"Vết chân tròn trên cát" - lời tri ân với người lính
(Cadn.com.vn) - Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên, bài hát "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến đã để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt. Không chỉ bởi giai điệu sâu lắng, lời ca dung dị chân thành mà bởi một điều gì đó thật linh thiêng, cao cả gần như tâm linh. Và cho đến hôm nay, khi mái tóc xanh thời sinh viên đã được phủ màu thời gian của gần 30 năm đứng trên bục giảng với bao thăng trầm của cuộc đời, tôi đã hiểu vì sao bài hát này vẫn sống mãi với thời gian và vẫn tràn đầy xúc cảm.
Nhạc sĩ Trần Tiến hát "Vết chân tròn trên cát". |
Có thể khẳng định đây là một bài hát hay, một bài hát đẹp về cả âm nhạc và ca từ. Không màu mè, không lên gân, rất chân tình, mộc mạc như chính tâm hồn của những người Việt Nam biết nâng niu, trân trọng cái đẹp, biết nhớ ơn tôn vinh những anh hùng, những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. "Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng...". Bài hát mở ra cho ta một không gian bao la đồng thời vẽ lên một hình ảnh thật đẹp đủ lay động lòng người, đủ để ta có thể dễ dàng hình dung ra hình ảnh một thầy giáo thương binh ngày ngày chống nạng đến trường trên cát trắng của một dải đất đầy nắng đầy gió ở miền biển nào đó rất đỗi quen thuộc trên các nẻo quê hương ta. Và hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất chính là hình ảnh "vết chân tròn" in vẽ trên nền cát trắng như dấu lặng giữa cuộc đời bao day dứt bão giông. Vết chân đó chính là tâm điểm làm nên cái "hồn" của bài hát, chạm vào và làm lay động trái tim người. Nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự: "Vết chân tròn trên cát" được anh viết một cách rất tình cờ. Đó là vào năm 1981, một hôm khi đang lang thang trên bãi biển Tiền Hải, Thái Bình, anh thấy những dấu nạng vẫn còn in trên cát. Tò mò, nhạc sĩ hỏi thăm và được người dân ở đây cho biết đấy là dấu nạng gỗ của một người thương binh hàng ngày vẫn chống nạng đi dạy nhạc cho lũ trẻ trong xóm. Cảm xúc trào dâng, với anh thế cũng đủ cho một bài ca đi cùng năm tháng. Không hiểu vì sao mỗi lần được nghe, được hát bài hát này tôi đều xúc động. Trong tôi hiển hiện hình ảnh một thầy giáo thương binh chống nạng đang kiên nhẫn đi trên cát bao la để đến với học sinh thân yêu của mình và những "vết chân tròn" của thầy cứ kéo dài, kéo dài mãi... và gió biển thổi hất tung mái tóc thầy. Một hình ảnh cũng rất đẹp nữa của thầy là "vẫn ôm đàn dạy các em thơ". Con người và thiên nhiên như hòa quyện vào nhau chan hòa tạo nên một bức tranh sống động. Ta hình dung ra biển cũng đang hát hòa theo giai điệu ấm áp nghĩa tình cùng các em nhỏ đang vui đùa bên người thầy thương binh. Có lẽ đây chính là hình ảnh lãng mạn cách mạng nhất. Sau bao năm chinh chiến, để lại một phần thân thể nơi trận mạc, người thầy lại trở về, tiếp tục sự nghiệp "gõ đầu trẻ" của mình nơi làng quê. Ấm áp, đậm đặc chất lính mà rất đời thường chính là cảm giác khi ta nghe, ta hát bài hát này. Người lính đã trở về dù mất mát, thương tật nhưng trong tư thế của người chiến thắng và vẫn mãi tiếp tục bài ca chiến thắng đó trong tư thế của người anh hùng, vẫn ngẩng cao đầu vượt mọi gian khó để "cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn, để lại bài ca trên cát trắng bao la".
70 năm hay lâu hơn nữa, chúng ta vẫn hát mãi khúc hát ngợi ca những anh hùng liệt sĩ, những thương bệnh binh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cho hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình hạnh phúc. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam nhân hậu bao dung vẫn làm nên cốt cách của tâm hồn người Việt. Các chương trình "đền ơn đáp nghĩa" vẫn được Đảng và nhà nước ta thực hiện để tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng liệt sĩ, hướng thế hệ trẻ đến những đạo lý làm người tốt đẹp nhất. Chúng ta cảm ơn nhạc sĩ Trần Tiến, cảm ơn cuộc đời đã cho tác giả sáng tạo nên một bài hát tuyệt hay về ngôn từ, lời ca cũng như những nốt nhạc dịu trầm, da diết chan chứa tình người, tình đồng chí, đồng đội, tình quê hương đất nước. Bài hát sẽ mãi mãi là giai điệu tự hào đi cùng năm tháng để ca ngợi, tôn vinh những người thương binh "tàn nhưng không phế", để "vết chân tròn vẫn đi về trên con đường cát trắng quê tôi, như bài ca anh hát trong thầm lặng, như bài ca không lời, cứ hát mãi trong tôi, hát mãi trong tôi".
NGỌC LAN