“Vành đai và Con đường” trải dài đến Bắc Cực?
(Cadn.com.vn) - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được xem là “đứa con cưng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho đến nay.
Tham vọng của Bắc Kinh trong sáng kiến này được thể hiện rõ trong việc quan tâm mạnh mẽ đến vùng Bắc Cực giàu tài nguyên. Thực tế cho thấy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Phần Lan trước chuyến thăm chính thức đến Mỹ hồi tháng 4 và dừng lại tại Alaska trên đường trở về Trung Quốc. Trước đó, ngày 29-3, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng tham dự lễ khai mạc Diễn đàn Bắc Băng Dương Quốc tế tại Arkhangelsk (Nga) và phát biểu về các mục tiêu chính sách Bắc Cực của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc có khả năng trải dài đến vùng Bắc Cực hay không?
Ba trụ cột chính trong chính sách Bắc Cực của Trung Quốc là tôn trọng, hợp tác và bền vững. Điểm khởi đầu trong vai trò của Trung Quốc với Bắc Cực là tôn trọng lẫn nhau. “Vành đai và Con đường” có thể giúp thực hiện mục tiêu này. Hơn 60 quốc gia mà Trung Quốc kể đến, có liên quan đến “Vành đai và Con đường”, và hầu hết các nước đều là láng giềng của Bắc Kinh. Trong đó, Nga - ông lớn ở Bắc Cực - là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
“Vành đai và Con đường” hiện nắm giữ 9,9% cổ phần của Jamal LNG, dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nằm ở Bắc Cực thuộc Bắc Phi. Trong khi đó, Cty xăng dầu Quốc gia Trung Quốc nắm giữ 20%; Novatek, nhà sản xuất khí tự nhiên lớn của Nga nắm 50,1%, và tập đoàn dầu khổng lồ của Pháp Total có 20%. Nếu mọi thứ suôn sẻ, dự án LNG của Yamal có thể là một minh chứng thuyết phục cho “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc trên con đường đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng ở một phần khác của Bắc Cực.
Các nước Bắc Âu cũng bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác với Trung Quốc ở Bắc Cực. Mặc dù “Vành đai và Con đường” không bao gồm các quốc gia Bắc Âu nhưng các quốc gia ở khu vực này gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển hiện là thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu. AIIB là cánh tay tài chính của “Vành đai và Con đường”. Với việc gia nhập AIIB, hầu hết các tiểu bang Bắc Cực đều có thể cộng tác với “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, “Vành đai và Con đường” đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt trong môi trường dễ bị tổn thương như Bắc Cực. Việc bảo vệ môi trường Bắc Cực là mối quan ngại chính.
Thanh Văn