Vào "vụ" lá mùng năm

Thứ tư, 08/06/2016 09:45

(Cadn.com.vn) - Nước lá mùng năm gồm các loại cây cỏ (có cả các loại thuốc Nam) có tác dụng tiêu thực, giải nhiệt, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cứ đến dịp mùng 5-5 âm lịch (Tết Đoan ngọ), làng thuốc Nam cũng như người dân ở các làng quê Quảng Nam lại vào "vụ" lá mùng năm.

Từ cuối tháng 4 âm lịch, khi nắng hè dần gay gắt, bà Nguyễn Thị Năm ở P. Hòa Hương (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) lại lọ mọ mang bao ni-lon lùng sục khắp các bụi bờ hái lá mùng năm. Theo kinh nghiệm của bà Năm, những thứ lá trong gói lá mùng năm bà thường hái là chùm đường, vú sữa, đinh lăng, chè già, lá dâu, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân, thuốc cứu, chó đẻ, cỏ bàng, lá dằn, lá chổi, cỏ cú, gốc sát, bù xít, măng sậy, mồng gà trắng và nhiều thứ nữa. Bà Năm cho biết, việc hái lá mùng năm của bà là theo kinh nghiệm gia đình, do bà và mẹ "truyền nghề" lại. "Lá mùng năm hái về để nấu nước uống trong gia đình là chính. Hái lá nhiều thì để lại cho người quen hoặc mang ra chợ bán lấy tiền mua ít mắm muối"-bà Năm nói.

Cách chế biến lá mùng năm khá đơn giản. Khi hái hoặc mua ở chợ về, băm nhỏ ra, trộn đều rồi phơi qua hai ba nắng cho khô để cất vào bao dùng dần. Khi dùng thì nấu lá lấy nước như nấu nước chè hoặc làm theo cách pha trà. Dân gian tin rằng, lá mùng năm hái đúng dịp trưa (chính ngọ) ngày mùng năm có tác dụng chữa bệnh (?). Nhưng theo Đông y, lá mùng năm không phải là những loại cây lá thường mà hầu hết là những loại cây thuốc Nam có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Đó là lá mã đề, râu bắp, gương sen, mơ, cỏ ống có tác dụng lợi tiểu, bổ thận, giải nhiệt; lá sả, bạc hà, é, tía tô, tần, gừng để tăng sức đề kháng, chống các bệnh thời tiết, cảm ho; lá dỏ dẻ, chành nành để kích thích tiêu hóa; lá ổi để chắc bụng; lá ngủ ngày, bồ đường, tim sen, vông để an thần...

Có cầu ắt có cung. Từ đầu tháng năm âm lịch, từ khắp chợ quê đến chợ phố ở Quảng Nam đã chộn rộn vào mùa mua bán lá mùng năm. Người mang lá ra chợ bán, người mua lá về dùng. Tùy theo chủng loại lá mà mỗi bó lá mùng năm (1kg) có giá bán từ 30-50 ngàn đồng. Chị Phan Thúy Hồng, người dân ở thị trấn Nam Phước (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: "Gia đình tôi có thói quen uống nước lá mùng năm, vì thấy nước lá này cũng dễ uống, nghe nói chữa được một số bệnh, rất có lợi với sức khỏe của người già. Uống nước lá mùng năm vào mùa hè thấy mát, hương thơm dễ chịu. Mùa đông uống thấy ấm, đỡ ho do cảm lạnh. Vì thế mà nhiều gia đình đã mua trữ sẵn lá mùng năm để nấu uống quanh năm suốt tháng".

Dịp mùng 5-5 (âm lịch), nhiều gia đình ở Quảng Nam chuẩn bị lá mùng năm để uống.

Hằng năm, cứ vào mỗi dịp mùng năm, người dân từ các nơi lại đổ về làng Phường Củi - Giếng Lách (thôn Trà Đỏa, xã Bình Đào, H. Thăng Bình, Quảng Nam) tìm mua lá mùng năm gia truyền đêm về phơi uống. Sở dĩ Phường Củi - Giếng Lách nổi tiếng là "vựa" lá mùng năm là làng này là còn trồng nhiều loại cây thuốc Nam gia truyền quý hiếm. Tương truyền, do làng Phường Củi - Giếng Lách nằm trên sông Trường Giang - con đường vận chuyển ghe bầu ở Quảng Nam - nên khách thương hồ thường ghé chân. Một đoàn thuyền vận chuyển dược liệu của các thầy thuốc "người Tàu" đậu tại bến sông này, tình cờ phát hiện tại đây rất nhiều loại cây thuốc mọc đầy như cỏ mà họ đang cần tìm. Từ đó, các thầy thuốc bèn tìm mua và bày cho dân làng trồng nhân giống để bán cho họ. Sau đó, tại thương cảng Faifo (Hội An ngày nay) một đại lý chuyên thu mua cây thuốc Nam của "người Tàu" ra đời. Làng thuốc mùng năm Phường Củi - Giếng Lách ra đời từ đó. Và mỗi năm, đến dịp tết Đoan Ngọ, mỗi hộ dân ở đây cũng kiếm thu nhập 1-2 triệu đồng từ việc bán lá mùng năm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhìn vào danh mục lá mồng 5 chúng ta thấy rằng, niềm tin này được xác lập không phải do các ý niệm siêu nhiên mà có cơ sở vững chắc từ đặc tính y dược của cây cỏ. Cây cỏ - lá thuốc mọc ở đâu đó chung quanh nhà, ở ngoài vườn, trong các bụi rào giậu mà ta không chú ý. Vì vậy tục hái lá thuốc mùng năm như một nhắc nhở bằng hình thức linh thiêng để mọi người lưu ý hái một ít lá cây - vị thuốc có sẵn để dùng khi cần thiết. Nước lá mồng năm là loại nước uống truyền thống cần được lưu ý, nghiên cứu, bảo tồn.

Thạch Hà