Vang vọng Cheo Reo (2)

Thứ ba, 24/03/2009 00:00
>> Vang vọng Cheo Reo

Kỳ 2: Quyết định táo bạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch

(tiếp theo và hết)

(Cadn.com.vn) - Trận Buôn Ma Thuột (BMT) chưa kết thúc ở đây. Đặt giả thuyết nếu ta không dự trữ át chủ bài hay nói theo danh từ quân sự dự trữ lực lượng dự bị chiến dịch hùng hậu và thiện chiến là Sư đoàn 10 thì khó lòng bẻ gãy đòn phản kích và do đó không dẫn đến sự tháo chạy của toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 ngụy ở Tây Nguyên.

Giờ này đây, sau 34 năm, ngồi ôn lại chuyện Cheo Reo thấy đúng là ta đã lâm vào thế kẹt. Ta đã dự kiến địch sẽ rút khỏi hoặc nói chính xác hơn là địch bỏ Tây Nguyên, vắt chân lên cổ chạy khỏi địa bàn, nhưng không ngờ chúng lại chọn con đường xấu nhất, đã nhiều năm qua chính chúng không dùng đến nữa. Tư lệnh chiến trường có cả vạn quân, có nhiều sư đoàn nhưng lúc này đây Tư lệnh không thể điều một trung đoàn, một tiểu đoàn, thậm chí một đại đội tung vào trận vì ta không có quân ở gần Cheo Reo. Để gỡ thế kẹt, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương ra lệnh cho các đơn vị hành quân về hướng Cheo Reo và đưa ra quyết định táo bạo nhưng rất cần thiết, rất đúng là tung tất cả xe chạy ban ngày, chở bất cứ đơn vị nào của Sư đoàn 320 về hướng Cheo Reo.

Nhận được tin chậm, tôi không có cách gì đến nơi sẽ xảy ra cuộc chiến chiến lược dù tôi không phải mang theo vũ khí, không phải mang gạo. Tôi tìm gặp các cán bộ tham mưu để nắm tình hình tác chiến ở Cheo Reo nhưng tin tức thu được rất chung chung: Toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 320 đang tiến về hướng Cheo Reo với tốc độ nhanh nhất. Từ BMT đến Cheo Reo dài 155km. Địch đã dùng ô-tô chạy trước nửa ngày. Muốn vượt lên trước địch, ta phải băng qua đỉnh cao 758, trèo núi đá tai mèo dốc dựng đứng. Là phóng viên chiến tranh, tôi biết đọc bản đồ. Ngoài đường 7 chật ních xe, người chen chúc nhau, ta chỉ tiếp cận Cheo Reo bằng cách đi xuyên qua rừng khoọc rồi vượt qua dãy núi cao từ xưa tới nay chưa có ai đặt chân tới. Muốn thắng địch, mỗi người phải bỏ tư trang lại, mang theo súng, đạn, cuốc, xẻng, bi-đông nước, lương khô, còn phải thồ thêm 300 viên đạn AK, 6 quả lựu đạn và gùi từ 5-8 quả đạn B40

 Quân địch ở Tây Nguyên rút chạy hỗn loạn trên đường 7. Ảnh: Tư liệu

Không bỏ qua thời cơ hiếm có nhất của người cầm bút, tôi sục đến đơn vị đã trực tiếp chiến đấu. Rất mừng là tôi gặp được Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi. Anh mới được đề bạt giữ chức Trung đội trưởng. Tôi được biết là Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi cùng 4 chiến sĩ đã đến đích sớm nhất. 2 ngày trước, một hòn đá tảng lăn từ trên núi xuống đã đè dập nửa bàn chân của Hợi, sưng tấy, đỏ mọng nhưng anh không nửa lời kêu đau, vẫn tham gia đào công sự. Nhận được lệnh không cho địch tháo chạy khỏi Cheo Reo, nhiều người ái ngại cho Hợi, muốn để anh lại tuyến sau nhưng Hợi dứt khoát: “Tôi đi được. Anh em mang bao nhiêu, tôi xin thồ đủ bấy nhiêu. Nhất định tôi không thua kém ai, tôi không tụt hậu đâu”. Không ai tưởng tượng nổi là Hợi có thể đi, đi không chống gậy và vẫn mang nặng như mọi người lại đi trước dẫn đầu đơn vị. Màn đêm buông xuống. Lọt vào khu rừng rậm không một lối mòn, trời tối đen như mực, ấy thế mà ý chí diệt địch đã thôi thúc Hợi và 4 chiến sĩ. Bàn chân của Hợi sưng to tới mức không xỏ vừa đôi dép râu anh buộc cỏ tranh, dùng băng cá nhân băng kín. Anh rút sợi quai dép đốt lên để soi đường. Có ánh sáng, các anh bước đi vững hơn, nhanh hơn.

