Về với cội nguồn quê xưa

Thứ hai, 02/12/2013 09:58

(Cadn.com.vn) - Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa/ Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì (Trịnh Công Sơn). Ngoài tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi mới dần dà hiểu ra nguyên quán của mình. Đó là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, là nguồn cội của mình ở xứ Bắc, rồi ông cha tiếp tục về vùng đất mới, “ mở cõi về phương Nam” vào Điện Bàn, xứ Quảng “địa linh nhân kiệt”-một vùng đất danh tiếng- theo nhà nghiên cứu văn hóa, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân- từng được đánh giá là Quảng Nam quốc.

Người đời thường nói “lá rụng về cội” là lẽ thường tình. Nhưng lá xanh mà biết nguồn cội thì mới đáng nói, đáng trân trọng, đáng quý. Điện Bàn xưa kia là phủ Điện Bàn, là thủ phủ của Quảng Nam. Thơ “Nguyên quán”, Nhà xuất bản Văn Học, năm 2013 của những nhà thơ, người làm thơ Điện Bàn, xứ Quảng tại bản quán quê nhà, hay ở mọi miền đất nước,  phiêu bạt làm ăn, lưu lạc ở xứ người, hay những người bạn thân thiết của Nhóm Nguyên Quán đều hướng về cội nguồn nguyên quán xưa với các nghĩa hẹp, rộng, đen, bóng, hiện hữu, hoặc bất khả tư nghì theo chữ nhà Phật là “nơi không trú”....

Đây là một tuyển thơ với chủ đề xuyên suốt quê hương, xứ sở gồm 120 bài của 70 tác giả với nhiều thể loại: lục bát, bảy chữ, năm chữ,  Đường luật, tự do... Có những nhà thơ quen thuộc ở Hội Nhà văn TP Đà Nẵng như: Nguyễn Minh Hùng, H.Man, Lê Anh Dũng, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Nho Khiêm, Mai Hữu Phước, Nguyễn Kim Sơn, Thuận Tình, Nguyễn Nho Thùy Dương...; ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam như: Nguyễn Chiến, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Đức Dũng, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, La Trung, Phạm Thị Điểm, Mai Thanh Vinh, Thảo Nguyên, Lê Thị Tuyết...; ở Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng như: Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Thanh Đạm, Nguyễn Tường Huy,Trần Ngọc Trác, Phan Thành Minh, Trần Hoàng Vũ Nguyên, Minh Hạnh, Hồ Minh, Ngũ Hành Sơn...; Hội Nhà Văn TPHCM: Tuyết Ngọc (Tóc Nguyệt);  Hội Nhà Văn Hà Nội: Phạm Thị Phương Thảo.

Có những tác giả xuất hiện ít, hoặc mới xuất hiện ở Quảng Nam-Đà Nẵng như: Phạm Luân, Phạm Phú Thanh, Đoàn Minh Châu, Đỗ Nhựt Thư. Xuân Sơn, Nguyễn Thị Diệu Lan, Nguyễn Nho Toại... Có tác giả quê hương ở bên kia đèo Hải Vân: Ngàn Thương (Hội Nhà Văn TT-Huế). Có tác giả cũ đã thành danh ở Hội VHNT Đắc Lắc, mới chuyển về Hội Nhà Văn Đà Nẵng như Đinh Thị Như Thúy; có tác giả xa quê mà tên đã một thời vang bóng như Nguyễn Tam Phù Sa, Lý Đợi... Tất cả đã làm nên một dàn đồng ca, dàn hợp xướng về Nguyên Quán, cho Nguyên Quán và vì Nguyên Quán dễ nhớ dễ thương...

 

Là những người chuyên tổ chức bản thảo, biên tập, làm nhiệm vụ in ấn, xuất bản và ra mắt, giới thiệu tác giả-tác phẩm văn học, chúng tôi nhận thấy đây là tuyển thơ khá, tình cảm, hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu được chưng cất thăng hoa tâm hồn,  đa dạng, phong phú, nhiều giọng điệu trong bản hòa tấu, đại hợp xướng chung: Nguyên Quán. Đọc xong tuyển thơ, chúng ta nghe chảy rần rật trong tim óc mình, tâm khảm mình một tình quê xứ sở Điện Bàn, xứ Quảng, Đà Lạt, Lâm Đồng, một vùng quê nghĩa khí, hào khí, giàu lòng đấu tranh, yêu nước, hiếu học- “ngũ phụng tề phi”, càng thấy tự hào về vùng đất mở, năng động, nhạy bén, nhạy cảm và có tinh thần tiên phong, đi tìm, khát khao cái mới.

Khép lại tập thơ-nhạc, đọng lại trong tôi những bài thơ mình thích: Ai trong tôi nghìn con mắt lạ (Vô Biên), Thiên đường (Tường Huy), Cõi lòng (Nguyễn Thánh Ngã), Ánh trăng (Nguyễn Minh Hùng), Ký ức nắng (Nguyễn Đức Dũng), Quên nhớ em (Phạm Tấn Dũng),  Lạc Thành ( Huỳnh Minh Tâm), Túy Hành ( Túy Tâm), Có một đêm trăng rằm (Đặng Thị Thanh Liễu), Ký ức bông bí luộc (Đỗ Thượng Thế)... Và những bài nhạc phổ thơ đọng lại nỗi nhớ nhiều người của các nhạc sĩ Trần Tiến: Cha tôi (phỏng thơ Thân Hóa), Nguyễn Đình Thậm: Tình quê (thơ Thân Hóa), Nguyễn Thị Thu Thủy: Giã từ Đà Lạt (thơ Bùi Giáng), Dã quỳ về biển... Ai đó đã nói: Cuốn sách anh đang đọc là cuốn sách hiện tại.

Cuốn sách anh đọc lại là cuốn sách của tương lai. Tôi đọc đi đọc lại tuyển thơ Nguyên Quán, bất chợt nhớ những câu thơ tâm đắc: Ta về quê đã bao lần/Lòng như con trẻ bước chân bồi hồi (Thiên đường-Tường Huy), Đặt mình trước bóng gương soi/Chải ngày tóc rụng nửa đời quạnh mông (Nhớ người-Ngọc Tuyết), Mẹ đẻ rớt ta vào văn minh lúa nước/Nên khó nghèo vẫn thương đất không nguôi (Hát trên cánh đồng-Nguyễn Đức Dũng)... Linh hồn ngôi nhà cổ/Sống trong lòng nước non/Linh hồn ông già cổ/Sống trong lòng cháu con/Tiếng mọt nghiến thời gian trắng bột/Hay hồn mình lấm tấm hương xưa? (Nhà cổ, ông già cổ, làng cổ Bồng Lai-Lê Anh Dũng)...

Cái được của “Nguyên Quán” là “Nhóm Nguyên Quán và những người bạn” đã tâm huyết với quê hương, cố hương Điện Bàn xứ Quảng và cả quê hương thứ hai- Đà Lạt, Lâm Đồng, trong thời gian ngắn, không hẹn mà gặp, không cố mà được đã tuyển được  những bài thơ nói được tinh thần nguyên quán, thể hiện được sự trở về nguồn cội của quê xưa, của  bản thể, của chính mình với những gì uyên nguyên nhất, trong sáng, hồn nhiên nhất, trở về với cõi tâm linh, cái vô thường “sắc sắc không không”...

Lê Anh Dũng