Vì sao người Malaysia vỡ mộng với Thủ tướng Najib Razak?
(Cadn.com.vn) - Cuối tuần qua, hàng chục ngàn người Malaysia xuống đường tại Kuala Lumpur, kêu gọi Thủ tướng Najib Razak từ chức sau vụ bê bối tài chính. Những người biểu tình tức giận bởi số tiền 700 triệu USD được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông Razak từ các nhà tài trợ giấu tên ở nước ngoài.
Ông Najib phủ nhận hành vi sai trái, cho biết những người biểu tình đã làm xấu đi hình ảnh của Malaysia. Nhà kinh tế học từng học tại Anh này bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2009 với sự khởi đầu đầy hứa hẹn, bằng cách cam kết thực hiện loạt những cải cách. Tuy nhiên, có vẻ như ông Najib đã không thành công.
Chính sách “một Malaysia”
Đây là chiến dịch thống nhất quốc gia nhằm tái khẳng định thương hiệu Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) do người Malay-Hồi giáo thống trị tất cả các tôn giáo và sắc tộc. Ông Najib cam kết sẽ quay trở lại chính sách hành động, khẳng định ủng hộ người Malay hơn các dân tộc khác, khiến nền kinh tế minh bạch hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, người dân tộc thiểu số nói rằng, họ không được trọng dụng, đặc biệt là trong việc tuyển sinh tại các trường đại học của chính phủ. Hình ảnh một nhà vô địch đoàn kết dân tộc của Thủ tướng Najib bị tan vỡ sau khi ông đổ lỗi sự yếu kém của liên minh là do cộng đồng người Hoa.
Người biểu tình phản đối Thủ tướng Najib Razak tại Kuala Lumpur hôm 29-8. Ảnh: BBC |
Cải cách tài chính
Ông Najib hứa sẽ đưa Malaysia từ một nước phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ và nguyên liệu thô trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Để có thêm tiền đầu tư vào các dự án này, ông thúc đẩy hai cuộc cải cách quan trọng vốn bị đình trệ trong nhiều năm qua. Ông cắt giảm trợ cấp lương thực, nhiên liệu và thực hiện thuế tiêu thụ trên diện rộng gọi là GST, bất chấp phản đối quyết liệt từ bên trong đảng. Vụ bê bối tài chính mới nhất khiến ông Najib bị cáo buộc muốn tăng doanh thu bằng cách tham nhũng và buộc người Malaysia phải trả thêm tiền.
Tự do dân sự hơn
Thủ tướng Najib khuyến khích người dân tiếp cận với ông thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Ông hoạt động trên Twitter và Facebook và thậm chí còn có một trang Facebook tiếng Trung để giao tiếp với cử tri người Hoa. Lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia, người dân có thể trực tiếp nói lên mối quan tâm của họ với Thủ tướng. Tuy nhiên, người dân tức giận khi các nhà chức trách chặn họ truy cập đến các trang mạng tin tức có đưa tin về vụ bê bối 1MDB và thề sẽ mạnh tay với những kẻ tung tin đồn.
Hồi giáo ôn hòa
Ông Najib muốn đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề giữa người Hồi giáo và không Hồi giáo. Malaysia hiện đang tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các nhóm phiến quân Hồi giáo với chính phủ Philippines và Thái Lan. Ông cũng bắt đầu chương trình có tên “Phong trào ôn hòa toàn cầu”, nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Tuy nhiên, các tôn giáo thiểu số cáo buộc ông Najib thất bại trong việc giữ sự ôn hòa ngay tại đất nước mình và tiếp nhiên liệu cho người Hồi giáo. Ông cũng bị cáo buộc xa lánh 2 triệu người Kitô giáo tại Malaysia.
Bà Rosmah Mansor
Vợ của ông Najib, bà Rosmah Mansor, bị chỉ trích vì thường xuyên mua sắm các mặt hàng xa xỉ. Loạt hình ảnh bà sử dụng túi xách đắt tiền xuất hiện đầy trên mạng. Bà Rosmah cũng khiến người Malaysia tức giận khi “than thở” rằng, mình phải trả cho nhà tạo mẫu tóc 400 USD mỗi lần làm tóc. Các cáo buộc càng nghiêm trọng hơn khi chi tiết tài khoản ngân hàng của bà Rosmah bị rò rỉ đúng thời kỳ cao điểm của vụ bê bối tài chính của ông Najib. 500.000 USD được chuyển vào tài khoản bà Rosmah khiến dư luận đặt câu hỏi số tiền này từ đâu đến.
An Bình
(Theo BBC)