Vén màn bí mật vụ nhà báo Jamal bị sát hại

Thứ hai, 22/10/2018 09:43

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không hài lòng với lời giải thích của Saudi Arabia về hoàn cảnh dẫn đến vụ sát hại nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán của vương quốc này ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều lạ là, ông chủ Nhà  Trắng lại cho rằng, xác  nhận của Saudi Arabia rằng nhà báo Jamal chết do ẩu đả là đáng tin cậy.

Cuối cùng, sau hơn 2 tuần tranh cãi, vốn làm bùng lên những thuyết âm mưu về số phận nhà báo mất tích Jamal Khashoggi, Saudi Arabia hôm 20-10 chính thức thừa nhận nhà báo bất đồng chính kiến này bị sát hại trong Lãnh sự quán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Riyadh vẫn không cho biết thi thể của nhà báo này hiện ở đâu.

Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi gây ra sự phẫn nộ và một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng cho Saudi Arabia.          Ảnh: AFP

Saudi Arabia - càng gỡ, càng rối

Theo AFP, trong tuyên bố đăng tải trên truyền thông nhà nước, Văn phòng công tố Saudi Arabia khẳng định, ông Jamal có cuộc tranh luận với một số người tại lãnh sự quán, và cuộc tranh luận biến thành ẩu đả, khiến nhà báo này thiệt mạng. Riyadh cho biết đã điều tra vụ việc và bắt giữ 18 công dân. Saudi Arabia cũng thông báo sa thải 2 quan chức tình báo hàng đầu liên quan vụ việc, cũng là 2 trợ lý thân cận của Thái tử quyền lực Mohammed bin Salman.

Tuy nhiên, lời giải thích này của Riyadh vẫn không thỏa đáng và rất đáng ngờ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tuyên bố nhấn mạnh, ông không hài lòng với lời giải thích của Saudi Arabia về hoàn cảnh dẫn đến vụ sát hại nhà báo Jamal.  Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng vẫn rất dịu giọng về vấn đề này khi tuyên bố, ông nhận thấy, xác nhận của Saudi Arabia rằng nhà báo Jamal chết do ẩu đả là đáng tin cậy. Tổng thống Trump đưa ra phát biểu trên khi được hỏi xem liệu lý giải của Riyadh về vụ sát hại nhà báo Jamal có đáng tin cậy hay không, và nhấn mạnh: “Vẫn còn sớm, chúng tôi chưa kết thúc việc đánh giá hay điều tra về vụ việc”. Khi phát biểu với phóng viên tại bang Nevada, Tổng thống Trump cho biết thêm rằng, có khả năng Thái tử Mohammed bin Salman không biết về cái chết của nhà báo Jamal.

Muốn che đậy để bảo vệ Thái tử Mohammed?

Nhà báo Jamal, mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ, mất tích từ ngày 2-10 sau khi đến Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul làm các thủ tục đăng ký kết hôn, vụ việc làm dấy lên sự phẫn nộ trên khắp thế giới và khiến vương quốc Vùng Vịnh này rơi vào cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.

Giờ đây, bất chấp lời giải thích của Saudi Arabia, bất chấp tuyên bố bênh vực của Tổng thống Trump, vương quốc Arab này vẫn đang đối mặt với một cuộc tranh cãi gay gắt đằng sau cái chết của nhà báo Jamal, khi các nước đòi hỏi Riyadh đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn và cho biết thi thể ông hiện ở đâu. Đây là vấn đề mà Tổng thống Trump xoáy trọng tâm: “Chúng tôi muốn biết thi thể đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra... Và tôi cho rằng chúng tôi đang trên đường hướng tới điều đó”.

Các nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng, nhà báo nổi tiếng này nhiều khả năng đã bị giới chức nước này sát hại theo kế hoạch được chuẩn bị từ trước chứ không đơn thuần như lời giải thích của Riyadh. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Riyadh thực hiện một vụ giết người có kế hoạch và sau đó phi tang xác của nhà báo này, trong khi các phương tiện truyền thông ở nước này nói họ có đoạn băng hình ảnh và âm thanh làm bằng chứng cho những tuyên bố này. Do đó cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chiến dịch tìm kiếm trong một khu rừng ở Istanbul, khu vực họ nghi là nơi chôn giấu thi thể của nhà báo Jamal.

Theo giới phân tích, Saudi Arabia đã giải thích quá “ngây ngô” và lại châm ngòi cho những cáo buộc về một sự che đậy nhằm bảo vệ Thái tử Mohammed bin Salman. 

V à những hệ lụy

Thực tế cho thấy, ban đầu Saudi Arabia khăng khăng rằng, nhà báo Jamal đã rời khỏi lãnh sự và không hề hấn gì; nhưng sau đó nói đang điều tra sự biến mất của ông và giờ lại thừa nhận, nhà báo này đã bị giết trong một cuộc “ẩu đả” với các quan chức trong lãnh sự quán. Câu chuyện này - kết hợp việc Riyadh không cho biết thi thể của nhà báo này hiện ở đâu - nhanh chóng thu hút sự hoài nghi và khinh miệt từ các nước, bao gồm cả các đồng minh trung thành.

Không giống Mỹ, nhiều cường quốc đã lên án Saudi Arabia mạnh mẽ. Canada cho rằng, lời giải thích của Riyadh về cái chết của nhà báo này là không nhất quán và không đáng tin cậy, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra “thấu đáo” vụ việc này. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng cần có thêm các cuộc điều tra. “Nhiều thứ vẫn chưa rõ ràng. Điều gì đã xảy ra? Ông Jamal chết như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm? Tôi hy vọng rằng mọi sự thật liên quan sẽ được làm sáng tỏ ngay khi có thể. Việc điều tra thấu đáo là cần thiết”, ông Mark Rutte nói.

Trong khi đó, Đức cân nhắc ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Berlin không nên phê chuẩn các thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia cho đến khi các cuộc điều tra hoàn cảnh dẫn tới cái chết của nhà báo Jamal được hoàn tất. Đây là sự đảo ngược quyết định hồi tháng trước của Berlin cho phép bán các hệ thống pháo cho Riyadh. Cùng ngày, Anh cho biết đang cân nhắc các bước đi tiếp theo sau sự thừa nhận nêu trên của Riyadh.

EU cũng lên tiếng rất gay gắt. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini kêu gọi mở cuộc điều tra sâu rộng về cái chết đầy bất ngờ của nhà báo Jamal và yêu cầu sự giải trình đầy đủ của những người có trách nhiệm. Bà Mogherini trong tuyên bố bày tỏ vô cùng quan ngại về những tình huống liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal, trong đó có sự vi phạm Công ước Vienna năm 1963 về quan hệ lãnh sự.

KHẢ ANH