Vàng - máu & nước mắt

Thứ hai, 14/04/2014 11:30

* Kỳ 1: Vào “thung lũng vàng”

(Cadn.com.vn) - Mộng đổi đời từ vàng vẫn chưa có hồi kết với “xứ vàng” Quảng Nam. Đã có biết bao phu vàng đã bỏ mạng nơi này, nhưng vì ước muốn “đổi đời”, người ta quên đi sự nguy hiểm để tìm tới đây vì giấc mơ xa vời. Sau nhiều ngày thâm nhập “thung lũng vàng Phước Sơn” - thôn 8 (xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn, Quảng Nam), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra tại nơi đây, qua đó phần nào lột tả, lý giải vì sao qua nhiều năm, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tuyên chiến bài trừ vàng trái phép, nhưng đến nay vấn nạn này vẫn chưa thể dẹp.

Chưa khi nào tại Quảng Nam “tần suất” báo chí nói về các vấn đề liên quan đến nạn đào đãi vàng nhiều như hiện nay. Từ chuyện 3 phu vàng thiệt mạng đến những em nhỏ bị ép lao động trong hầm như khổ sai, rồi đến hàng trăm lao động từ một Cty vàng đào thoát khỏi bãi do không chịu được... “nhiệt”. Để thực hiện loạt bài liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi xâm nhập nơi được mệnh danh là “thung lũng vàng” - nơi đây có đến 4 Cty hoạt động và hàng chục điểm khai thác vàng nhỏ lẻ trái phép của “vàng tặc”, số lao động đổ về đây hiện tại lên đến hàng nghìn người.

Từ trung tâm xã Phước Hiệp, hơn 2 tiếng đồng hồ trên chặng đường hết dốc đá đến suối sâu, cuối cùng chúng tôi cũng đến được thôn 8 (xã Phước Hiệp). Tấp vào một quán ven đường để nghỉ trưa, sau vài câu nói xã giao, dù không hỏi chúng tôi vào đây làm gì, nhưng với kinh nghiệm từng trải của một cai vàng có hàng chục năm kinh nghiệm, bà L. đã đoán ra được chúng tôi là ai. Lúc này tiếng kẻng vang lên từ các bãi vàng báo hiệu giờ làm buổi chiều bắt đầu. Ngay sau đó là tiếng máy nổ, tiếng động cơ gầm rú vang cả một vùng... Đợi chúng tôi ngả lưng trên tấm ván trước hiên nhà, bà L. vội chạy vào các bãi vàng thông báo “có nhà báo vào”. Và chừng nửa tiếng sau, khu rừng trở nên im lặng đến lạ thường.



Đường vào “thung lũng vàng”.

Tại đây, có 4 doanh nghiệp đăng ký khai thác khoáng sản gồm Cty TNHH Ngọc Lĩnh, Cty TNHH Nam Mai, Cty CP Khoáng sản S.S.G chi nhánh Quảng Nam và Cty TNHH Hữu Minh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ Cty TNHH Nam Mai còn thời hạn khai thác, 3 Cty kia đang chờ gia hạn giấy phép. “Do hết phép nên hoạt động của các Cty có phần hạn chế, chứ trước đây thì rầm rộ, ì ầm suốt cả ngày đêm. Ngày thì đì đùng thuốc nổ như núi sắp sập, tối thì xay đá, xay quặng, “náo nhiệt” lắm. Giờ đang chờ gia hạn giấy phép khai thác, không cấp thuốc nổ nên người ta chỉ còn bòn mót lại quặng vàng còn sót thôi...” - bà L. giải bày với chúng tôi sau khi từ bãi vàng ra.

Rời quán tạp hóa, chúng tôi tiếp tục vào bên trong - nơi các Cty đang “đóng quân”. Dạo quanh một vòng, dễ dàng nhận thấy những doanh nghiệp này sử dụng chất cyanua và các loại độc chất khác để tách vàng, bởi các dòng suối đi qua dậy lên một mùi nồng nặc. Điều đáng nói, chính sự thiếu trách nhiệm của các Cty đối với công tác bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, các bể lắng, lọc thì có, nhưng các Cty không sử dụng, các chất thải được trực tiếp xả ra sông suối, tạo nên một màu vàng khè, đục quánh.

Thấy chúng tôi đang ghi hình một chiếc ống xả nước thải của hầm lò trực tiếp ra suối, một công nhân nhanh chân chạy đến, cầm chiếc vòi bỏ vào bể lắng(?). Như vậy, có thể thấy hệ thống lắng, lọc ở các nhà máy chỉ xây dựng cho... có, để đối phó với các ngành chức năng. Toàn bộ đều được xử lý một cách “tự nhiên” là đẩy ra sông suối. Chính vì điều này nên dù còn hạn khai thác, nhưng Cty TNHH Nam Mai đã 2 lần bị xử phạt vì hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường với tổng số tiền 95 triệu đồng.

Nước thải không qua xử lý được các Cty thải trực tiếp ra suối.

Đối với những Cty hết hạn, tuy không náo nhiệt, hối hả như Cty Nam Mai nhưng mỗi Cty vẫn có từ vài chục đến hàng trăm công nhân đang hoạt động. Theo họ, đó là số công nhân ở lại để “giữ nhà máy” và chỉ là khai thác vét, tận thu quặng. Điều này cũng chẳng sai, bởi theo Điều 25, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thì: “Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được tiếp tục khai thác khoáng sản theo giấy phép đến thời điểm được gia hạn hoặc đến khi có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn”. Chỉ có điều, khi đã hết hạn thì doanh nghiệp sẽ không được cấp phép cho việc sử dụng thuốc nổ để khai thác.

Ông Hoàng Đình Nhất - Phó Trưởng phòng TN&MT Phước Sơn cho biết: “Trong giấy phép hoạt động, một số Cty không được sử dụng hóa chất để tuyển quặng, tuy nhiên vẫn có Cty lén lút sử dụng. Cụ thể như Cty TNHH Nam Mai, gần đây chúng tôi đã tiến hành kiểm tra phát hiện và đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng. Trước đó Cty này cũng bị Phòng CSMT CA tỉnh Quảng Nam xử phạt 80 triệu đồng về hành vi trên.

Theo quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp khi triển khai xây dựng hệ thống xả thải bắt buộc xây dựng 3 bể lắng, 4 bờ đập và đặt ở vị trí phù hợp dưới sự giám sát của cơ quan chủ quản. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, hầu như việc xác định vị trí xây dựng hệ thống xả thải phó mặc cho doanh nghiệp nên họ chọn xây dựng hệ thống này ở gần khe, suối để thuận lợi trong khâu “xử lý” nguồn nước thải. Và hệ quả là chất thải độc hại vô tư chảy trực tiếp ra sông, suối...

Phóng sự: Trần Tân
(còn nữa)