Vì sao môn Lịch sử điểm thấp ?

Thứ năm, 12/07/2018 10:24

Khi phổ điểm các môn ở Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được công bố, không ít người yêu Sử ở Đà Nẵng cảm thấy buồn vì có đến 5.662 TS/6.293 TS đăng ký dự thi môn học này dưới điểm 5, chiếm tỉ lệ 89,97%. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước, diễn ra từ nhiều năm nay chứ không phải đợi đến Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.  Dưới đây là một số ý kiến của những nhà giáo dạy Sử Đà Nẵng.

Thí sinh Đà Nẵng sau khi kết thúc giờ làm bài tổ hợp môn KHXH kỳ thi THPT Quốc gia 2018.   Ảnh: P.T

Thầy Hà Thúc Quang - Tổ Phó Tổ bộ môn Sử - giáo dục công dân trường THPT Thái Phiên:

Khi Sử được xem là môn phụ

"Đội ngũ các thầy cô giáo dạy Sử ở Đà Nẵng rất tâm huyết với nghề. Vì thế, chúng tôi buồn lắm khi thấy phổ điểm môn Sử thấp. Khách quan nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực, kỳ thi THPT Quốc gia với phương thức "hai trong một" vẫn có những hạn chế nhất định. Với yêu cầu vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển ĐH là rất khó để đạt được sự cân bằng như mong muốn. Trong việc lựa chọn ban khoa học xã hội (KHXH), đa số HS đều không lấy môn Sử là môn thi tự nguyện mà luôn xem đây là môn bị kẹp trong tổ hợp xã hội nên không chủ động học. Chủ yếu vì ngại kiến thức nhiều, khó học, khó nhớ... Sở dĩ HS đăng ký chọn thi KHXH nhiều là do trong tổ hợp môn này, môn Giáo dục công dân (GDCD) và Địa lí học nhẹ nhàng hơn. Vô hình trung, môn Sử bị kẹp vào khối thi này.

Một thực tế là HS chúng ta rất thực tế (nếu không muốn nói quá là xu hướng học thực dụng - PV). Trong quá trình học, các em chọn cách học để thi nên thường học lệch. Bản thân môn Sử chương trình vừa quá dài, vừa quá nặng, lại thi kiến thức cả hai khối 12 và 11 nên trải rộng, HS gặp khó khăn không ít trong việc học tập. Bởi lẽ, ngoài Sử còn nhiều môn học khác nữa. Vì những lẽ đó, nên ngoại trừ những HS đăng ký xét tuyển ĐH thi khối C chuyên ngành Sử, phần lớn HS chọn tổ hợp môn KHXH là bởi 2 môn còn lại dễ kiếm điểm để vớt lại môn Sử, chỉ cần qua điểm liệt là được.

Mặt khác, ngoài những bất cập, hạn chế về chương trình bộ môn, SGK, có  không ít giáo viên còn thói quen dạy kiến thức theo hình thức thi tự luận, chậm đổi mới, chưa bắt kịp với sự thay đổi trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng mới. Bên cạnh đó, một yếu tố có tác động không nhỏ đến thực trạng đáng buồn này còn do quan điểm, cách nhìn nhận của phụ huynh, xã hội khi vẫn còn tạo cho con em mình tâm lý môn chính, môn phụ trong học tập thi cử, trong đó môn Sử vẫn còn bị phân biệt! Vì thế, để thay đổi diện mạo môn Sử cần phải thay đổi từ nhiều phía".

Thầy Phạm Đình Kha- Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công:

4 nguyên nhân mấu chốt

"Qua trao đổi với nhiều giáo viên dạy Sử đầy tâm huyết với nghề, xin mạo phép đại diện nói ra đây 4 nguyên nhân khiến kết quả thi môn Sử của Đà Nẵng cũng như các địa phương khác vì sao lại thấp. Trước hết, đề thi kiến thức trải rộng, đòi hỏi HS phải hiểu bản chất mới làm tốt được. Trong khi HS chọn tổ hợp KHXH lại không đầu tư cho môn Sử vì các em HS có tâm lý chỉ cần 2-3 điểm để đậu tốt nghiệp. Trong 3 môn ở tổ hợp môn KHXH thì Sử là môn khó lấy điểm hơn cả, môn GDCD nhẹ nhàng hơn, kiến thức thực tế hơn, môn Địa lí thì có Atlat hỗ trợ. Thực tế cho thấy, với những em nào chọn môn Sử để xét ĐH chuyên ngành Sử thì đều có sự đầu tư nên đều làm bài tốt (7-9 điểm). Điều đó cho thấy, môn Sử điểm thấp là do HS không đầu tư, chỉ học với tâm lý không bị liệt là được.

Một nguyên nhân nữa cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là do nhiều giáo viên vẫn còn dạy theo kiểu cũ với các sự kiện trọng tâm theo kiểu làm bài tự luận. Trong khi đó, đề thi trắc nghiệm dàn trải hết chương trình chứ không nhắm vào phần nội dung trọng tâm nào cả. Mặt khác, so với môn GDCD và môn Địa lí thì chương trình, kiến thức môn Sử quá nặng, quá dài, quá nhiều và khó nhớ hơn. Vì thế, đối với những HS không chọn môn Sử để xét tuyển ĐH thì có tâm lý bỏ bê môn này ngay từ đầu năm học lớp 12.

Theo tôi, môn Sử điểm thấp là thực trạng chung ở nhiều địa phương mà nguyên nhân căn bản nhất là do tình trạng học lệch, do cách xét tuyển ĐH. Có thể khẳng định điểm môn Sử thấp không phải vì HS dốt Sử, giáo viên năng lực yếu mà vì HS không chịu học. Buồn cho thực tế điểm thấp của môn Sử nhưng khó trách người dạy, người học, vì các em hoàn toàn có quyền lựa chọn cái gì có lợi nhất cho mình".

 Ngoài 2 ý kiến trên, qua trao đổi một số giáo viên, chuyên viên chuyên ngành Sử, có thể kết luận rằng: Với chương trình, SGK về Sử được viết theo lối khô khan, mang tính hàn lâm, nặng về diễn biến, số liệu..., thiếu những câu chuyện hấp dẫn; đề thi vừa dài, vừa trải rộng kiến thức chương trình của 2 khối 11, 12, cộng với một bộ phận giáo viên chưa chịu thay đổi cách dạy môn Sử cùng quan điểm, cách nhìn nhận của xã hội cũng như bản thân người học, phụ huynh khi xem môn học này là môn phụ, môn bị kẹp trong tổ hợp môn KHXH..., thì thực trạng phổ điểm môn Sử thấp là điều khó tránh khỏi. Vấn đề then chốt là cần thay đổi triệt để trong quan điểm, cách nhìn và phải thực sự đổi mới toàn diện về chương trình, SGK, phương pháp dạy- học đối với môn học này. Có như thế mới hy vọng thay đổi cục diện đáng buồn như hiện nay đối với môn Sử.

P.THỦY (ghi)