Vì sao cước vận tải chưa giảm?

Thứ sáu, 19/02/2016 08:47

(Cadn.com.vn) - Chiều 18-2, xăng Ron 92 tiếp tục giảm 961 đồng/lít; Xăng E5 giảm 942 đồng/lít và đứng tại mức giá thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Theo đó, giá xăng Ron 92 bán ra 13.752 đồng/lít, xăng E5 13.321 đồng/lít. Riêng dầu diesel và dầu hỏa và dầu mazut vẫn giữ nguyên giá cũ.

Giá xăng dầu đã liên tục giảm mạnh trong nhiều tháng qua, chỉ trong vòng 4 tháng, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 8 lần với tổng mức giảm lên tới gần 3.500 đồng/lít. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giữ bình ổn chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian qua, đồng thời rất có lợi cho các hoạt động dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, đại bộ phận doanh nghiệp (DN) vận tải dường như đã quen “cố thủ”, không chịu giảm giá cước.

Nếu kể từ tháng 10 – 2015 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm mạnh nhưng giá cước taxi thì mới chỉ giảm 1 lần với mức giảm rất khiêm tốn 500-700 đồng/km vào tháng 11-2015. Nhiều DN taxi khi được hỏi lại cho rằng, mức giảm nhiên liệu hiện vẫn chưa đến ngưỡng để giảm giá cước và tiếp tục đổ lỗi cho bất cập trong việc phải đến các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh đồng hồ cước, chi phí in ấn bảng biểu giá cước, niêm phong kẹp chì rất mất thời gian và tốn kém chi phí. Trao đổi với ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Mai Linh miền Trung cho biết hiện nay đang đi công tác tại Quảng Trị chưa về được khi nào về Đà Nẵng tiến hành họp Hiệp hội taxi rồi mới tính toán chuyện giảm giá! Cũng theo ông Nhân, thông thường giá xăng dầu giảm từ 1.000 đồng/lít thì các hãng taxi vận tải mới tính chuyện giảm giá cước vì cứ mỗi lần giảm giá cước chi phí điều chỉnh đồng hồ là khá lớn.

Nhiều DN vận tải hành khách đường dài tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng khi được hỏi đều đưa ra lý do là mùa cao điểm, lượng xe không đủ để phục vụ nhu cầu khách đi lại sau Tết. Chủ DN vận tải H.P chuyên chạy tuyến Đà Nẵng – Nghệ An cho rằng, giá xăng thường giảm nhỏ giọt, nên họ phải chờ một mức giảm nhiều hơn mới điều chỉnh giá. Mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp phải in ấn lại hóa đơn, bảng niêm yết giá, kẹp chì lại đồng hồ nên rất mất thời gian và chi phí. Ngoài ra, chi phí đường bộ qua các trạm thu phí BOT tăng từ ngày đầu năm 2016 cũng là lý do khiến các DN vận tải hành khách chưa thể giảm giá cước. Cũng theo đại diện DN này, tuyến Đà Nẵng - Nghệ An các chuyến xe đang chạy tuyến Đà Nẵng – Nghệ An đã được khách hàng đặt vé từ lâu nên chưa thể giảm được, nếu có giảm thì sau ngày rằm tháng Giêng mới tính chuyện giảm.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Sở Tài chính bức xúc, việc giá xăng lên thì ngay lập tức các hãng vận tải làm văn bản đề nghị cho điều chỉnh giá tăng lập tức nhưng lại không kêu ca về chi phí điều chỉnh biểu giá, còn xăng xuống thì ngại điều chỉnh giảm... rất vô lý. Trong những tháng gần đây, xăng dầu liên tục giảm giá mạnh, mặc dù Sở đã gửi văn bản đến từng DN vận tải yêu cầu giảm giá cước nhưng hầu hết các DN vẫn chây ì, không kê khai giảm giá cước. “Người tiêu dùng đang thiệt đơn, thiệt kép khi giá cước vận tải chây ì như vậy. Vì khi cước không giảm, giá cả hàng hóa khác cũng vin vào lý do này để tiếp tục giậm chân tại chỗ. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông Vận tải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý” - ông Sang nói.

Cũng theo ông Sang, giá cước vận tải quyết định đến nhiều chi phí đầu ra của nhiều mặt hàng khác nên nếu các DN vận tải không chịu giảm cước thì nhiều mặt hàng khác cứ neo giá theo gây thiệt hại cho người dân. Tại sao một thành phố được đánh giá văn minh, thân thiện, giá cả các dịch vụ phải chăng và được kiểm soát nhưng giá cước taxi, vận tải hành khách vẫn còn cao hơn so với một số nơi khác. Rõ ràng lợi nhuận từ việc xăng, dầu giảm giá đang đều đặn chảy vào túi các hãng vận tải hành khách trên từng ki-lô-mét xe chạy.

Xuân Đương