Về lại vành đai diệt Mỹ Chu Lai
50 năm trước, Trung ương cục miền Nam và Khu ủy V phát động cao trào “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Từ trong vùng lửa đạn, một vành đai diệt Mỹ đã hình thành ở Núi Thành (Quảng Nam). Từ đó, quân và dân địa phương đã dũng cảm, kiên cường lập nên những chiến công vang dội, đặc biệt là Chiến thắng Núi Thành (26-5-1965). Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17-9-1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Tượng đài chiến thắng Núi Thành trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Núi Thành. |
Trong vùng lửa đạn
Chúng tôi gặp lại ông Cù Văn Mẫn (88 tuổi, trú TP Tam Kỳ), là cựu chiến binh đã từng có nhiều năm tham gia kháng chiến. Thời điểm kháng chiến ác liệt nhất ông đang tham gia cách mạng tại Núi Thành là một trong những chiến trường bị bom Mỹ dội ác liệt nhất. Tuy tuổi già làm trí nhớ không còn minh mẫn nhưng ông Mẫn vẫn nhớ như in diễn biến lúc bấy giờ.
“Ngày 8-3-1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày 7-5-1965, chúng đổ bộ vào cảng Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành). Trong một thời gian ngắn Mỹ đã đưa vào đây 5 tiểu đoàn của Sư 1, 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 đại đội pháo 105 ly, 2 đại đội xe bọc thép, 1 đại đội pháo tự hành, 5 phi đoàn máy bay trực thăng, 1 phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích. Chúng xây dựng Căn cứ Chu Lai, triển khai lực lượng chiến đấu, mở nhiều đợt càn quét, nhằm đẩy lực lượng ta ra xa tạo vành đai trắng bảo vệ căn cứ. Núi Thành khi ấy đâu đâu cũng cảnh chiến trường ác liệt”, ông Mẫn nhớ lại. “Chúng tôi ngày ấy còn rất trẻ. Nhiều nỗi lo lắng thường trực như ngôn ngữ bất đồng, ta có thể tiến hành đấu tranh chính trị và binh vận được không? Có thể giữ vững vùng ta đang làm chủ được không? Cán bộ, đảng viên và du kích đánh Mỹ bằng cách nào?”… Trong vùng lửa đạn, một vành đai diệt Mỹ Chu Lai được hình thành. Ngày 17-5-1965, một đại đội lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai lên phía tây Quốc lộ 1, chốt điểm ở Núi Thành để bảo vệ phía Tây căn cứ Chu Lai. Đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, đại đội lính Mỹ này đã bị Đại đội 2 của Tiểu đoàn 70 Quảng Nam tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” tung bay trên đỉnh Núi Thành.
Với ông Mẫn và đồng đội, Chiến thắng Núi Thành tuy là trận đánh nhỏ, số lượng quân Mỹ bị tiêu diệt không nhiều, song có ý nghĩa lịch sử, nói lên tinh thần cách mạng tiến công, sự mưu trí, linh hoạt của quân và dân ta. Từ thành công ấy quân ta từng bước đánh bại hai chiến dịch mùa khô của Mỹ- ngụy.
Các cựu chiến binh tìm về mặt trận xưa. Ảnh: H.V |
Sức sống trên quê hương anh hùng
Về lại Chu Lai hôm nay, những tàn tích của chiến tranh đã thay bằng một khu kinh tế mới rộng lớn, khang trang. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Khu kinh tế mở Chu Lai đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng ban đầu không chỉ tác động riêng Quảng Nam mà còn ảnh hưởng đến các vùng lân cận và cả nước về giao thông đường biển, bộ, hàng không… Chính khu kinh tế này đã trở thành động lực thúc đẩy, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ sôi động hơn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Nam.
Khu kinh tế mở Chu Lai đã chứng minh là động lực phát triển của Quảng Nam. Những sản phẩm của Chu Lai đã bước chân vào thị trường khu vực. Linh kiện ngành công nghiệp ô-tô, điện tử, may mặc, kính... đã được xuất khẩu đi nhiều nước, tạo tiền đề cho sản phẩm Quảng Nam tham gia thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Mới đây, sau gần 1 năm thi công, dự án mở rộng cảng Chu Lai do THACO đầu tư đã hoàn thành.
Ông Trần Hữu Hoàng - Giám đốc Thaco Logistics kiêm Giám đốc Cảng Chu Lai cho biết: “Với việc mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng của cảng, đặc biệt là với ưu điểm của dịch vụ giao nhận - vận chuyển trọn gói thời gian tới lượng hàng hóa của các doanh nghiệp bên ngoài qua cảng sẽ tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics, hướng đến mục tiêu xây dựng cảng Chu Lai thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Trong chuyến thăm Quảng Nam vừa qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ niềm vui trước sự đổi thay của quê hương: “Là một người con đất Quảng tôi luôn tự hào mình lớn lên cùng với tinh thần trung dũng kiên cường của quê hương. 50 năm đã qua, Quảng Nam đã khẳng định mình không chỉ đi đầu diệt Mỹ mà còn đi đầu trong phong trào xây dựng, kiến thiết đất nước. Tôi tin tưởng rằng những thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống làm được nhiều điều hơn thế”.
Nửa thế kỷ trôi qua, đất và người Chu Lai đã làm được nhiều hơn những gì được vinh danh. Không chỉ anh hùng trong kháng chiến mà nơi đây đã tự hóa mình thành điểm đến đầu tư của Quảng Nam, là nơi chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Vành đai diệt Mỹ ngày xưa đã trở thành dấu ấn để mỗi khi nhắc đến Quảng Nam người ta lại nhớ đến quê hương của những con người bất khuất, kiên cường.
Đồng Dao