Vì sao Đà Nẵng chọn phương án đầu tư công cho Nhà máy nước Hòa Liên?
Thành phố Đà Nẵng đã quyết định sẽ dùng 1.200 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên để chủ động cho nhu cầu về nguồn nước được dự báo là rất lớn từ sau năm 2020. Lợi thế so sánh nào để thành phố chọn phương án này mà không dùng quỹ đầu tư phát triển, giao cho Dawaco hay hình thức BOT?
CÂN NHẮC 4 PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ
Trong cuộc họp với các sở ngành vào chiều 27-11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Thành ủy, UBND thành phố sẽ chọn phương án đầu tư công, dùng ngân sách để triển khai dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Dự kiến tổng mức đầu tư là hơn 1.200 tỷ đồng, công suất 120.000m3/ngày đêm.
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa mới đây, ông Vũ Quang Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng đã phân tích những căn cứ pháp lý, tiến độ, tổng mức đầu tư, cân đối nguồn lực, giá nước, lộ trình tăng giá cũng như ưu điểm, hạn chế của 4 hình thức đầu tư đối với dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Đặc biệt là cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, quản lý vận hành và quyền sở hữu tài sản sau đầu tư. Cụ thể, nếu sử dụng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thì công trình sẽ do Quỹ này sở hữu, trực tiếp quản lý, vận hành, việc bán nước sinh hoạt sẽ được thực hiện qua đồng hồ tổng hoặc cho đơn vị cấp nước thuê tài sản Nhà nước. Để triển khai thì phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện tham gia Ban Quản lý. Nếu giao cho Cty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đầu tư thì cơ chế kiểm soát sẽ được thực hiện thông qua thẩm định hồ sơ thiết kế và kiểm tra chất lượng khi đơn vị này đầu tư. Tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của Dawaco và đơn vị này sẽ tiếp tục quản lý, vận hành như các dự án đang triển khai hiện nay, thành phố chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước trong quá trình triển khai dự án. Trong khi đó, nếu chọn hình thức BOT thì phải có cơ chế kiểm soát trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư mới xác định được tổng mức vốn đồng thời phải qua quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, kiểm tra chất lượng khi triển khai dự án. Quan trọng nhất là nhà đầu tư sẽ trực tiếp quản lý vận hành trong suốt thời gian hợp đồng BOT, thành phố chỉ quản lý khi hết hạn hợp đồng. Phương án đầu tư công thì UBND thành phố giao ban quản lý dự án chuyên ngành tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác khai thác, vận hành để bán nước qua đồng hồ tổng hoặc cho đơn vị cấp nước thuê tài sản nhà máy nước. Công trình sẽ thuộc quyền sở hữu của thành phố.
DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM CỦA TRỌNG ĐIỂM
Theo dự báo, đến năm 2019, thành phố cần 351.000m3 nước/ngày đêm, nếu đầu tư dự án nâng công suất tại trạm bơm An Trạch thì có thể đáp ứng được. Nhưng đến năm 2020 thì để duy trì sinh hoạt, sản xuất của người dân và phục vụ du lịch thì mỗi ngày đêm thành phố cần 462.000m3, từ năm 2020 con số này sẽ lên tới 536.000m3. Cơ quan chuyên môn tính toán, từ nay đến năm 2020, TP Đà Nẵng thiếu trung bình 80.000-100.000m3 nước sạch/ngày đêm. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước trên địa bàn TP Đà Nẵng là 210.000m3/ngày không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên tất cả đều phải hoạt động vượt tải với công suất 260.000m3/ngày. Nếu nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm không kịp xây dựng để khai thác thì sẽ có nguy cơ “vỡ trận” nước sạch.
Với việc chọn phương án đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư điều hành dự án, các cơ quan liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính khẩn trương hoàn thành các thủ tục để HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 12 tới. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố chọn phương án đầu tư công xuất phát từ khả năng cân đối ngân sách địa phương cũng như nhiều ưu điểm vượt trội đáp ứng yêu cầu về an ninh nguồn nước. Ngoài việc đảm bảo tính cấp bách, việc dùng ngân sách đầu tư sẽ đảm bảo ổn định giá nước cũng như lộ trình tăng giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng – Giám đốc Sở Tài chính phân tích, tất cả các hình thức đầu tư đều có cơ sở pháp lý, suất đầu tư cũng tương đương nhau. Nhưng đầu tư công là hình thức cơ ưu thế vượt trội về mặt thời gian, cụ thể là không cần thuê nhà tư vấn để tiến hành các thủ tục từ đầu mà có thể nhận bàn giao hồ sơ mà Dawaco đã thực hiện trong thời gian qua sau khi trả các chi phí cần thiết. Thời gian sẽ được rút ngắn rất nhiều. Khi thành phố dùng ngân sách đầu tư dự án thì sẽ tiến hành đấu thầu khai thác, vận hành, các đơn vị muốn trúng thầu phải có giá cạnh tranh nên chắc chắn giá nước sẽ ở mức thấp nhất, lộ trình tăng ổn định.
Theo tiến độ, dự án Nhà máy nước Hòa Liên dự kiến triển khai từ năm 2019, hoàn thành và đi vào vận hành vào cuối năm 2020.
CÔNG KHANH
Phải nhanh chóng có phương án đền bù giải tỏa
Theo ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, để nhanh chóng triển khai dự án, song song với công tác chuẩn bị đầu tư thì thành phố phải có phương án tổng thể trong công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư. “Nếu UBND thành phố làm nhanh thì trong kỳ họp sắp tới HĐND sẽ thông qua chủ trương đầu tư. Nhưng rút kinh nghiệm từ một số dự án khác, chúng ta phải thực hiện tốt công tác đền bù, giải tỏa. Phải có quỹ đất, sớm có chủ trương tái định cư ở đâu, ai làm, ai chịu trách nhiệm chứ không là rất bị động”, ông Trung nói. |