Vì sao Tổng thống Obama mạo hiểm thất hứa?

Thứ ba, 20/10/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Quyết định tiếp tục duy trì quân đội ở chiến trường Afghanistan sau năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều người cho rằng, đây là lựa chọn sai lầm của ông chủ Nhà Trắng trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang rơi vào vũng lầy khó thoát. Trong khi đó, nhiều người khác lại hoan nghênh, cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giúp đỡ người dân và chính phủ Afghanistan khi Taliban đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Tất nhiên mỗi quyết định đưa ra luôn có những luồn ý kiến khác nhau. Vậy nguyên nhân thật sự đằng sau quyết định mạo hiểm này của ông Obama là gì?

Đối với Tổng thống Obama, hỗ trợ các lợi ích của Mỹ ở Afghanistan đồng nghĩa với việc ông đã thất hứa trước cử tri. Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2008, vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ cam kết "sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan trong thời gian ông còn nắm quyền".

Ban đầu, Tổng thống Obama lên kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ, trừ lực lượng nhỏ đóng quân trong đại sứ quán Mỹ, trước  khi rời Nhà Trắng. Thực tế cho thấy, ông Obama dễ dàng biến lời cam kết này thành một phần của di sản 8 năm nắm quyền. Tuy nhiên, ông cuối cùng đã phải "nhường bước" trước những sự kiện mới xảy ra ở chiến trường Nam Á. Sự trỗi dậy của Taliban khiến giới lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng, Afghanistan cần hỗ trợ thêm nhiều hơn nữa.

Bất kỳ sự so sánh nào cũng khập khiễng. Cả Afghanistan và Iraq cũng vậy. Nhưng rõ ràng, sự tan rã của một quốc gia như Iraq và sự hoành hành của nhóm cực đoan mới nổi IS ở nước này ngay sau khi lực lượng Mỹ đã rút quân khiến Nhà Trắng lo sợ. Gần đây, việc Kunduz thất thủ trước Taliban cho thấy điểm yếu quá lớn của quân đội còn non trẻ của Afghanistan. Và điều đáng lưu tâm hơn nữa là chính quyền Kabul chỉ chiếm lại được Kunduz nhờ lực lượng không quân Mỹ giúp đỡ.

Ngoài ra, việc Kunduz thất thủ cũng chính là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về quá khứ cầm quyền đầy tăm tối của Taliban. Tổ chức này cấm phụ nữ đi học và làm việc, gọi đó là hành động "vô đạo đức". Sau khi Taliban bị lật đổ, phụ nữ được đi học, được làm việc và có vai trò trách nhiệm trong chính phủ và trong các tổ chức phi chính phủ. Nhưng tất cả điều này có nguy cơ bị mất nếu Taliban trở lại nắm quyền.

Tổng thống Obama thường xuyên phản đối việc để bị lôi kéo vào "cuộc chiến tranh bất tận" ở nước ngoài. Quyết định để binh sĩ Mỹ ở lại trên chiến trường nước ngoài thay vì đưa họ về nhà không bao giờ là điều dễ dàng cho bất kỳ Tổng thống Mỹ nào. Ông Obama đã dũng cảm ra quyết định và buộc phải chuyển giao việc giải quyết cuộc chiến đẫm máu này cho người kế nhiệm.

Nhưng bằng cách để lại một lực lượng đáng kể ở quốc gia Nam Á này, Tổng thống Obama đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt hơn cho người kế nhiệm. Chính quyền tương lai sẽ không cần phải giải thích và đau đầu trong việc ra quyết định về việc triển khai quân đội ở đây. Quyết định này cũng cho phép Lầu Năm Góc tiếp tục sứ mệnh đào tạo lực lượng Afghanistan trong khi thực hiện nhiệm vụ trên không và trên bộ chống khủng bố.

Thanh Văn