Về nguồn
(Cadn.com.vn) - LỜI TÒA SOẠN: Các ông Mười Thắng, Bảy Đắc và Ba Vũ quê ở miền Trung, hiện sinh sống ở TPHCM, trước 1975 là thành viên Cụm Điệp báo A10, thuộc lực lượng an ninh Trung ương Cục miền Nam. Cùng với các thành viên khác của A10, họ là những nhân vật lịch sử, có những cống hiến âm thầm mà quan trọng trong thời điểm quyết định của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau cuộc về nguồn thực hiện vào tháng 3-2015, họ đã chắp bút viết nên đôi điều cảm tưởng, mỗi lời mỗi chữ như chất chứa bao nỗi niềm, tâm sự...
Hoa cỏ mùa xuân vẫn còn khoe sắc, cái rét dịu dàng của mùa xuân vẫn còn vương vấn, chúng tôi, những người lính của chiến trường T4 năm xưa, hiện sinh sống ở TPHCM, mỗi người một ba lô, lại lên đường. Cũng một ba lô, nhưng không còn nặng trĩu vai bởi súng và cơ số đạn 300 viên, cộng 5kg gạo dồn trong ruột tượng nữa. Và thay cho những con đường mòn len lỏi giữa những cánh rừng, những đêm vừa đốt lửa sưởi ấm vừa cử người canh gác máy bay trinh sát của địch, hôm nay chúng tôi đi giữa thênh thang đường Quốc lộ chạy một mạch liên hoàn theo chiều dài đất nước...
Xe đi qua miền Nam Trung Bộ, bắt đầu cái nắng gay gắt đầu hè, những vùng đất khô cằn, những đàn dê, cừu gầy còm lang thang qua các cánh đồng cỏ cháy, nhưng trên vùng đất khô cằn ấy sừng sững mọc lên những cột điện gió quay chầm chậm mang niềm hi vọng về nguồn năng lượng sạch và xanh hòa vào lưới điện tỏa ra trên mọi miền đất nước.
Đến Quảng Nam - miền đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, chúng tôi vào dâng hương lên tượng đài Mẹ Thứ. Từ trên cao 18m, Mẹ dang rộng đôi tay ôm lấy đàn con. Ngắm nhìn 8 cây hương bằng đá khắc họa các Mẹ mọi miền Nam - Trung - Bắc - Tây Nguyên sao thấy lòng quặn đau thương. Mẹ được sinh ra từ mảnh đất anh hùng rồi lại sinh ra những người con anh hùng chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mẹ vĩ đại đến vô cùng đã đón nhận nỗi đau mất mát lớn lao không thể nào tưởng được.
Từ trái qua: Các ông Bảy Đắc (An ninh T4), Ba Vũ, Mười Thắng (Cụm Điệp báo A10) |
Xe qua cầu Hiền Lương, đây con sông đã chia đôi đất nước, đây cây cầu bắc ngang vĩ tuyến 17, đây cột cờ giới tuyến, đây vùng đất bao người con tập kết trông ngóng về phương Nam mong chờ ngày hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Giấc mơ hồi hương sau 2 năm chia cắt không thành mà phải hơn 20 năm đấu tranh khốc liệt, xương máu tơi bời, gian khổ tột cùng mới có ngày thống nhất non sông. Sáng ngày thứ 3 của cuộc hành trình, chúng tôi thành kính trang nghiêm hòa cùng dòng người viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy quân sự kỳ tài đã đánh bại đội quân viễn chinh của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, bắt sống hàng tướng De Castrie tại hầm chỉ huy, người tổng chỉ huy thao lược của đại thắng mùa Xuân năm 75 quét sạch quân thù, buộc viên đại sứ và đoàn tùy tùng phải tháo chạy tán loạn trên nóc nhà tòa Đại sứ Mỹ.
Chúng tôi cùng đoàn người chầm chậm đi lên đồi, nơi Đại tướng an nghỉ, thắp nén hương thơm, rưng rưng nước mắt cầu mong Đại Tướng nay đã về cõi vĩnh hằng vẫn dõi mắt ra biển Đông rộng lớn phù trợ cho Tổ quốc vững mạnh, dân tộc trường tồn. Nơi Người nằm an nghỉ nhìn ra đảo Yến và biển Đông sóng vỗ ngày đêm, vừa hùng vĩ vừa nên thơ, vừa uy nghi vừa tao nhã, cúi lạy Người chúng con tự hào và vinh dự được là người lính đã sống và chiến đấu trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp mà Người là vị Tổng Tư lệnh kính yêu.
Xuôi về Nam, chúng tôi ngược đường 9 lên nghĩa trang Trường Sơn, nơi bao người con ưu tú của dân tộc đã nằm lại đây, khắp mọi miền đất nước, từ Cao Bằng Bắc Kạn đến tận Bạc Liêu, Cà Mau, nơi đâu cũng có tên những người con đã chiến đấu vì Tổ quốc. Các anh cùng lứa tuổi với chúng tôi nhưng mãi mãi đã sống tuổi 20, hóa thân vào đất mẹ cho non sông liền một dải. Chúng tôi trở lại dâng hương trên tượng đài kỷ niệm 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị anh hùng, nơi hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến giành giật Thành cổ, nơi hứng chịu khối lượng bom đạn có sức hủy diệt gấp hơn 10 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima trên đất Nhật; chúng tôi ôm hoa lội xuống thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn nơi mỗi ngày đêm từ tháng 5 năm 72 có hàng đại đội vượt sông để chi viện cho cuộc chiến giữ Thành cổ! Từng cành hoa chầm chậm trôi xuôi trên dòng sông Thạch Hãn mang theo tâm tình thương nhớ của chúng tôi hướng về các anh đã nằm lại trong lòng sông trong mát.
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành
sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm!
(Lê Bá Dương)
Thoảng trong gió mùa xuân, lời cầu nguyện đầy nước mắt của chúng tôi mong hương hồn các anh hóa thân thành con sóng vỗ về quê hương yêu dấu ngàn năm! Hương sắc mùa xuân vẫn còn vương đọng đâu đây, chúng tôi tạm biệt ra về mà lòng bồi hồi thương nhớ...
Vũ - Đắc – Thắng