Về Hòn Tàu...
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cùng đại diện Sở LĐ-TB&XH, Sở TTTT, các đơn vị truyền hình, báo chí trên địa bàn TP Đà Nẵng tổ chức về nguồn Tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn Quảng Đà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại căn cứ Hòn Tàu (xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên, Quảng Nam).
Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm 10 chiến sĩ hi sinh tại Căn cứ Hòn Tàu. |
Ngày 22 định mệnh
Chuyến hành trình của chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm ngày 25-7 tại Ban Tuyên giáo Đà Nẵng, phải mất gần 2 giờ mới có thể đặt chân đến chân núi Hòn Tàu. Tại đây, đoàn về nguồn tiếp tục đi bộ hơn 2 tiếng, men theo con đường quanh co, những con dốc gập ghềnh. Có thời điểm dường như đã lạc phương hướng, nhưng với quyết tâm của các thành viên, cuối cùng, đoàn công tác đã đến được vị trí 1 tảng đá lớn, bên trên có 1 tấm bia tưởng niệm tại lưng chừng núi Hòn Tàu.
Ông Thái Đình Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, tại địa điểm này 48 năm về trước, 10 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Ban Tuyên huấn Quảng Đà đã anh dũng hi sinh sau 1 đợt tập kích bằng máy bay B52 của địch. "Chính xác là ngày 21-5-1972, Ban Tuyên huấn Quảng Đà tổ chức một đợt tập huấn cho các đội điện ảnh của các địa phương. Hôm đó có cả chú Nguyễn Đình An-cán bộ, chú Hoàng Kim Tùng - Phó Ban Tuyên huấn Quảng Đà, phụ trách mảng báo chí tuyên truyền . Ngay trong ngày hôm đó, bộ đội ta phát hiện có 1 máy bay L19 của Ngụy liên tục trinh sát tại vị trí này. Trong buổi tối cùng ngày, vì sợ địch phát hiện, chú Tùng quyết định hủy lịch chiếu phim. Các đội điện ảnh nhanh chóng rút xuống núi, chỉ còn CBCS Ban Tuyên huấn Quảng Đà ở lại. Rạng sáng ngày 22, một loạt bom B52 của kẻ thù đã giáng trúng cơ quan Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tại đây. 10 CBCS đã nằm lại mãi mãi nơi này, trong đó có 3 đồng chí đến từ các tỉnh bạn. Trong số 10 đồng chí hi sinh đêm đó có 5 đồng chí hi sinh trong hang đá không thể lấy được hài cốt do hang đã bị các tảng đá lớn đè lấp. 5 đồng chí đã được đồng đội chôn cất trên một vạt đồi. 10 đồng chí này gồm: Hoàng Kim Tùng, Hoàng Văn Đáo, Nguyễn Bá Tiệp, Võ Công Thu, Nguyễn Vinh, Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Toán, Phạm Phô; Võ Văn Ấn, đồng chí Tân", ông Thái Đình Hoàng xúc động.
Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Khu Căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà. |
Đưa các anh về đất mẹ
Sau khi hòa bình lập lại, nhiều đoàn công tác đã lên đây tìm lại hài cốt của các anh nhưng chưa một lần tìm được dấu vết của các liệt sĩ hi sinh trong hang. Đến tháng 3 năm 2010, với sự vào cuộc Sở LĐ-TB&XH cùng với Thành Đội Đà Nẵng, hài cốt của các anh mới được tìm thấy. "Lúc đó, Đội Công binh của Thành đội phải mang 100kg thuốc nổ, tiếng hành đánh sập 1 tảng đá lớn. Có thể, do các hương linh của các liệt sĩ trợ giúp nên chỉ trong 1 lần đánh, tảng đá lớn chắn ngang miệng hầm đã trượt xuống, khơi thông ra cửa hầm. Sau đó, chúng tôi tiếp tục thuê thợ đá của xã Duy Sơn lên tiến hành làm 5 ngày, chẻ hết đá đưa ra ngoài, sau đó mới đến được chỗ các anh đang nằm. Qua hàng chục năm nằm dưới lớp đất, đá sâu, xương cốt của các anh chỉ còn lại một ít răng, xương, kỷ vật là những cuộn phim, thân 1 máy chiếu, cái máy ảnh của chú Hoàng Kim Tùng (được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng)", ông Thái Đình Hoàng nhớ lại.
Câu chuyện được kể đến đây, tất cả thành viên trong đoàn đều xúc động, tiếc thương cho sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ yêu nước. Sau câu chuyện, tấm băng rôn tưởng niệm các chiến sĩ Ban Tuyên huấn Quảng Đà cũng nhanh chóng được căng lên. Bát hương, những đĩa trái cây, ly nước, nén nhang,... được đoàn công tác mang lên cũng được cẩn thận bày ra trên tấm màn sạch. Trong không khí trang nghiêm của lễ viếng, ông Đoàn Xuân Hiếu - Phó Ban Tuyên giáo TP Đà Nẵng thành kính tri ân các AHLS đã không tiếc xương máu hi sinh vì ngọn cờ độc lập của dân tộc. Thay mặt cho các cán bộ, nhân viên Ban Tuyên giáo TP, ông Đoàn Xuân Hiếu xúc động cho biết, Khu Căn cứ Hòn Tàu, nơi 10 liệt sĩ Ban Tuyên huấn Quảng Đà hi sinh sẽ mãi là địa chỉ đỏ của ngành Tuyên giáo Đà Nẵng, nơi sẽ là niềm tự hào về truyền thống của những người đi trước với thế hệ hôm nay...
Chuyến hành trình về nguồn làm lễ tưởng niệm tại căn cứ Hòn Tàu kết thúc vào 12 giờ cùng ngày, chúng tôi tiếp tục đến thăm 1 địa chỉ đỏ khác là Khu Căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Với chúng tôi, kỷ niệm lần đầu đến thăm Căn cứ Hòn Tàu và được nghe câu chuyện xúc động về sự hi sinh anh dũng của 10 CBCS Ban Tuyên huấn Quảng Đà mang đến những cảm xúc thật đặc biệt. Mỗi thành viên trong đoàn đã thật sự hiểu rằng, để có được nền độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay, chúng ta phải thành kính, biết ơn các AHLS, các Mẹ VNAH, đồng bào yêu nước đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, khó khăn, đã không tiếc máu thịt của mình chiến đấu, giành lại nền hòa bình cho đất nước, dân tộc.
NGỌC QUỐC