Việt Nam sẽ gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town
(Cadn.com.vn) - Ngày 5-6, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường để nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); thảo luận về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND, sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (viết tắt: Luật QLSDVNN).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày trước Quốc hội về Công ước và Nghị định thư Cape Town. |
Trình bày trước QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Công ước và Nghị định thư (CƯ&NĐT) Cape Town là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
Việc gia nhập CƯ&NĐT Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng những ưu đãi nhất định từ các bên sản xuất tàu bay, tổ chức tín dụng quốc tế… Tuy nhiên, những khó khăn về nhân lực trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh, cũng như việc bảo vệ các quyền lợi của các doanh nghiệp cũng là vấn đề lớn cần phải lưu ý khi gia nhập. Chủ tịch nước cho rằng, CƯ&NĐT có một số điều khoản trái và chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do QH, Ủy ban Thường vụ QH ban hành. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị QH xem xét, quyết định gia nhập CƯ&NĐT này.
Để dự luật hoàn chỉnh hơn, ĐBQH Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đề nghị, dự luật nên tập trung vào thẩm quyền, trách nhiệm của người quản lý và quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào các DN. |
Thẩm tra việc gia nhập CƯ&NĐT Cape Town, Ủy ban Đối ngoại của QH đồng tình với tờ trình của Chủ tịch nước và nhận thấy NĐT này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, như được hưởng ưu đãi về lãi suất, miễn tiền đặt cọc khi mua sắm tàu bay; giảm nguy cơ cho chủ nợ và tăng khả năng dự báo pháp lý trong các giao dịch... Việc gia nhập CƯ&NĐT Cape Town đã tuân thủ quy định của Hiến pháp và trình tự, thủ tục gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Tuy một số quy định của CƯ&NĐT Cape Town trái với luật do QH ban hành (như việc chuyển giao tài sản khi xảy ra sự kiện liên quan đến phá sản, thẩm quyền xét xử khiếu kiện trong giao dịch dân sự; hay việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...) nhưng các quy định này đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu, không trái với các nguyên tắc cơ bản về tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự. Cơ quan thẩm tra đề nghị trong thời gian tới cần cụ thể hóa các quy định của CƯ&NĐT Cape Town vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước như Luật Hàng không, Luật Tổ chức TAND, Bộ luật tố tụng dân sự... nhằm tạo điều kiện sớm đưa Việt Nam gia nhập CƯ&NĐT Cape Town.
Thảo luật về dự án Luật VKSND (sửa đổi), nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức VKSND hiện hành do Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới, quan trọng về chế định VKSND. Về mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay khu vực, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 2: "Tổ chức VKSND tại các đơn vị hành chính cấp huyện". Các ý kiến cho rằng, việc tổ chức VKSND cấp huyện như phương án 2 là phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Tổ chức VKSND cấp huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt yêu cầu của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra; bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý...
Về nhiệm kỳ của kiểm sát viên (KSV), nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nên quy định "KSV VKSND tối cao được bổ nhiệm không thời hạn. Các KSV khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm", như vậy phù hợp với đặc điểm Việt Nam cũng như thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp. ngoài ra, các ĐBQH cũng cho rằng cần xem xét lại một số nội dung của dự luật cho phù hợp như: Vai trò của Ủy ban kiểm sát; thẩm quyền, nhiệm vụ của VKSND khi thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra; chức năng, nhiệm vụ của VKSND...
Hàng không Việt Nam được hưởng lợi nhiều nếu nước ta gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town. |
Về dự Luật QLSDVNN, các ĐBQH cho rằng, dự luật đã tổng hợp đầy đủ các văn bản Nhà nước có liên quan, góp phần khắc phục, chấn chỉnh những bất cập hiện nay, đặc biệt là việc đầu tư dàn trải, ngoài ngành. Theo đó, yêu cầu cao nhất với dự luật này khi được thông qua phải ngăn chặn, phòng chống có hiệu quả việc thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong sử dụng phần vốn Nhà nước tại các DN. Bên cạnh đó, một số ĐBQH cũng nhận xét, dự luật còn quy định sơ sài vấn đề người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN, thiếu quy định ràng buộc để hạn chế những hành vi tiêu cực của đối tượng này, chưa cụ thể và chưa có chế tài xử phạt hiệu quả.
B.T- H.Hoa