Vì sao chưa thể công khai danh tính 39 nạn nhân chết tại Anh?
Sáng 5-11, trước phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo bước đầu về việc giải quyết vụ có nạn nhân người Việt chết trong xe tải đông lạnh tại Anh.
Hàng xóm đến chia buồn tại một gia đình một người nghi nằm trong số 39 nạn nhân chết ở Anh. |
Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc
Dẫn báo cáo của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 23-10-2019, cảnh sát Anh nhận được thông tin có 39 người được tìm thấy và đã chết trong một xe tải đông lạnh ở Anh. Ngày 24-10-2019, cảnh sát Anh thông báo các nạn nhân có thể là người Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 25-10-2019, nhà chức trách Anh khẳng định, họ không chắc chắn và có thể có những người quốc tịch khác ngoài Trung Quốc.
Ngay sau khi có tin có người Việt Nam, ngày 26-10-2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo khẳng định sẵn sàng bảo hộ công dân nếu có nạn nhân là người Việt Nam. Ngày 29-10-2019, phía Anh đã chuyển cho phía Việt Nam hồ sơ vân tay toàn bộ 39 nạn nhân để đối chiếu chéo nhằm xác định danh tính, quốc tịch của nạn nhân.
Trong ngày 2 và 3-11-2019, đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn đầu đã sang làm việc với các cơ quan chức năng của Anh để phối hợp xử lý các công việc liên quan. Hiện nay, có nhiều nguồn tin về số lượng người Việt Nam trong số 39 nạn nhân rất khác nhau. Theo thông tin tối 4-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã điện trao đổi trực tiếp, phía cảnh sát hạt Essex đã rất tích cực trong việc phối hợp nhưng thủ tục rất phức tạp. Sau khi đối chiếu danh tính, lập hồ sơ phải báo cáo lên tòa án của Anh và thẩm phán phê duyệt mới được công bố danh tính nên phải chờ vài ngày nữa mới có kết quả chính thức.
Ngay sau khi có thông tin về việc có thể có nạn nhân là người Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sớm xác định danh tính các nạn nhân theo đề xuất của phía Anh; điều tra phát hiện các vụ việc, đường dây tổ chức đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định, thành lập tổ công tác liên ngành sang Anh để phối hợp với phía Anh giải quyết vụ việc; thông báo và tư vấn trực tiếp cho gia đình các nạn nhân để giải quyết hậu sự cho các nạn nhân; giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin tuyên truyền về các đường dây lừa đảo người dân xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật Việt Nam và nước ngoài; phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc vụ việc của các đối tượng chính trị phản động, kích động chống phá.
Ngày 3-11, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương liên quan để bàn thống nhất kế hoạch tiếp nhận bàn giao từ phía Anh, đưa thi thể các nạn nhân về Việt Nam trên tinh thần đề cao trách nhiệm của ta trong bảo hộ công dân, vì lý do nhân đạo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và uy tín, hình ảnh Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vụ 39 người chết trên xe tải chở hàng đông lạnh khi nhập cư vào Anh đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới. “Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan xác minh làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; đồng thời có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu trả lời báo giới bên lề Kỳ họp Quốc hội. |
Bắt giữ 9 đối tượng liên quan
Ngày 5-11, bên lề Kỳ họp thứ 8, chia sẻ thông tin về vụ phát hiện 39 thi thể ở Anh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan công an đã bắt 9 đối tượng liên quan vụ việc. Thời gian tiến hành khởi tố theo quy định là 9 ngày, lực lượng điều tra sẽ tập trung xử lý trong thời gian ngắn nhất nhưng phải tuân theo đúng trình tự pháp luật chứ không chạy theo sức ép để gây ra hậu quả. Viện Kiểm sát sẽ giám sát chặt chẽ vụ việc sao cho hiệu quả, công khai minh bạch. "Hiện tại, Viện Kiểm sát đã phê chuẩn lệnh giữ người đối với 6 người. Còn lại 3 người, hiện cơ quan Công an đang tích cực làm rõ. 9 đối tượng này tất cả là người Nghệ An”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nói.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, 9 người bị bắt giữ do đưa người đi nước ngoài "chui" nhưng không phải đối tượng làm dịch vụ chuyên nghiệp. Họ chỉ là những người có con em, người thân làm việc bên Anh. Bản thân họ cũng đã đi sang bên Anh rất nhiều và làm ăn được, nên móc nối với người thân của mình để tổ chức cho những ai muốn sang Anh, họ sẽ đón.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, việc phía Anh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vân tay cho phía Việt Nam nhưng pháp luật của nước Anh quy định, sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra xong sẽ chuyển sang tòa án. Tòa án phải xác nhận và ký mới được công khai. Những nạn nhân nghi nhập cảnh trái phép sang Anh, ngoài xác nhận vân tay còn phải nhận dạng qua ảnh và xét nghiệm ADN để khẳng định danh tính, quê quán.
