời nhằm động viên, cổ vũ quân và dân các đảo yên tâm, vượt qua khó khăn, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo các địa phương trong cả nước nên thường xuyên tổ chức nhiều hơn nữa các đoàn cán bộ đến với Trường Sa, thăm hỏi, động viên bằng cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để quân và dân các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.2 luôn chắc tay súng, đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.

Sau chuyến công tác 7 ngày ở Trường Sa, là cán bộ ngành Tuyên giáo TP Đà Nẵng, tôi nhận thấy bản thân mình không chỉ tự hào, yêu quý, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc, của Trường Sa thân yêu, mà cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc phản bác, đấu tranh phê phán, lên án các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với biển, đảo của Tổ quốc nói chung và 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng cũng như bảo vệ chủ quyền từng tấc biển, từng sải nước, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Trường Sa đong đầy ký ức trong tim tôi!

ĐINH VĂN DŨNG

Hẹn gặp Trường Sa

Tạm biệt đất liền bằng 3 hồi còi dài, tàu Trường Sa 571 chính thức rời quân cảng Cam Ranh, bắt đầu hải trình hướng Đông, đưa chúng tôi đi thăm những cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Giữa biển cả bao la, dõi mắt trông theo những con tàu cá của ngư dân giữa trùng khơi, trước mắt tôi như hiện ra những Hải đội Hoàng Sa năm nào.