Vì sao Indonesia cắt giảm ngân sách quân sự 2016?
(Cadn.com.vn) - Indonesia đang có kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng năm 2016, lần đầu tiên trong 5 năm qua, giáng đòn mạnh vào những nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Jakarta.
Cắt giảm 7.000 tỷ Rp
Mặc dù là quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới và đông dân thứ 4 thế giới, Indonesia ít đầu tư cho quân sự, thua nhiều nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn.
Dù đã gia tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng trong những năm gần đây, chi tiêu quốc phòng của Indonesia/GDP thấp nhất trong ASEAN - 0,8% trong năm 2014, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 2,2%. Sau khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức, ông nỗ lực tăng con số này lên 1,5% và thậm chí tăng gấp đôi ngân sách trong năm 2016 trong bối cảnh Indonesia tìm cách phát triển Lực lượng Cần thiết Tối thiểu trước năm 2024. Tuy nhiên, thông tin chính phủ Indonesia có kế hoạch cắt giảm 6,3% ngân sách quốc phòng trong năm tới, tương đương 7.000 tỷ Rp (490 triệu USD), xuống còn 95.800 tỷ Rp, tạo cú sốc lớn cho những tham vọng hiện đại hóa quân sự của Jakarta.
Điều này đảo ngược xu hướng tồn tại trong vài năm qua, ngân sách tăng từ 17.000 tỷ Rp trong năm 2010 lên 102.300 tỷ Rp vào năm 2015. Nó cũng sẽ tiếp tục làm chậm tốc độ hiện đại hóa quân sự của Indonesia, hạn chế khả năng và nguyện vọng phát triển để trở thành cường quốc có sức ảnh hưởng.
Dù cắt giảm ngân sách quốc phòng, Indonesia vẫn ưu tiên phát triển Hải quân và Không quân. Ảnh: Diplomat |
Nguyên nhân
Tham mưu trưởng quân đội mới được bổ nhiệm Gatot Nurmantyo chỉ ra, việc cắt giảm là do tình hình tài chính yếu kém của chính phủ, phát sinh từ sự bất ổn tiền tệ toàn cầu.
"Khi chúng tôi đưa ra dự thảo ngân sách nhà nước năm 2015, chúng tôi giả định, một đồng USD sẽ có giá trị 12.500 Rp. Thực tế bây giờ, 1 USD tương đương với 14.000 Rp", ông Gatot cho biết. Thật vậy, ít ai nghĩ rằng kế hoạch đầy tham vọng tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Tổng thống Widodo có thể trở thành hiện thực trong bối cảnh tài chính toàn cầu xấu đi và gây hậu quả đối với Indonesia.
Ông Widodo tuyên bố sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong năm 2016 nếu nền kinh tế tăng trưởng 7%. Nhưng với tốc độ tăng trưởng tụt xuống còn 4,7% trong quý II- tốc độ chậm nhất trong gần 6 năm qua - và đồng rupiah giảm 13% trong năm nay trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, Nhật và khu vực Châu Âu, kế hoạch của ông Jokowi dường như rất khó có khả năng xảy ra.
Việc cắt giảm ngân sách quân sự sẽ kéo theo sự cắt giảm ở các lĩnh vực nhất định, thiết bị hoặc chi phí nhân sự mới. Ông Gatot chỉ ra rằng, ông sẽ ra lệnh cắt giảm việc mua sắm vũ khí mới để đáp ứng với việc cắt giảm ngân sách theo kế hoạch. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, vẫn sẽ ưu tiên cho việc mua sắm các thiết bị mới cho Hải quân và Không quân, phù hợp với cái gọi là "Điểm tựa hàng hải toàn cầu" của ông Jokowi. Ông Gatot lưu ý rằng, có thể ưu tiên mua radar và máy bay chiến đấu SU-35 cho Không quân, trong khi mua tàu ngầm, tàu khu trục và radar cho Hải quân.
An Bình
(Theo Diplomat)