Về vụ 2 Cty vàng tại Quảng Nam mua 60 tấn cyanua giả: Hạn chót xử lý là ngày 15-10

Thứ ba, 06/10/2015 10:43

(Cadn.com.vn) - 60 tấn hóa chất độc hại (theo tờ khai Hải quan lưu tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng thì đó là cyanua) được 2 Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Quảng Nam, thuộc Tập đoàn Besra) nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó được xác định là giả nên Cty không sử dụng và cũng không có phương án giải quyết thỏa đáng hoặc tiêu hủy để đảm bảo an toàn. Đã hơn 4 năm, giải pháp xử lý số cyanua giả nói trên vẫn bế tắc khi Cty viện lý do khó khăn về tài chính... Để chấm dứt tình trạng trên, ngày 16-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì với các ban, ngành liên quan và đại diện Cty để họp bàn tìm giải pháp giải quyết.

60 TẤN HÓA CHẤT PHƠI NẮNG PHƠI MƯA

Tháng 8-2011, để tuyển luyện vàng, Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Cty vàng Phước Sơn đặt mua 60 tấn hóa chất Solium Cyanuare từ Cty Hóa chất Tianjin Haina Tianyi Chemical (Trung Quốc). Lô hàng này có tổng trị giá khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển số hóa chất này đến các mỏ vàng và đưa vào sử dụng, 2 Cty vàng mới phát hiện đây là cyanua giả, không thể sử dụng vào việc luyện vàng nên đã gửi mẫu đến Cty TNHH SGS VN để kiểm định. Kết quả kiểm định cho thấy, lô hàng là bột đá nghiền. Các Cty vàng lập tức liên lạc với nhà cung cấp nhưng không được, họ không trả lời điện thoại và email và sau một thời gian, thì hoàn toàn mất liên lạc với họ. Các Cty vàng đành báo cáo, đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm cách xử lý lô cyanua giả này.

Sở Công Thương Quảng Nam cũng đã tiến hành lấy mẫu và gửi cho Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 2 tại Đà Nẵng. Kết quả cho thấy mẫu có thành phần hóa học tự nhiên, không có cyanua.

Dựa vào kết quả phân tích nói trên, 2 Cty vàng đề xuất phương án sẽ đưa vào xử lý khử độc tại 2 nhà máy trước khi thải ra ngoài. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam không đồng ý với đề xuất vì các Cty vàng không đủ chức năng xử lý hóa chất độc hại. Hiện số cyanua giả này được giữ trong các container ở kho bãi của 2 nhà máy vàng (40 tấn trong kho của Nhà máy vàng Phước Sơn và 20 tấn ở Nhà máy vàng Bồng Miêu).

Số cyanua giả đang được lưu giữ trong các container và đang phơi nắng phơi mưa
tại địa bàn đông dân cư ở H. Phước Sơn.

HẠN XỬ LÝ CUỐI CÙNG LÀ NGÀY 15-10

Trước sự việc này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu 2 Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu khẩn trương lập và tổ chức thực hiện phương án xử lý, tiến hành tiêu hủy hóa chất theo đúng quy định pháp luật và những nội dung đã cam kết với CA tỉnh trong quá trình kiểm tra công tác quản lý hóa chất tại 2 Cty. UBND tỉnh giao Sở Công Thương theo dõi, kiểm tra, giám sát phương án tiêu hủy và báo cáo trước ngày 30-12-2014.

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã ra “tối hậu thư” về việc giải quyết số hóa chất nói trên, nhưng 2 Cty vàng viện lý do đang khó khăn về tài chính nên đã lần lữa, để mặc cho số hóa chất trên phơi nắng phơi mưa, gây bất an trong nhân dân. Ngày 16-9-2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Công Thương chủ trì buổi làm việc với các ngành, địa phương có liên quan và đại diện 2 Cty vàng để xử lý 60 tấn hóa chất nói trên.

Tại cuộc họp, đại diện Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phải phân tích thêm các chỉ tiêu hóa học trong số bột đá này nhằm xác định có vượt ngưỡng chất thải nguy hại hay không để có phương án xử lý. Đại diện CA tỉnh cũng như UBND H. Phú Ninh và Phước Sơn đều đưa ra quan điểm rằng phương án xử lý của 2 Cty là quá đơn giản, chưa phù hợp với đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, vì vậy không thống nhất cho 2 Cty xử lý lô hàng giả này tại địa phương…

Ông Phạm Bá Huyên - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công Thương) nhận xét, các kết quả kiểm định đã xác định được 60 tấn hóa chất không phải là cyanua, mà là bột đá và có chứa một số chất hóa học, nhưng kết quả chưa xác định được có vượt ngưỡng chất thải nguy hại hay không. Ông Huyên đề nghị Cty quy đổi để xác định lại ngưỡng chất thải nguy hại của các thành phần này, sau đó thuê các đơn vị có chức năng xử lý chứ không được tự ý xử lý theo phương án mà Cty đã đề ra.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 Cty hợp đồng với các đơn vị chức năng kiểm tra lại thành phần hóa học có trong 60 tấn bột đá. Sau khi xác định được đây là chất thải nguy hại hay chất thải rắn thông thường, thì Cty phải xây dựng lại phương án và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý. Ông Quang đề nghị phương án xử lý phải được 2 Cty báo cáo lại vào ngày 15-10 tại Sở Công Thương để có kết luận cuối cùng cho lô hàng giả này.

Hy vọng với kết luận cuối cùng đưa ra tại cuộc họp, 60 tấn hóa chất này sẽ được xử lý dứt điểm.

Doãn Nguyên Hưng