Về đâu ký ức Hội An?

Thứ tư, 11/04/2018 10:40

Chương trình biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" chỉ vừa công chiếu được một thời gian ngắn nhưng đã liên tiếp gặp phải những luồng ý kiến trái chiều. Giới chuyên môn nhận định chương trình này mặc dù có tên "Ký ức Hội An" nhưng lại hoàn toàn xa lạ, khác xa với quá trình hình thành và phát triển văn hóa của Hội An. Còn người dân Hội An bày tỏ, sự quy mô, hoành tráng của chương trình đã tạo nên cảm giác mãn nhãn cho du khách nhưng để có được điều đó, Hội An cũng phải đánh đổi nhiều thứ . 

Từ bên này sông có thể nhìn rõ dàn âm thanh ánh sáng cực đại và những công trình đang xây dựng dang dở.

Bê-tông hóa Cồn nổi

Có mặt tại tổ 1, P. Cẩm Nam chúng tôi chứng kiến một cồn nổi nằm giữa sông nay đã được đắp bê-tông hoàn toàn. Nếu không phải là người dân Hội An thì ít ai có thể ngờ rằng nơi đây trước kia đã từng là một cồn đất xanh ngát nổi lên giữa dòng sông Hoài thơ mộng. Toàn bộ cồn nổi đều được kè bằng bê-tông, bên trong xây dựng lô nhô rất nhiều công trình. Tháng 3-2008, sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận, Công ty CP Gami Hội An đã khởi công dự án Làng du lịch sinh thái Gami Hội An (gọi tắt là Gami Hội An). Tuy nhiên, sau khi làm kè bê-tông một đoạn ngắn, chủ đầu tư này triển khai cầm chừng rồi dừng hẳn.

Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam sau nhiều lần hối thúc, cuối cùng đã ra quyết định thu hồi dự án. Dù thế, đến năm 2016, tỉnh Quảng Nam lại chấp thuận cho chủ đầu tư tái khởi động dự án. Dự án Gami Hội An có tổng vốn đầu tư 43 triệu USD. Tổng diện tích quy hoạch dự án hơn 11,3 ha; gồm 1 cồn bãi lớn, 1 cồn nhỏ trên sông Hoài và một phần trên bờ thuộc P.Cẩm Châu và P.Cẩm Nam, TP Hội An. Nằm cách khu phố cổ Hội An khoảng 400 m, dự án bao gồm tổ hợp các công trình dịch vụ du lịch và trung tâm hội nghị đa chức năng với diện tích 16.000 m2, có thể phục vụ 800-950 người, khách sạn 5 sao quy mô 200 phòng, khu phố thương mại, khu biệt thự cao cấp và các hạng mục cây xanh, cảnh quan, bến du thuyền...

 Một cây cầu đã được dựng nên để đưa du khách ra Cồn nổi. 

Sinh ra và lớn lên ở ngay cạnh cồn nổi, ông Quynh (58 tuổi) cho biết: "Cồn này trước kia có tên là Cồn hến. Từ khi có dự án ở đây thì mọi người cũng đổi tên thành cồn Gami cho dễ phân biệt. Đây là khu vực trồng bắp nhiều nhất của  Cẩm Nam. Thế nhưng 10 năm trước nhà đầu tư đến, đền bù cho chúng tôi để sửa soạn triển khai dự án. Bây giờ thì cái cồn này đã trở thành khu du lịch đông đúc. Trước đây nó là của người dân, của thương hiệu bắp nếp Cẩm Nam nhưng giờ nó xa lạ rồi".

