LẬT LẠI HỒ SƠ:

Vụ mua bán, tàng trữ 94 tấn cyanua ở Quảng Nam (2)

Thứ sáu, 07/08/2015 12:06

* KỲ CUỐI: Phi tang vật chứng, tội nặng càng thêm nặng

(Cadn.com.vn) - Khi hành vi buôn bán trái phép hóa chất độc hại có nguy cơ bị lộ, các đối tượng đã phi tang vật chứng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của hành vi này là tình tiết tăng nặng cho bản án mà chúng phải nhận.

Lôi con trai, con rể vào đường dây

Để việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được suôn sẻ, Trang lôi kéo cả con trai Hoàng Tấn Thành (1979), Hoàng Thanh Tân (1975) và con rể Đoàn Văn Dũng (1980) cùng tham gia. Mỗi chuyến hàng về Quảng Nam, Trang và Hiền thường thuê Phạm Hồng Lâm, Huỳnh Văn Phương cùng các con của Trang bốc vác. Cùng tham gia vận chuyển, tàng trữ cyanua cho Trang, Hiền còn có vợ chồng Nguyễn Đức Được (1958) và Chung Thị Bài (1959, trú tổ 7, P. Hòa Hương, TP Tam Kỳ), là chủ xe khách BKS 92K-0296 chạy tuyến Chu Lai - Đà Nẵng. Hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất độc của Trang và Hiền bị bại lộ cũng bắt đầu từ đây.

Lúc 20 giờ ngày 7-3-2002, từ nguồn tin của nhân dân, CATP Tam Kỳ đã bắt quả tang tại nhà Được - Bài tàng trữ 750kg cyanua. Qua đấu tranh, vợ chồng Được khai số hàng trên là của Hiền. Đồng thời, Được cũng khai nhận đã nhiều lần được Trang, Hiền thuê xe khách của mình nhận hàng từ các chuyến xe Hà Nội - Gia Lai để chở về nhà Trang hoặc chở ra nhà Được cất giấu rồi giao cho những người mua. Lần theo các manh mối, CQĐT xác định, ngày 4-3-2002, Trang gửi tiền ra Hà Nội đặt mua 1.600kg cyanua (trong đó Trang mua 600kg, Hiền mua 1.000kg) nhờ chuyển vào bằng xe khách BKS 47V-1281 do tài xế Phan Quang Hòa điều khiển. 2 giờ ngày 6-3-2002, theo yêu cầu của Trang, Hiền, vợ chồng Được - Bài điều khiển xe vào địa phận xã Tam Anh để nhận số hàng này chuyển từ Hà Nội vào. Xe của Được chở hàng đến nhà Trang, bỏ xuống đây 600kg, còn lại 1.000kg chở về cất giấu tại nhà Được ở Tam Kỳ. Trong ngày 6-3, Được đã giao cho các bạn hàng của Hiền 250kg, còn lại 750kg thì bị CATP Tam Kỳ phát hiện, bắt giữ.

Dìm cyanua xuống dòng Trường Giang

Sau khi biết vợ chồng Được - Bài bị bắt, Trang tìm cách giấu số hóa chất đang tàng trữ ở nhà mình. Trưa 8-3, Trang sai Thành, Phương, Lâm dồn hết 600kg hóa chất vào 12 bao ni-lông loại lớn để chống thấm nước rồi cất giấu sát bờ sông ngay phía sau nhà mình. Trong lúc các đối tượng bỏ cyanua vào bao ni-lông, Huỳnh Minh Diêu (1969, ở cạnh nhà Trang) sang chơi thì được Thành nhờ giữ hộ miệng bao, Diêu đồng ý giúp xong rồi trở về nhà. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Trang phát hiện các bao hóa chất bị ướt và bắt đầu tan chảy do thủy triều lên. Lúc này Trang chỉ đạo Thành và các nhân công vứt luôn 4 bao (tổng trọng lượng 425kg) xuống sông Trường Giang, số còn lại khoảng 125kg đem vào nhà cất giấu và bán hết cho Lê Thị An (1967, trú khối phố 2, An Xuân, Tam Kỳ) sau đó ít ngày.

Ông Huỳnh Tấn Tâm kể lại chuyện “dòng sông chết”.

Kết quả điều tra về mức độ ảnh hưởng của 4 bao tải cyanua nằm dưới lòng sông khiến bất cứ ai nghe qua cũng phải rùng mình: 171 hộ nuôi tôm của 3 xã xung quanh khu vực ô nhiễm bị thiệt hại với tổng giá trị lên đến hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, một thời gian dài sau khi trục vớt 4 bao tải cyanua, nhiều hộ dân tiếp tục đầu tư hồ tôm đã bị thiệt hại nặng nề do chất độc ngấm vào trong đất. Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng cảnh tượng thê thảm của những hồ tôm bị ảnh hưởng bởi chất độc cyanua từ vụ án đó vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Ông Huỳnh Tấn Tâm (1955, trú thôn Thanh Long, xã Tam Hòa) kể lại: “Tất cả các hồ nuôi tôm dọc khúc sông hơn 2km, nơi có 4 bao hóa chất đều bị nhiễm độc. Hồ tôm của tôi khi đó rộng 2.800m2, cách vị trí 4 bao tải cyanua khoảng 300m nên bị ô nhiễm rất nặng. Tôi đã đầu tư vào hồ hơn 50 triệu đồng, sắp đến ngày thu hoạch thì tôm chết, vậy là trắng tay. Những năm sau đó, tôi tiếp tục nuôi tôm nhưng đều thất bại”. Ngoài ra, trong quá trình trục vớt 4 bao tang vật (lúc đó chưa biết chứa chất gì), 2 CA viên xã Tam Anh là Nguyễn Giỏi và Đỗ Văn Sinh bị ngộ độc nặng. Kết quả kiểm tra xác định 2 CA viên bị nhiễm chất độc cyanua với tỷ lệ tổn hại sức khỏe mỗi người lên đến 21%.

Gần nửa tấn cyanua được vứt xuống sông Trường Giang phi tang (ảnh minh họa).

Kết thúc điều tra, CA tỉnh Quảng Nam xác định chỉ trong vòng 2 năm (2000-2002), số cyanua mà Trang và Hiền mua từ Cty HHƯD lên đến gần 94 tấn, trong đó Hiền mua 71 lần với gần 62 tấn, Trang mua 69 lần với gần 32 tấn. Ngày 21-5-2002, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất độc với giá trị “khủng”.

Số đối tượng bị truy tố trong vụ án này cũng đạt kỷ lục vào thời điểm bấy giờ: 25 đối tượng có liên quan trực tiếp đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất độc, 2 đối tượng bị truy tố về hành vi không tố giác tội phạm. Các đối tượng liên quan đến việc dìm 4 bao tải cyanua xuống lòng sông bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Trần Thị Thùy Trang bị tuyên phạt 18 năm tù, Hoàng Tấn Thành 15 năm tù, Đoàn Văn Dũng 10 năm tù, Nguyễn Đức Được 10 năm tù, Lê Thị An 7 năm tù, Nguyễn Thị Thu Hiền 6 năm tù, Huỳnh Văn Phương 6 năm tù. Các bị cáo khác tham gia vận chuyển, mua bán hoặc phát hiện tội phạm mà không tố giác bị phạt từ 1 đến 6 năm tù. Đây là bài học cho những ai xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, tài sản người khác khi buôn bán hàng cấm, rồi lại phi tang vật chứng dẫn đến hậu quả khôn lường.

Phương Nam