Về “làng bói” xem số

Thứ tư, 20/02/2013 00:00

* Bài 1: Đổ xô xem bói đầu năm

(Cadn.com.vn) - Chỉ một ngôi làng nhỏ ở thôn Lưu Khánh của xã Phú Dương (H. Phú Vang, TT- Huế) có đến hàng chục người làm nghề bói toán. Những ngày đầu năm mới, hàng ngàn người dân ở khắp nơi trên địa bàn TT-Huế và các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam… ồ ạt kéo về ngôi làng này để xem vận hạn trong năm.

Ngủ qua đêm chờ “cô”… phán

Điểm coi bói đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà “cô” Dâu. Dù mới tờ mờ sáng nhưng trong nhà “cô” lúc này đã đông nghẹt người ngồi chờ. Một giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Phú Dương, thấy chúng tôi vừa đi vào, nhanh nhảu bảo: “Cứ đi mô vài tiếng rồi quay lại chứ đông thế này thì 11 giờ chưa chắc đến lượt em. Chị chờ từ 4 giờ sáng đến chừ mà vẫn chưa đến lượt”. Vừa dứt lời, cô giáo vội vàng dắt xe đến trường để kịp dạy học rồi mới trở lại nhà “cô” Dâu xem sau. Một người nhà của “cô” Dâu cho biết, do đầu năm, lượng người đi xem đông nên có một số người ở xa đến đây, phải ngủ lại để sáng hôm sau được coi sớm. Rồi người nhà “cô” Dâu chỉ cho tôi cặp vợ chồng ở Quảng Trị vào từ hôm qua. Đó là vợ chồng chị N.T.X. (trú H. Hải Lăng, Quảng Trị) trông vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi đang tựa lưng vào tường ngồi chờ đến lượt. Chị X. cho biết, trong năm vừa rồi, gia đình gặp nhiều chuyện buồn phiền, con cái ốm đau, mất của... khi nghe người quen giới thiệu “cô” Dâu xem quẻ hay lắm nên ngay sau khi cúng đầu năm, chị đưa cặp giò gà vào để nhờ “cô”...

“Cô” Dâu có tiếng bói quẻ, thế nhưng những ngày đầu năm, do nhu cầu của khách hàng nên phần lớn “cô” bói giò gà, bói cau trầu. Chị Nguyễn Tường A.- một công nhân chờ bói quẻ cho biết: “Ngày nay tui làm ca chiều nên 5 giờ sáng đã tranh thủ đến đây nhờ “cô” xem. Hồi sáng đến giờ, riêng bói giò, bói cau trầu, tui thấy hơn 5 khay (khoảng 50 người) đến bói”.

Từ đầu đường dẫn vào nhà “cô” Dâu, xe của người xem bói để ngổn ngang. 

Tiến vào sát bên trong chiếu bói, “cô” Dâu đang bắt chéo chân nhả khói thuốc liên tục, thỉnh thoảng lại rít lên vài câu khiến cho những người đi xem mặt mày tái mét. Khoảng 30 - 40 người ngồi nín thở trên chiếu bói được bao bọc xung quanh hàng loạt am thờ, khói hương nghi ngút nghe “cô” phán. Cạnh lư hương có một chiếc đĩa đặt sẵn để người xem đặt tiền lễ, trên đó có rất nhiều tờ tiền loại 50 ngàn đồng, 100 ngàn đồng. Cầm cặp giò gà của người đàn ông tên Nam, tuổi 49, “cô” phán: “Năm hạn thì phải lo dâng sao giải hạn. Năm nay nếu không thiệt mạng thì cũng mất của”. Rồi “cô” tiếp: “Đối với đứa nhỏ 6 tuổi thì Nam bảo không bệnh nhưng “cô” thấy đang mắc bệnh đó, nhưng bệnh này thì chịu rồi vì do bẩm sinh. “Cô” là cửa Thánh nhưng cô khuyên nên gửi ở cửa Phật để được cải số...”. Nghe “cô” phán xong, người đàn ông vã mồ hôi, hỏi “cô” muốn thoát khỏi vận đen thì phải làm gì? “Cô” bảo về làm 3 mâm cỗ, cầm 3 cây hương vái bốn phương trời, 10 phương Phật thì đâu lại vào đó, đơn giản thôi.

“Cô” Dâu vừa bói giò gà vừa kêu lên: “Thánh ở đâu về giúp con với!”.

Cầm cặp chân giò gà tiếp theo của một cụ bà tuổi thất thập, “cô” lật qua lật về rồi nói: “Nhìn giò trắng bệch, cô đoán là bà đang sắp gặp bệnh mà khó qua khỏi. Cô biết bà hay mắc bệnh đau lưng, mờ mắt. Tối thường mất ngủ vì lo lắng điều gì nói cho “cô” biết!”. Phán một lúc, “cô” Dâu ho khạc khạc, rồi kêu lên: “Ta nói nhiều quá, ho rồi”. Cô đảo mắt nhìn quanh, rồi kêu lên: “Thánh ở đâu về giúp con với, con mệt quá rồi!”. Nói xong, “cô” Dâu đứng dậy ra trước sân đi dạo mặc cho hàng chục người ngồi ủ rũ nhìn theo bộ dạng của “cô”. Dạo vài vòng, “cô” giang tay giang chân tỏ ra là người có sức khỏe, như vừa được “ơn trên” tiếp sức!