Từ nhà ông Quynh nhìn ra cồn nổi chỉ khoảng hơn 20m mặt nước vì vậy những khối bê-tông lô nhô, những sân khấu ánh sáng dựng lên khá rõ. Từ bên này bờ sông có thể nhìn thấy rõ dàn âm thanh ánh sáng cực đại để phục vụ cho 500 diễn viên thực cảnh biểu diễn. Khung cảnh đó đối lập hoàn toàn với những xóm nhà lô nhô, thấp lè tè bên này. Từ khi được đền bù, không còn đất sản xuất, gia đình ông Quynh trở về mở quán nhậu bình dân. Mỗi buổi chiều từ phía bên này sông người ta lại nhìn sang phía bên kia bờ với bao nhiêu xa hoa, lộng lẫy rồi tiếc nhớ về một cồn nổi một thời xanh mướt. Sinh sống ven bờ sông Hoài, đối diện Cồn nổi, cũng là đối diện trực tiếp với những hệ lụy từ việc xây dựng khiến không gian sống của những hộ dân như ông Quynh bị ảnh hưởng khá nhiều. Một trong số đó là nguy cơ từ những mùa lũ luôn chực chờ. "Khu vực này nằm sát bờ sông nên chỉ cần mưa lớn vài ngày là lũ đã vào nhà. Mùa lũ cuối năm 2017 vừa qua mực nước ở đây dâng cao nhanh bất thường. Vừa rồi nước lên quá nhanh khiến 130 công nhân đang làm việc bên cồn nổi thoát không kịp phải nhờ đến lực lượng bộ đội ứng cứu. Sau đợt lũ khu vực bờ kè cũng xuất hiện nhiều điểm sụt lún. Đây là điều những năm qua chưa từng xảy ra. Dân chúng tôi lo lắng những bờ kè lấn sông sẽ khiến nước bị rẽ đôi và dâng mạnh hơn vào các khu dân cư hai bên bờ", ông Quynh lo lắng.

Ông Quynh nói về những đổi thay từ khi Cồn nổi bị bê- tông hóa.

Nghệ thuật xa lạ với người dân

Còn ông Bốn (67 tuổi) cho biết có khu du lịch ở đây, không biết đời sống người dân sẽ phát triển hơn không nhưng đã nhìn thấy nhiều mất mát lớn. "Một vé xem biểu diễn thực cảnh 300 nghìn đồng, dân lao động chúng tôi làm gì có tiền mà mua. Làm du lịch là để phát triển kinh tế địa phương, dân chúng tôi ủng hộ, chỉ có điều nó hoành tráng quá khiến mình thấy xa lạ. Chương trình này có lẽ làm ra để phục vụ khách nước ngoài, những người có tiền thôi, còn dân Hội An thì cũng chỉ quen nếp sống cũ".  Cái gọi  là "quen nếp sống cũ" mà ông Bốn nói cũng chính là điều mà nhiều cán bộ gắn bó với Hội An đau đáu. Một cán bộ thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, khi được lấy ý kiến về dự án này, ông và nhiều cán bộ tại TP đều cương quyết không đồng thuận để dự án triển khai. Thế nhưng trong dòng chảy du lịch đang được đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại TP Hội An và Quảng Nam thì người ta tiếc gì một cái cồn nổi lâu nay chỉ làm ra được trái bắp, củ khoai...

Nói về việc tranh cãi quanh nội dung của vở diễn, ông Tôn Thất Hướng-Trưởng Phòng quản lý văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, kịch bản vở diễn "Ký ức Hội An" do Sở VH-TT&DL TP Hà Nội phê duyệt nên Sở VH-TT&DL tỉnh chỉ có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện theo kịch bản có đúng không. Còn đối với việc nhiều ý kiến cho rằng "Ký ức Hội An" đã khiến Hội An "mất" nhiều hơn là được, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết việc đầu tư cho nghệ thuật quy mô hoành tráng của chủ đầu tư là đáng ghi nhận. Một sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam với hàng nghìn chỗ ngồi và vở diễn  đã làm tăng thêm sân chơi nghệ thuật, giải trí cho du khách, người dân ở Hội An. Đây cũng đã giải quyết được vấn đề cấp thiết lâu nay của du lịch Hội An đó là Hội An hiện thiếu những sản phẩm để thu hút du khách.

Dẫu có nhiều tranh cãi, nhiều lời kêu gọi tẩy chay từ những người yêu mến và gắn bó với Hội An thế nhưng có một điều rõ ràng là những ngày qua sân khấu vẫn sáng đèn, hàng ngàn lượt người vẫn nườm nượp đổ về bất chấp những nỗi băn khoăn của một vùng đất đã trở nên nhỏ bé trước cơn bão du lịch. Thế nhưng "Ký ức Hội An" cũng mới chỉ là một phần hạt nhân trong một dự án lớn hơn có tên gọi Công viên văn hóa ấn tượng Hội An. Để có được điều đó chắc chắn sẽ có thêm nhiều cồn nổi, thêm nhiều bãi bờ bị bê-tông hóa. Rồi Hội An sẽ về đâu khi đối diện với những sự thay đổi này? Đây là câu hỏi cần lắm sự lên tiếng từ  các ngành chức năng.

Hà Dung