Cheo Reo đây rồi. Địch đông lắm. Mặc, tiểu đội Nguyễn Vi Hợi tranh thủ nổ mấy phát B40. Xe tăng địch bốc cháy. Địch hoảng loạn, không rõ quân giải phóng từ đâu tới, nhiều hay ít? Tôi đã đến Cheo Reo xem tại chỗ. Xin các nhà viết sử khi chép lại sự kiện này đừng bỏ qua sự cố cầu IA-Nu gãy. Không có những phát đạn B40 của 5 chiến sĩ bắn đúng lúc, sẽ không khiến tất cả các loại xe tăng, xe thiết giáp, xe tải, xe lôi, xe lam, xe honda, xe đạp, người gồng gánh, người chạy bộ... cùng hối hả xô lên cầu. Cầu cũ nên không thể chịu đựng nổi trọng lượng tăng lên quá cao quá đột ngột nên bị gãy.

Tất cả lực lượng dự trữ chiến lược của Quân đoàn 2 ngụy không còn đường thoát thân nên đành cam chịu chết như cá nằm trên thớt. Khoảng 5 - 10 phút sau, Trung đội trưởng Đàm Việt Hùng đưa quân tới đích, cùng dàn thế trận, cùng bắn mạnh. Các cánh quân tiếp theo của cả 3 trung đoàn 64, 52, 48 đều dần dần áp sát mục tiêu. Quân ta đang ở thế áp đảo lại được tăng viện. Kẻ địch chạy bán sống bán chết nhưng biết chạy đi đâu? Cầu IA-Nu bắc qua sông Ba đã bị gãy. Những phát đạn B40, B41 nổ đúng lúc có giá trị gây tổn thất cho kẻ địch 100 lần, 1.000 lần hay 1 vạn lần giá trị đích thực của đạn thật khó có cách gì đo nổi vì cho đến nay chưa chắc đã có ai tổng kết sự việc này.

Ở chiến trường, tôi không đủ thời gian kể về tấm gương khác. Năm 2009 ngồi viết lại những chuyện này tôi biết Nguyễn Vi Hợi đã là Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Tôi mê Nguyễn Vi Hợi, đã dành nhiều trang viết về chiến công của anh nhưng hôm nay (l-3-2009) tôi muốn kể về chiến công xóa sổ Quân đoàn 2 ngụy không cho phép địch đưa lực lượng dự trữ chiến lược của Tây Nguyên về cứu nguy và bảo vệ Sài Gòn. Từ ngày 18-3-1975, các đơn vị bộ binh ta đã tràn về Cheo Reo. Địch kháng cự rời rạc không phải chúng không có lực lượng mà do lính không nghe lệnh quan nữa và cả quan, cả lính đều lo giữ mạng sống của mình, lo tìm cách thoát thân khi đường về Sài Gòn không còn nữa.

Do địch không chạy thoát đi đâu được nên anh em ta tha hồ bắt tù binh dễ dàng hơn người nông dân đi bắt cua mùa hè. Khi viết về Nguyễn Vi Hợi, tôi được đơn vị xác nhận là một mình anh đã bắt sống 68 tên địch. Bất kỳ chiến sĩ nào cũng có công bắt tù binh. Có mệnh lệnh truyền xuống: “Cứ bắt lính. Không đụng tới dân. Đứa nào mặc quân phục thì bắt”. Ngay tức khắc những bộ quân phục của đủ mọi loại sắc lính, với đủ loại lon cấp úy, cấp tá vứt la liệt dọc đường. Lại có tiếng hô: “Cứ bắt những tên đi giày ngụy”. Lập tức lại có cảnh tháo vội giày quăng ra ven đường. Bây giờ ta lại có cách tóm lính ngụy: “Thằng nào cởi trần, đi chân đất, mặc quần xà  lỏn là lính ngụy”. Lại có cuộc thay hình đổi dạng mới. Những tên cởi trần vội vã xin, mượn, hoặc cướp giật áo quần thường phục nên có tên gầy như que củi vớ phải bộ rộng thùng thình; có đứa cao kiếm được chiếc quần ngắn cũn cỡn và có đứa mặc cả quần áo đàn bà...

Nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Tây Nguyên cả chục năm tham dự trên dưới 100 trận chiến đấu nhưng không trận nào thắng giòn giã, vui vì bên ta không có ai thương vong, sướng, hồ hởi, thú vị như trận này. Nhìn trên bản đồ ta thấy Cheo Reo và BMT cách nhau khá xa nhưng nếu không có đòn diệt gọn quân phản kích ở Phước An và không có kết quả trận truy kích địch tháo chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch rút khỏi Pleiku, Kon Tum thì ý nghĩa chiến dịch BMT hạn chế rất nhiều.

Theo số liệu chính thức, ta chỉ diệt ở Cheo Reo có 1.044 tên  địch còn bắt sống và gọi hàng tới 13.685 tên trong số đó có 635 sĩ quan từ cấp chuẩn úy tới đại tá. Tôi chỉ muốn qua những điều mắt thấy, tai nghe, đặt đúng tầm vóc BMT để chúng ta cùng hình dung ra thắng lợi mà Quân đoàn 3 gặt hái trong mùa xuân năm 1975, đặc biệt là đòn quyết định “Vang vọng Cheo Reo” rất lớn, rất vĩ đại.

>> Vang vọng Cheo Reo

Nguyễn Tấn Thiết