"Về từ hành tinh ký ức": Khuôn mặt khác của chiến tranh

Thứ sáu, 14/12/2018 09:25

1. Có rất nhiều câu chuyện được kể trong Về từ hành tinh ký ức (*), cuốn sách mới ra mắt gần đây của nhà văn Võ Diệu Thanh. Những câu chuyện được chính những người trong cuộc hoặc trực tiếp chứng kiến kể về ký ức của họ, về chính một phần đời đã từng trải qua của họ. Người đọc có thể sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau khi được nghe kể về những cuộc đời này. Người đọc có thể bàng hoàng, có thể xót xa, có thể đau đớn, có thể phẫn nộ... dù những câu chuyện trong sách, xét theo một khía cạnh khác, có thể không liên quan gì đến họ. Đó là chuyện về một người mẹ quyết định thuê người hủy hoại một phần thân xác đứa con trai độc nhất của mình chỉ vì muốn nó khỏi đi quân dịch, khỏi phải bỏ mình- như ba của nó- trong một cuộc chiến tranh mà gia đình bà không liên quan gì đến cuộc chiến tranh ấy. Đó là chuyện của bà nội dặn cháu gái đừng có chồng, đừng sinh con, đừng thương ai hết nếu không muốn có ngày mình mang bầu ngồi bên dòng sông nhìn xác chồng trôi cùng với những giề lục bình. Bởi dẫu mình có từ chối đấu đá thì cuộc chiến vẫn tràn vào. Nên đừng tạo thêm yêu thương nào nữa hết...

Những câu chuyện được kể trong Về từ hành tinh ký ức không chỉ là những câu chuyện của thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến tranh mà bất kỳ người Việt Nam nào, dù muốn hay không muốn, vẫn không thể đứng ngoài, bởi đó là cuộc chiến tranh giữ nước, cuộc chiến chống xâm lược, cuộc chiến của chính nghĩa chống hung tàn, để bảo vệ từng tấc đất cho quê hương yêu dấu.

 

2. Tháng 2-1978, quân đội Polpot tràn qua biên giới Tây-Nam, bắt đầu một cuộc chiến khác, tuy không dài về mặt thời gian nhưng đã để lại những di chứng thảm khốc. Trong các cuộc tấn công vào đất Việt Nam, Khmer Đỏ đã thực hiện nhiều cuộc thảm sát đối với người Việt Nam, đáng kể nhất là cuộc thảm sát Ba Chúc (thuộc H. Tri Tôn, tỉnh An Giang) vào tháng 4-1978 với số thường dân bị sát hại lên đến 3.157 người chỉ trong 11 ngày chiếm đóng. Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin này, số liệu này trên internet nhưng đó cũng chỉ là những con số, những sự kiện, dù có rõ ràng, minh bạch đến mấy, cũng không thể kể chuyện. 3.157 người đã chết cũng không thể kể chuyện. Có thể nói, với Về từ hành tinh ký ức, nhà văn Võ Diệu Thanh đã vắt kiệt sức mình khi chị đi thăm, gặp gỡ và lắng nghe người dân Ba Chúc may mắn sống sót trở về từ cuộc thảm sát- những nhân chứng sống-  kể chuyện. Lắng nghe, đồng cảm, gánh chịu, thấu hiểu, và kể lại với đầy đủ những đớn đau, bi phẫn, mất mát và sự thống khổ được đẩy đến tận cùng. Đó là chuyện của chị Sương, lúc đó chỉ mới là một bé gái 11 tuổi, bằng một cách thần kỳ nào đó, đã may mắn sống sót qua 11  ngày với vết đạn bắn từ ngực xuyên thẳng ra lưng chỗ đầu phổi và vết đập khác trên đầu trong một ngôi làng đầy xác chết. Đó là chuyện của chị Tư Nga lần lượt chứng kiến chồng và 4 đứa con lần lượt bị bắn chết, chị cũng bị một vết đạn xớt qua cổ. Chị nằm giả chết với đứa con giãy chết trên bụng, hình dung được dáng dấp của con mình trong cơn giãy chết mà không thể làm gì được cho con. Đó là chuyện của vợ chồng anh Út Nam, để tránh nguy cơ mấy chục mạng người trốn cùng trong hang bị thảm sát, đã bụm miệng đứa con út 2 tuổi của mình không cho nó khóc, không cho tiếng uất ức thét gào của đứa con lọt ra khỏi hang, lọt đến tai bọn giết người đang sục sạo bên ngoài đến khi không còn nghe tiếng khóc nữa... Không chỉ vợ chồng anh Út Nam, còn có anh Tỏ, ông Khế, ông Đức, những thường dân Ba Chúc khác bằng những cách tương tự, hy sinh những hòn máu mình rứt ruột đẻ ra để cứu mạng sống của hàng chục, hàng trăm thường dân vô tội...

Và còn nhiều câu chuyện bi thảm khác.

3. Sự hiện diện của chiến tranh thông qua những câu chuyện kể trong Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh không có cảnh chiến đấu anh dũng, không có những thiên anh hùng ca của những chí khí hào hùng, không có cờ chiến thắng tung bay phất phới. Chiến tranh trong Về từ hành tinh ký ức phô bày bộ mặt bi thảm khác bằng những câu chuyện có thật về sinh mạng vô tội bị bắn chết, bị đập đầu, những đứa trẻ vô tội bị xé làm đôi, những người phụ nữ vô tội bị hiếp (có cả bị thú hiếp), bị đóng cọc vào cửa mình... Chiến tranh trong Về từ hành tinh ký ức là những tổn thương, di chứng tâm lý, tình cảm không thể nguôi ngoai, là những đau đớn đến tận cùng trong từng thớ thịt, trong từng mạch máu, đến tận cuối cuộc đời cũng không xóa hết được. Chiến tranh trong Về từ hành tinh ký ức còn là nỗi uất ức, là tiếng kêu gào đòi công bằng của những người đã nằm xuống, những người còn sống và cả thế hệ tương lai sau này. Về từ hành tinh ký ức là cuốn sách trĩu nặng, trĩu nặng vì những bằng chứng về một giai đoạn bi thương, vì những câu chuyện đau đớn, oan khuất mà nó phải chuyên chở, và vì cả những thông điệp lịch sử mà chính bản thân những câu chuyện gửi gắm cho lại chúng ta, những người đang sống. Sự khiếp sợ, cam chịu trước cái ác sẽ đẩy chúng ta tới vực thẳm nhanh hơn. Chỉ cần biết vùng lên, biết đứng dậy. Và đồng lòng.

Cuốn sách ra đời vào đúng lúc sự kiện Noun Chea và Khieu Samphan, hai thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ, bị Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia kết án chung thân do phạm tội ác chống lại loài người và diệt chủng vào tháng 8-2018 vừa qua, góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ, thuyết phục trong việc đòi công lý cho những nạn nhân bị diệt chủng.

Đọc Về từ hành tinh ký ức, để biết nói không với cái ác, để biết loại trừ cái ác, dù với bất kỳ động cơ nào, ra khỏi đời sống con người.

ĐINH LÊ VŨ

(*): Về từ hành tinh ký ức, Tao Đàn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 11-2018.