Về Tân Trào...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Tân Trào, H. Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được ví là thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn Việt Bắc. Tại đây, Bác Hồ và T.Ư Đảng đã họp Quốc dân đại hội Tân Trào vào ngày 16 và 17-8-1945, trước khi phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hiện Khu di tích Tân Trào đã thành điểm đến trên hành trình "về nguồn" của người dân ở mọi miền Tổ quốc.
Bác Hồ và Bác Tôn tại Tân Trào năm 1948. |
1- Đó là chuyến đi nhớ đời. Thật may mắn khi biết chúng tôi là những người làm báo đến thực hiện phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng, BQL khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã cử ngay một cán bộ nhiệt tình hướng dẫn tham quan các điểm cần đến và giới thiệu sơ bộ về 183 di tích gắn liền hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan T.Ư thời tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Điểm tham quan đầu tiên của hành trình là lán Nà Lừa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8- 1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Cùng với chúng tôi là từng dòng người từ mọi miền Tổ quốc đổ về "Thủ đô kháng chiến Tân Trào" nhằm hiểu hơn tiếp sau những ngày "cháo bẹ rau măng" ở Pắc Bó, Cao Bằng, Bác Hồ đã phải sống trong điều kiện gian khổ như thế nào để lãnh đạo toàn dân làm nên cách mạng mùa thu Tháng Tám. Ai cũng cảm động khi biết thời gian ở đây bữa cơm của Bác chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh.
Nà Lừa là căn lán nhỏ, quá nhỏ theo suy nghĩ trước đó của chúng tôi. Lán dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới tán cây rậm, hai gian, gian bên trong Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài Bác làm việc, tiếp khách, từ đất lên lán chỉ ba bậc thang nhỏ. Theo yêu cầu của Bác, lán đảm bảo các yêu cầu: gần nước, gần dân, xa đường, thuận đường tiến, thuận đường thoái. Lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đang làm việc ở nhà ông Hoàng Trung Dân ở thôn Tân Lập cách lán Nà Lừa chỉ vài trăm mét, hàng ngày vẫn thường lên lán báo cáo tình hình với Bác. Chuyện kể, khoảng cuối tháng 7-1945, do hoàn cảnh sống và làm việc kham khổ cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khỏe Bác giảm sút nhiều. Có lần Bác sốt liên miên, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại một đêm với Bác. Tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp:"Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm giành cho được độc lập"...
Chị Nguyễn Thị Nhung Trang, cán bộ BQL di tích Tân Trào cho biết, một trong những chuyện cảm động và cũng giúp nhiều người hiểu hơn về Bác, đó là vào khoảng cuối tháng 7-1954, Bác tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô Roman Cácmen. Câu chuyện được trao đổi bằng tiếng Nga. Thấy nhà báo tỏ vẻ ngạc nhiên trước cuộc sống giản dị, khiêm tốn của Người, Người giải thích:"Tôi đã quen cuộc sống như thế này, những năm tháng đấu tranh cách mạng đã tập cho tôi quen như thế, chỉ năm phút sau tôi đã sẵn sàng lên đường". Trả lời câu hỏi của Roman Cácmen:"Chủ tịch học tiếng Nga có khó lắm không". Người nói:"Người chiến sĩ cách mạng cần phải biết tiếng nói của Lê Nin". Khi nhà báo hỏi:"Chủ tịch làm việc bao nhiều tiếng trong một ngày". Người nói: "Chim rừng đánh thức tôi, còn khi tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao".
Bác Hồ dùng cơm tại lán Nà Lừa (tác giả chụp lại ở Bảo tàng Tân Trào). |
2- Đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào cách lán Nà Lừa chỉ vài trăm mét. Cũng như bao ngôi đình ở miền núi, đình Tân Trào là kết quả lao động, sản phẩm nghệ thuật, sáng tạo của nhân dân ở đây. Song đình Tân Trào có giá trị đặc biệt bởi Bác Hồ và T.Ư Đảng chọn làm nơi họp Quốc dân Đại hội vào ngày 16 và 17-8-1945. Hội nghị đã phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật- Pháp, lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên. Dự đại hội tại đình Tân Trào có 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc-Trung- Nam. Tại đại hội Bác được bầu vào Đoàn chủ tịch với tên gọi kính yêu Hồ Chí Minh. Một mẩu chuyện được kể ở đây mà nhiều người chưa từng biết, đó là trong số các đại biểu dự đại hội Tân Trào có nhà văn Nguyễn Đình Thi đại diện cho tầng lớp trí thức lúc đó mới 21 tuổi. Sau đại hội Bác đề nghị nhà văn thể hiện một sáng tác. Nhà văn Nguyễn Đình Thi phấn chấn hát ngay cho Bác nghe ca khúc do ông sáng tác kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa. Hát xong Bác khen rất hay, rất khí thế nhưng cho Bác được chỉnh sửa phần lời bây giờ phải là "gươm đây gươm đây, ôm lên xốc tới", chú Thi bảo "gươm đâu gươm đâu" là chậm mất rồi. Cả hội trường lắng nghe, khâm phục sự phát hiện tài tình và lời dạy ân cần của Bác.
3- Dưới bóng đa Tân Trào, sáng ngày 16-8-1945, mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa được phát đi. Lễ xuất quân cũng được tiến hành ngay sau đó. Có mặt trong lễ xuất quân là đơn vị chủ lực của Quân giải phóng, hạt nhân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Bác Hồ chỉ thị thành lập vào ngày 22-12-1944. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân dưới sự chứng kiến của các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội. Từ giờ phút đó, cây đa Tân Trào cũng như đình Tân Trào, lán Nà Lừa trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ hào hùng của cách mạng Tháng Tám và của mỗi một người dân nước Việt mỗi khi nhớ về Bác Hồ -Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mỗi khi nhớ về thủ đô gió ngàn kháng chiến Việt Bắc những năm tháng không thể nào quên.
Điều cũng đáng nhớ trước khi chia tay quê hương cách mạng Tân Trào chúng tôi đã được thưởng thức bữa cơm đạm bạc được dọn ngay trên gác hai ngôi nhà cụ Hoàng Trung Dân từng là trụ sở Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp viết bản Quân lệnh số 1. Ẩm thực là những món ăn, thức uống truyền thống mang bản sắc riêng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Đó là cơm lam, cơm trắng, cá bống kho, măng tre xáo xào, rau rừng luộc, thịt gà đồi và những ly rượu men lá... mới chuốc đôi phút đã nghe cảm thức say say hòa trong giọng nói đầm ấm, cảm mến của nữ hướng dẫn viên du lịch trong vai "người nhà" đón khách đường xa. Tân Trào ơi, hẹn ngày trở lại...
VÕ VĂN TRƯỜNG