Việt Nam – Hoa Kỳ: Thêm một nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh
Tại Hội thảo quốc tế về “Phương pháp khảo sát dấu vết bom đạn chùm” diễn ra từ ngày 27 đến 29-8, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink đánh giá: Việc hợp tác tháo gỡ vật nổ sau chiến tranh giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành công, cứu được nhiều mạng sống và hàng triệu mét vuông đất phát triển kinh tế. Hoa Kỳ tiếp tục cam kết giải quyết hậu quả chiến tranh. Đây là kết quả hợp tác hàn gắn vết thương chiến tranh của hai bên, dựa trên nguyên tắc rất quan trọng là trung thực với quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai.
Minh chứng cho hợp tác hàn gắn vết thương chiến tranh, trên nguyên tắc trung thực với quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tại huyện Gio Linh (Quảng Trị), nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ Việt Nam.
Ông Daniel J.Kritenbrink là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên, sau gần 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, đến viếng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Điều này minh chứng cho sự tôn trọng sự thật trong quá khứ, khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cùng với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã thỉnh chuông, dâng hoa, tưởng niệm và dâng hương lên các phần mộ liệt sỹ, bày tỏ sự kính trọng với những người đã hy sinh vì lòng yêu nước.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cũng đã đến thăm Di tích cầu Hiền Lương thuộc Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Đây là nơi hội tụ nỗi niềm đau đáu nhớ thương, thao thức của đất nước Việt Nam suốt 21 năm bị chia cắt và thể hiện khát vọng hòa bình mãnh liệt của nhân dân Việt Nam.
Hội thảo quốc tế về “Phương pháp khảo sát dấu vết bom đạn chùm” do tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tổ chức.
Tại đây, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm, xác định những điểm cần cải thiện, nâng cao; từ đó hoàn thiện phương thức tốt nhất và nguyên tắc cho hoạt động khảo sát bom đạn chùm... Các đại biểu cũng thống nhất: Khảo sát dấu vết và rà phá bom chùm là một trong những sáng kiến đã được thử nghiệm, áp dụng tại tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động rà phá bom mìn trong điều kiện diện tích ô nhiễm lớn, nguồn lực có hạn và yêu cầu an toàn cao của cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn. Vấn đề giảm thiểu nguy cơ của bom bi, bom chùm còn sót lại sau chiến tranh luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Đây là những vật nổ được xem là nguy hiểm hàng đầu trong việc gây ra thương vong tại Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.
P.V – N.L