Vẻ đẹp Huế ở nhà vườn An Hiên
(Cadn.com.vn) - Được xem là khu nhà vườn đẹp nhất ở Cố đô Huế, nhà vườn An Hiên (58- Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, Hương Long- TT- Huế) nằm quay mặt về phía dòng sông Hương thơ mộng. Không gian và kiến trúc An Hiên thể hiện sự hài hòa giữa con người và cây cỏ, tạo cho xứ Huế một vẻ đẹp riêng không đâu có được.
Lịch sử của ngôi nhà
Tôi đến nhà vườn An Hiên một ngày đẹp trời, trong cái se lạnh của mùa xuân chợt thấy lòng mình trở nên bình yên, ấm áp. Chị Nguyễn Thị Thạnh - người trông coi ngôi nhà này từ năm 16 tuổi đến nay đã 30 năm. Từ sớm đến tối, chị lo việc quét tước ngôi nhà, chăm chút vườn hoa, các loại cây trong vườn. Mỗi khi có đoàn khách du lịch ghé thăm, chị ân cần giới thiệu cặn kẽ từ tấm bình phong dùng chống tà ma theo quan niệm của người xứ Huế, chắn gió độc; rồi gian thờ cúng, gian tiếp khách, chái ngủ... tất cả đều có lớp lang, quy củ, cùng với khu vườn hội đủ cây trái ba miền.
![]() |
Nhà vườn An Hiên. |
Nhà vườn An Hiên nguyên là phủ của công chúa thứ 18 của vua Dục Ðức. Năm 1920, Phủ An Hiên thuộc sự quản lý của ông Tùng Lễ. Năm 1936, phủ được bán cho ông Nguyễn Ðình Chi, lúc bấy giờ là Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi ông Chi mất, vợ ông về sống tại An Hiên, quản lý và chăm lo sửa sang khu nhà vườn. Sinh thời, vợ chồng ông Chi đều là những người học vị cao, tài giỏi và có uy tín trong xã hội vì thế nhiều tao nhân mặc khách đã tới An Hiên thưởng ngoạn, vãn cảnh. Khuôn viên nhà vườn An Hiên hiện nay có diện tích 4.608m2, được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Việt
Chị Thạnh kể, sinh thời bà Chi (mọi người nơi đây đều quen gọi bà theo tên chồng) hằng ngày vẫn thắp hương thờ tổ tiên và tiếp khách ở ngôi nhà chính, thời giờ rảnh rỗi bà hay đọc sách trong thư phòng. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết về bà Yến: “Mùa xuân bà trồng thêm cây, mùa hạ làm cỏ, đốt lá, mùa thu hái quả, mùa đông đọc sách báo, hái măng, thầm lặng chờ xuân tới”.
Mộc mạc mà nên thơ
Nhà vườn An Hiên nằm khá gần chùa Thiên Mụ, còn được gọi là nhà vườn bà Tuần Chi. Sau khi bà Chi mất (1997), không gian kiến trúc nhà vườn vẫn giữ nguyên nét rêu phong, cổ kính. Lối vào vườn là một chiếc cổng nhỏ màu xám tro, hình vòm bằng vôi gạch. Dọc lối vào là 2 dãy cây mận trắng đan tầng vào nhau xanh mát. Rẽ trái và vượt qua chiếc bình phong cổ kính trang trí chữ Thọ, là chiếc hồ lớn in bóng trời mây và cảnh vật trong vườn. Bao quanh hồ là những bụi hoa tường vi, hoa mận trắng, tóc tiên... quanh năm nở hoa thơm ngát. Phía bên kia là giàn hoa treo rất nhiều giò phong lan đủ loại thi nhau khoe sắc. Ngôi nhà chính 3 gian 2 chái ẩn mình giữa vườn cây xanh tươi được chạm trổ hoa văn hết sức tinh tế, nội thất sắp xếp gọn gàng. Gian chính giữa ngôi nhà có bàn thờ để gia chủ thờ phụng tổ tiên và tiếp khách. Màu xanh mát dịu cùng với hương thơm nhè nhẹ tỏa ra từ cỏ cây, hoa lá của khu vườn trong không gian tĩnh mịch của nhà vườn An Hiên đã là cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ... Nhà vườn An Hiên còn hội tụ đủ cả cây trái ba miền, gồm cây lưu niên cho bóng mát và cây ăn quả, hoa thơm bốn mùa. Cây ăn quả có hàng chục loại quý hiếm, như vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, măng cụt, sầu riêng Xuân Lộc, hồng không hạt, mít, bưởi, thanh trà... Khoảnh đất còn lại ở phía sau nhà cũng xanh um các loại rau trái khác.
Dù kiến trúc cũng mang đặc trưng nhà vườn Huế như bình phong, cổng gạch, song ở nhà vườn An Hiên vẫn toát lên sự khác biệt. Cách bố trí, sắp xếp nơi đây tự nhiên, giản dị, gợi cảm giác thân thương, ấm cúng. Khách xa đến được ngắm nhìn vẻ phong phú của sắc màu và hương hoa, cây cỏ; lắng sâu trong cảm giác thi vị, êm đềm nên thơ. Nhà vườn An Hiên không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn hấp dẫn bởi chiều sâu của vẻ đẹp văn hóa tinh thần kết tinh ở mỗi nét kiến trúc. Nhà vườn An Hiên trở thành biểu tượng “Đơn sơ mà văn vẻ, mộc mạc mà ý vị” góp phần tôn thêm vẻ đẹp của xứ Huế.
Bài, ảnh: Hà Phương