“Hiện chưa có thông tin chính thức nên chưa thể trả lời được” – Thiếu tướng Cầu khẳng định.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh vụ án sẽ được mở rộng điều tra, liên quan đến ai, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý. Qua đấu tranh bước đầu, các đối tượng bị bắt giữ đã thừa nhận hành vi đưa các nạn nhân xuất cảnh qua sân bay Nội Bài có thời gian, ngày, giờ cụ thể. “Việc họ đi sang nước thứ 2, thứ 3, trên chuyến bay đó, Công an đang xác minh cụ thể. Và họ đến nước nào để đi ra sao, phải nhiều cơ quan xác minh mới trả lời được", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
QUỲNH NHƯ - PHAN PHƯƠNG
Đôi bạn thân cùng “mất liên lạc” Người thân anh D. đau đớn trước sự việc. Là bạn chơi thân với nhau từ nhỏ, lại ở cùng xóm, anh Cao Tiến D. (1982) và anh Cao Duy T. (1982, cùng trú xã Diễn Ngọc, H. Diễn Châu, Nghệ An) rủ nhau đi “xuất ngoại”. Cả hai cùng mất liên lạc cùng thời điểm với vụ 39 người chết trong thùng Container tại Anh. Đêm 4-11, gia đình anh D. nhận được cuộc điện thoại của người thân từ Anh gọi về cho biết, anh D. là nạn nhân trong vụ 39 người chết trong thùng Container ở Anh. Sáng ngày 5-11, gia đình đã lập bàn thờ. Do mắc bệnh hiểm nghèo, bố mẹ anh Cao Tiến D. mất đã lâu, các chị gái cũng lần lượt lập gia đình. Vợ chồng anh D. cũng làm thuê, bán cá ở cảng biển. Đầu năm 2019, anh D. cùng bạn đi sang Nga bằng con đường du lịch. Sau một thời gian ở đây, anh D. đi qua Đức làm việc và sau đó quyết định sang Anh. Để đi qua được Anh, anh D. phải nộp chi phí 11.000 Bảng Anh cho môi giới. Cách nhà anh D. không xa, là căn nhà cấp 4 xập xệ của anh Cao Huy T. (1982, bạn thân của anh D.). Anh T. cũng mất liên lạc với gia đình từ ngày 22-10 khi trên đường qua Anh. Người thân nghi ngờ, khả năng là anh T. và anh D. đi cùng nhau để qua Anh tìm việc làm rồi xảy ra sự việc bởi hai người là bạn thân với nhau từ thủa nhỏ. Ôm đứa cháu mới 11 tháng tuổi (con anh T.), anh Cao Huy Công (em trai anh T.) cho biết: “Anh trai tôi trước đi làm thuê cho các chủ tàu ra khơi đánh cá nhưng thu nhập bấp bênh nên từ đầu năm 2019, anh quyết định sang nước Rumani để lao động. Sau đó, anh sang Đức được 5-6 tháng rồi quyết định qua Anh. Giờ nếu như đây là sự thật thì một mình tôi làm sao kham nổi 4 đứa con còn bé tí”? Bà Cao Thị Uyên (mẹ anh T.) buồn bã: “Nó đi đã gần năm nay rồi. Ngày trước đi đâu, làm gì nó cũng gọi điện thông báo. Thế nhưng cả mấy tuần nay chẳng thấy nó gọi về gì cả. Giờ nghe tin nó khả năng là 1 trong những nạn nhân, chúng tôi làm sao sống nổi đây”. Được biết, để có tiền đi XKLĐ, gia đình hiện đang vay nợ hơn 500 triệu đồng, sổ đỏ nhà anh T. và nhà bà Uyên đều đang thế chấp. “Tôi dành dụm được hơn 20 triệu đồng để dưỡng già cũng cho nó vay, em trai cho vay 30 triệu đồng, giờ xảy ra cơ sự này, tiền có thể kiếm lại được, còn người thì…”- bà Uyên nói. DƯƠNG HÓA |