Hướng đến Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023):

Về quê hương cát trắng, phi lao

Thứ ba, 24/10/2023 08:11
Trong 2 ngày 26, 27-10 tới, tại Quảng Trị sẽ diễn ra nhiều hoạt động Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29-10-1923- 29-10-2023) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị, quân sự xuất sắc. Trong không khí tự hào này, chúng tôi về làng Gia Đẳng 1, Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị, quê hương cát trắng, phi lao của Đại tướng với biết bao niềm xúc động.
Bà Đặng Thị Lài lăn dài nước mắt nhắc nhớ những mất mát, đau thương.
Bà Đặng Thị Lài luôn hương khói, chăm sóc nhà lưu niệm của gia đình Đại tướng Đoàn Khuê.

Anh cả của 6 người em là liệt sĩ

Đại tướng Đoàn Khuê (bí danh Võ Tiến Trình, 1923-1999) là anh cả trong gia đình, sau còn 7 người em trai và một người em gái. Cha là chiến sĩ cách mạng kiên trung của vùng cát Triệu Phong. Nhắc về truyền thống của gia đình Đại tướng, người dân ở Triệu Lăng đều rất rõ.

Bà Nguyễn Thị Dương (mẹ Đại tướng) quê xã Hải An về làm dâu ở Gia Đẳng 1, cùng chồng là ông Đoàn Cầu chung một ý chí cách mạng, dùng ngôi nhà của mình thành nơi hội họp bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ. Bà cũng nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, những lúc giặc càn, có biến cố, bà cất giấu tài liệu, che chở cho anh em. Bà Dương sinh 8 người con, Đại tướng Đoàn Khuê là con cả. Ông Cầu sau đó lấy thêm bà Nguyễn Thị Lạnh (em gái bà Dương), sinh thêm một đứa con trai. Hai người mẹ ấy vừa là cơ sở cách mạng, vừa nuôi dạy các con trong thương yêu vô bờ bến, theo chí hướng của cha, trở thành những chiến sĩ cách mạng, cống hiến thanh xuân và cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng, độc lập dân tộc. Và trong chiến tranh ác liệt, 6 người con của hai mẹ đã lần lượt hy sinh…

Trong chuyến về với Triệu Lăng lần này, chúng tôi gặp được bà Đặng Thị Lài (1939)- em dâu Đại tướng, là vợ liệt sĩ Đoàn Giao (con thứ 6 trong gia đình). Hai hàng nước mắt lăn dài, bà Lài nghẹn ngào trước gợi nhắc những đau thương mất mát. Chồng bà hy sinh khi bà đang bị địch bắt, tù đày, đứa con duy nhất của hai người còn nhỏ dại. Đó là vào năm 1965, ông Giao là cán bộ nằm vùng, trong trận chiến thoát vòng vây của địch đã chiến đấu với địch đến hơi thở cuối cùng. Trước đó, vào năm 1964, đồng chí Đoàn Đình (em kế liệt sĩ Đoàn Giao), theo đường biển chở thương binh ra bờ Bắc rồi chở súng đạn quay về. Địch cho ca nô bám theo, đuổi vây tại Cửa Việt, bắn chìm thuyền. Đồng chí Đoàn Đình hy sinh. Năm 1967, người em út là Đoàn Ngọc Anh khi đi công tác tuyên truyền tại xã Triệu Hòa (H.Triệu Phong) thì bị địch phục kích, hy sinh ở bến sông Vân Tường. Lúc đó anh 23 tuổi, chưa xây dựng gia đình. Người con thứ 8 trong gia đình là đồng chí Đoàn Văn Hà, chiến sĩ Đặc công K10 Quảng Trị, anh đã ngã xuống trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Trong trận đánh Cổ Lũy (1967), anh xung phong mở hàng rào thứ nhất và trúng hỏa lực địch. Anh hy sinh ở tuổi 25, chưa lập gia đình, là con duy nhất của mẹ Nguyễn Thị Lạnh. Đến năm 1968, gia đình nhận thêm nỗi đau khi đồng chí Đoàn Cư hy sinh. Đồng chí Đoàn Cư là cán bộ có nhiều thành tích xây dựng lực lượng chiến đấu vũ trang và đấu tranh chính trị trong H. Triệu Phong. Cũng trong năm 1968, người em gái duy nhất của Đại tướng Đoàn Khuê là chị Đoàn Thị Tùng, Huyện ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện đã hy sinh khi bị lọt vào ổ phục kích của địch.

