Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn về nông nghiệp

Thứ bảy, 22/02/2020 11:17

Ngày 21-2, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Cùng dự hội nghị này còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương hữu quan; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp và UBND các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại điểm cầu TP Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan tham dự.

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TP Đà Nẵng.

Mục tiêu nằm trong top 10 thế giới

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Từ năm 2013-2019, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 - 7%; xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển góp phần quan trọng vào tăng trưởng các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Việt Nam tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Tính đến nay, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Riêng năm trong hai năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nông lâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng và một số dự án đã hoàn thành, đi vào giai đoạn sản xuất, phát huy hiệu quả... Đáng chú ý, chế biến nông lâm thủy sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; góp phần to lớn cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ ra những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam phải đối mặt. Cụ thể, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn. Bên cạnh đó, các nguồn lực (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập) còn rất kém, hạn chế đến quá trình đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa phát triển, chi phí của nền kinh tế cao so với các quốc gia khác…

Về định hướng phát triển trong thời gian đến, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản nằm trong top 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp hiến kế, đề xuất

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho rằng phải coi nông nghiệp là một ngành sản xuất hàng hóa, một ngành kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường. Ở đó có một chuỗi cung ứng là người trồng, người chế biến, người vận chuyển, người bán… Vì vậy, ông Dương đề nghị Chính phủ cần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, dựa vào thị trường phân phối tập trung. Sau khi doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia vào một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa. Về chế biến sản phẩm nông nghiệp, ông Dương nhấn mạnh cần phải tính toán chế biến gắn với vùng nuôi, trồng nông nghiệp. Không phải nông sản nào cũng cần chế biến sâu, mà cần công nghệ bảo quản, sơ chế nhất định. Cần phải có giải pháp căn cơ, từng bước chuyển đổi việc trồng gắn với chế biến nông sản.

Góp ý tại hội nghị, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn TH, khẳng định: Khoa học công nghệ và công nghệ cao là chìa khóa vàng cho nông nghiệp Việt Nam. Chính phủ cần thúc đẩy, kết nối nông dân để tạo ra hợp tác xã công nghệ cao. Nền nông nghiệp Việt Nam gồm ba khâu: sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Muốn sản xuất hàng hóa gì, phải xuất phát từ thị trường. Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ; sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, đúng thông lệ quốc tế”. Đại diện Hiệp hội chế biến rau quả Việt Nam thì cho biết mặt hàng này của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, bị giành thị phần. Một số nước lân cận đã đẩy mạnh trồng những loại cây vốn Việt Nam có thế mạnh như chuối, ớt, thanh long, sầu riêng, nhãn, xoài…

Trong khi đó, công nghệ chế biến sâu rau quả của các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia… ngày càng đi vào chiều sâu, đạt trình độ cao của thế giới với các sản phẩm mới. Song song đó, các nước này cũng xây dựng thương hiệu mạnh nổi tiếng thế giới như sầu riêng Musang King của Malaysia, Mong Thong của Thái Lan… Ngoài ra, họ còn phát triển và thâu tóm các hệ thống phân phối trên khắp thế giới để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ chế biến đạt mức trung bình của thế giới. Công suất chế biến khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm, nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế chỉ đạt 56,2% do thiếu vùng trồng nguyên liệu, thiếu vốn thu mua, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Chế biến rau quả Việt Nam đề xuất Chính phủ nên ưu tiên đầu tư vốn vay, đầu tư vào trồng trọt và xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại mang tầm vóc quốc gia, khu vực bằng những chính sách linh động khi hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang châu Âu. Cần thu hút nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Israel...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Các địa phương, doanh nghiệp, các bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu và có giải pháp tháo gỡ cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp để nắm bắt thời cơ mới cho phát triển nông nghiệp. Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục tìm kiếm thị trường, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm có thế mạnh. Về tín dụng, thực hiện kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất giống, sản xuất máy móc, thiết bị; có giải pháp giảm chi phí, giá thành sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực. Với tầm nhìn đến năm 2030, để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu cần xây dựng các giải pháp với chiến lược phát triển. Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng các chương trình, giải pháp để phục vụ các mục tiêu phát triển về kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp nói riêng.

PHÚ NAM