  “Thầy” Vầy được cho là đã cứu bà cụ 72 tuổi chết đi sống lại.

San sát nhà “thầy”

Rời nhà “cô” Dâu, chúng tôi được giới thiệu vào nhà “thầy” Hợp. Con đường ngoằn ngoèo, đất đá lởm chởm gần cầu Lưu Khánh dẫn vào nhà “thầy” hai bên xe dựng san sát, quanh nhà có đến cả chục am thờ. Chúng tôi bước vào trong thì thấy “thầy” đang nói liên hồi, quanh bộ bàn ghế salon có hàng chục người đứng ngồi nghe chăm chú. “Thầy” nói rất bài bản về gia đạo của một doanh nhân người Huế vào TPHCM lập nghiệp, đến khi người này rút ví lấy 2 tờ 200 ngàn đồng và rối rít cảm ơn “thầy” thì chúng tôi mới biết mình vào nhầm nhà, rằng đây không phải nhà “thầy” Hợp mà là nhà của “thầy” Vầy. Hỏi ra, mới biết, nhà “thầy” Hợp chỉ cách nhà “thầy” Vầy một hàng rào. Đứng ở sân nhà “thầy” Vầy nhìn qua nhà “thầy” Hợp thì người đến xem bói cũng ken kín.

 Nhiều người ngồi ủ rũ chờ được xem vận hạn.

Lỡ rồi, chúng tôi quyết nán lại để xem sự tình thế nào. Lúc này, một cô gái trạc 30 tuổi chưa xem nhưng vội vàng dắt xe ra về, hỏi chuyện mới biết. “Em chờ từ trưa đến chừ, hơn 4 giờ đồng hồ, chưa cơm nước chi. Em chạy ra ngoài kiếm cái lót dạ rồi quay vào”. Theo lời cô gái này, phải thêm 20 người nữa mới đến lượt cô. Ở nhà “thầy” Vầy, từ dãy nhà dưới đến dãy nhà trên đông nghẹt người ngồi chen chúc chờ đợi. Nhiều người không có chỗ, đứng tràn ra ngoài đường. Một phụ nữ ngoài 50 tuổi, đang làm việc tại TP Huế, giới thiệu là “đệ tử” ruột của “thầy” Vầy. Người này cho biết, mỗi lần gia đình có chuyện gì bất ổn lại tìm đến nhờ “thầy” giúp. “Thầy Vầy coi quẻ hay lắm. Có lần nhờ thầy mà mẹ tôi chết đi sống lại” - người phụ nữ kể. Thấy tôi có vẻ quan tâm câu chuyện “hoang đường” chết rồi sống lại, người phụ nữ này kể tiếp: “Hôm đó, mẹ tôi (72 tuổi) đang bình thường thì bỗng dưng lâm bệnh nhưng không biết bà bị bệnh gì. Rồi mấy giờ đồng hồ sau, người bà như lịm đi. Con cái trong gia đình nghĩ bà tuổi già nên khó qua khỏi đã đi mua hòm, thỉnh Phật bà và chuẩn bị che rạp để lo đám. Lúc đó, tui gọi điện cho “thầy” Vầy để nhờ thì “thầy” nói: “Mẹ chị chưa chết đâu. Tối chị về lấy 3 cây hương, 3 miếng cau trầu ra đứng ở ngã ba gần nhà mẹ rồi vái, thì sau đó sẽ có người âm đến cứu”. Nghe vậy, tôi vội làm theo lời “thầy” dặn thì khoảng 15 giờ hôm sau, mẹ tôi tỉnh lại. Hiện bà vẫn sống khỏe mạnh!?

Phải vượt qua mấy lớp người, tôi mới chen vào để được tận mắt nhìn thấy “thầy” Vầy. Cầm cặp giò gà của một phụ nữ trạc 45 tuổi, “thầy” phán: “Năm nay, riêng chị cần giữ 2 tháng là tháng 4 và tháng 9. Nếu 2 tháng này tai qua nạn khỏi thì sẽ bình an”. Rồi, “thầy” tiếp tục nhìn cặp giò gà phán gia đạo, con cháu trong dòng tộc... Những lời phán của “thầy” có cả niềm vui và nỗi buồn. Sau khi được “thầy” phán xong, người phụ nữ đặt lên bàn 2 tờ 50 ngàn đồng. Đến lượt một nam thanh niên trạc 35 tuổi, “thầy” cầm cặp giò lật qua lật về, rồi nói: “Tháng 9 và tháng 11, nam không nên đi xa dễ bị tai nạn”. Người vợ ngồi bên cạnh run bần bật vì người chồng này đi làm kỹ sư xây dựng ở TPHCM. Trong khi đó gia đình lại ở Huế mà tháng nào người chồng cũng phải đi đi về về... Ngồi nghe một lúc, tôi thấy trường hợp nào thầy cũng nói na ná nhau.

Hải Lan
(còn nữa)