Chỉ trong 4 năm, 6 đứa con hy sinh, chồng thì đã qua đời từ năm 1953 khi đang hoạt động tại chiến khu Ba Lòng, người con trai cả là Đoàn Khuê đang chiến đấu ở Khu 5 ác liệt, hai mẹ Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Thị Lạnh đã cùng nhau vượt qua nỗi đớn đau xé lòng ấy. Đi qua năm tháng cùng hai người mẹ có người con dâu hiếu thảo là bà Lài. Mãi lâu sau này, được sự động viên, bà Lài mới đi thêm bước nữa, về làm dâu trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, mẹ chồng cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng chục năm qua, bà Lài thờ chồng liệt sĩ, làm tròn đạo hiếu dâu con với cả hai đại gia đình. Bà cũng chăm sóc nhà lưu niệm gia đình đại tướng Đoàn Khuê tại làng Gia Đẳng 1, hương khói luôn ấm cúng.

Bà Đặng Thị Lài lăn dài nước mắt nhắc nhớ những mất mát, đau thương.

Tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân

Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình kiên trung, có truyền thống yêu nước, cách mạng, có hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6 người em là liệt sĩ, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Đoàn Khuê đã luôn nêu tấm gương sáng về một nhà lãnh đạo, nhà chiến lược sắc sảo suốt đời cống hiến, hy sinh và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội.

16 tuổi, đồng chí Đoàn Khuê đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế, 17 tuổi đã bị thực dân Pháp cầm tù và là lãnh đạo, chỉ huy lực lượng khởi nghĩa cướp chính quyền thành công ở Đồng Hới, Quảng Bình năm 1945. Đồng chí hăng hái tham gia phong trào Nam Tiến và trở thành người cán bộ chính trị, quân sự xuất sắc của chiến trường Khu 5, cùng quân và dân kiên trì, anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công với những dấu ấn cá nhân nổi bật. Với Nam Trung bộ, với Quân khu 5, đồng chí Đoàn Khuê gắn bó từ những ngày bị địch tù đày ở Buôn Mê Thuột, đến những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Pháp, vào những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong những năm đầu xây dựng lại quê hương sau chiến tranh và chiến đấu ở Mặt trận Tây Nam. Do có tài thao lược và giàu kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu, hoạt động trên địa bàn Khu 5, từ đầu năm 1963 đến tháng 5 năm 1975, đồng chí được phân công giữ chức Phó Chính ủy - Phó Bí thư Quân khu ủy Khu 5, đây là khoảng thời gian đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Tại đây, bản lĩnh, phẩm chất, tài năng của nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đại tướng Đoàn Khuê càng được khẳng định. Bằng tài năng quân sự, nhãn quan chính trị sắc sảo và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch trên địa bàn Quân khu 5, giành được thắng lợi quan trọng, đỉnh cao là Chiến dịch Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn Campuchia, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn Campuchia, Đại tướng Đoàn Khuê cùng tập thể đảng ủy, chỉ huy tiếp tục chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị tăng cường phòng thủ, xây dựng, củng cố thế trận bảo vệ Tổ quốc với nhiều chủ trương táo bạo như: chuyển nhận thức “Truy quét FULRO” thành “giải quyết vấn đề FULRO”… Từ tháng 12-1986 đến tháng 1- 1998, Đại tướng được Đảng, Nhà nước cử giữ các trọng trách quan trọng: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Cuộc đời Đại tướng Đoàn Khuê là tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, là niềm tự hào, sâu sắc trong lòng bộ đội và nhân dân, trong đó có quê hương Quảng Trị anh hùng.

BẢO HÀ