Vì sao chưa thể di dời nuôi cá lồng, thủy hải sản vịnh Mân Quang?

Thứ bảy, 01/02/2020 17:20

Cuối năm 2017,  TP Đà Nẵng đã có chủ trương quy hoạch vịnh Mân Quang (khu vực dưới chân cầu Thuận Phước, về phía Cảng Tiên Sa) nhằm mở rộng Âu thuyền Thọ Quang, đảm bảo cho lượng tàu  thuyền đánh bắt thủy hải sản neo đậu trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, cho đến nay, đã hơn 2 năm qua, tình trạng hàng trăm hộ dân tổ chức nuôi cá lồng bè, các loại thủy hải sản, gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường khu vực vịnh Mân Quang vẫn chưa giải quyết triệt để…



Tình trạng nuôi cá lồng bè, thủy hải sản vẫn chưa giải quyết triệt để trên vịnh Mân Quang.

Qua tìm hiểu tại khu vực, chúng tôi được biết, khu vực vịnh Mân Quang  có hơn 200 hộ dân nuôi các loại hải sản như  cá mú, cá hồng, ốc, nghêu, hàu… tất cả đều trong tình trạng  tự phát. Người dân tổ chức đóng cọc, kéo dây, đặt các lồng bè chiếm dụng hầu hết diện tích khu vực vịnh Mân Quang. Năm 2012, UBND TP Đà Nẵng đã có quy định cấm nuôi cá lồng trên các khu vực sông Cẩm Lệ, Cổ Cò, nhiều hộ dân đã chuyển về khu vực vịnh Mân Quang để tổ chức nuôi cá càng làm cho khu vực vịnh thêm lộn xộn. Người dân cho biết, mọi người thấy mặt nước để không, nên tận dụng để nuôi, đến lúc nào nhà nước thu hồi thì tính sau… Đa phần các hộ nuôi cá lồng bè, thủy hải sản ở đây đều là các hộ nghèo, kinh phí bỏ ra ít, chỉ vài chục triệu tiền mua cọc, dây, vỏ phuy đựng nước, rồi kéo bè, giăng lồng lưới, chịu khó chăm sóc, qua một năm cũng kiếm được vài chục triệu đồng từ tiền bán cá, nghêu, ốc… đủ sống qua ngày. Mọi người cũng công nhận, việc nuôi cá lồng bè tự phát này làm khu vực trở nên nhếch nhác, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, môi trường khu vực. Hàng ngày để nuôi cá, phải đổ xuống khu vực hàng chục tấn bột, thức ăn các loại… Khu vực vịnh, dòng chảy yếu,  thức ăn thừa cho cá lại lắng đọng ngay xuống đáy vịnh, ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi hôi thối khắp khu vực nhất là những ngày nắng nóng. Việc nuôi cá, thủy hải sản cũng phải sử dụng nhiều trang thiết bị, vậy là một lượng lớn rác thải các loại được xả ra hàng ngày… người dân không thể xử lý bằng cách nào khác, chỉ lâu lâu thu gom rồi đốt ngay trên bờ, rồi xả xuống mặt nước càng làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng hơn. 

Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Võ Đình Công- Chủ tịch UBND P. Thọ Quang cho biết, thực tế khu vực Thọ Quang chỉ có một phần nhỏ các hộ dân tham gia nuôi cá lồng bè, thủy hải sản, còn lại là các hộ dân  thuộc các phường Mân Thái và Nại Hiên Đông… Vì vậy, phường cũng chỉ tham gia phối hợp vào các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, nhắc nhở các hộ dân…Tuy nhiên,  trong thời gian qua,  thành phố chưa khoanh vùng quy hoạch nuôi hải sản lồng bè, thủy hải sản  rõ ràng nên để người dân mưu sinh kiếm sống,  địa phương vẫn để người dân nuôi tại khu vực vịnh Mân Quang.  Người dân đã tự cam kết, khi nào Nhà nước thu hồi phần diện tích mặt nước, sẽ tự nguyện gỡ trang thiết bị nuôi trồng thủy hải sản, không yêu cầu đền bù. Cuối năm 2017,  thành phố đã có  chủ trương quy hoạch khu vực vịnh Mân Quang  thành dự án mở rộng Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên hiện nay dự án chưa triển khai, chưa có quyết định thu hồi đất, người dân  vẫn “bám trụ”  với  tư tưởng chờ dự án khởi công mới di dời  khiến tình trạng ô nhiễm môi trường vô cùng phức tạp.

Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng tại vịnh Mân Quang, cuối năm 2019, UBND Q. Sơn Trà đã ra thông báo chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các chòi canh, lồng bè xây dựng trái phép tại khu vực P. Nại Hiên Đông và P. Thọ Quang. Trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân, UBND P. Nại Hiên Đông phát hiện một số hộ dân không có nhà ở ổn định, lấy chòi canh làm nơi sinh sống, tá túc. Vì vậy lại nảy sinh ra một vấn đề mới, khiến chính quyền và ngành chức năng phải lưu tâm, cần phải xác minh làm rõ các hộ dân này nguyên gốc nơi đâu, hộ khẩu thường trú địa phương nào, để xem xét vấn đề ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Qua công tác kiểm tra, khảo sát, UBND P. Nại Hiên Đông đã lập danh sách 98 hộ dân làm lồng bè nuôi cá, thủy hải sản và 15 hộ dựng chòi canh trên đất nuôi hải sản.  UBND phường này  đã gặp gỡ, tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân không được tự ý mở rộng, phát sinh lồng bè mới,  tự nguyện di dời, hoàn trả mặt bằng trước ngày 15-12-2019. Tuy nhiên đến nay, nhiều chủ lồng bè không có mặt tại khu vực nuôi trồng, cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nên công việc tháo dỡ lồng bè,  chòi canh  đến nay vẫn chưa xong. Đến nay đã hết tháng 1-2020, trên thực tế có thể nhận thấy, tình trạng nuôi cá lồng bè, thủy hải sản khu vực vịnh Mân Quang vẫn chưa thể di dời,  giải tỏa  dứt điểm, đồng nghĩa với tình trạng ô nhiễm môi trường, chiếm dụng mặt nước, xây dựng trái phép còn diễn ra nơi đây…

Cuối năm 2019, sau  các cuộc hội thảo, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã có chủ trương định hướng, quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ thực hiện đúng theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Tức là xây dựng cảng nước sâu ở Liên Chiểu và dần dần cảng Tiên Sa sẽ giảm chức năng cảng hàng hóa để chuyển sang cảng Liên Chiểu, còn lại ở khu vực Tiên Sa sẽ là cảng du lịch, cảng quân sự và cảng cá. Có thể nhận thấy, vịnh Mân Quang là khu vực gắn kết với cảng Tiên Sa, việc quy hoạch, xử lý các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chiếm dụng mặt nước trái phép là việc phải làm ngay, nhằm giải quyết những vướng mắc, trước khi tiến hành những kế hoạch lớn, lâu dài.

HỒNG THANH