Vợ chồng "đồ độc" kể chuyện

Thứ bảy, 07/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Ở nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi, nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đã gây nên nhiều hoàn cảnh thương tâm, kẻ bị đánh, người bị giết.  Đường cùng, nhiều người  đã tìm đến cái chết, hoặc bỏ làng đi biệt xứ. Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc của chính quyền các cấp, nhiều người đã bỏ rừng thẳm để trở lại với làng, hòa nhập cộng đồng. Trong đó có vợ chồng ông Phạm Văn Bắp ở xã Ba Trang, H. Ba Tơ.

4 NĂM TRỐN TRONG RỪNG

Vượt hơn 50km từ TT Ba Tơ vòng qua H. Đức Phổ chúng tôi mới đến được xã Ba Trang. Riêng từ H. Đức Phổ vượt ngược lên Ba Trang, phải mất cả tiếng đồng hồ qua nhiều đèo, dốc núi đầy đá cuội. Ngôi nhà mới của ông Phạm Văn Bắp nằm bên sườn núi tại thôn Con Riêng. Gọi là nhà cũng được mà gọi là chòi cũng đúng, bởi ngôi nhà được đóng vài tấm ván. Chúng tôi đến, ông Phạm Văn Bắp và bà Phạm Thị Ký đang chăm sóc cho đứa con gái bị đau nằm liệt trong nhà.

Trước mắt tôi là người đàn ông Hrê 62 tuổi, nhưng bắp tay, bắp chân của người chuyên lội suối vượt rừng này vẫn còn săn chắc lắm. Trong ngôi nhà nhỏ chật chội, vợ chồng ông Bắp kể cho nghe chuyện vợ chồng ông phải bỏ làng để lên rừng nương náu: khoảng năm 2001, làng Nước Tên, xã Ba Trang có ông Phạm Văn Lục nghi già Bắp cầm đồ thuốc độc. Sau đó, vụ việc được xã giải quyết. Thế nhưng đến cuối năm 2002, có con ông Phạm Văn Mơn chết, nên ông Mơn nghĩ do ông Bắp cầm đồ thuốc độc mà ra. Thế là ông Mơn đi tìm ông Bắp để đánh. “Bị đánh đau quá, mà thằng Mơn đòi giết nữa, vợ chồng tao mới bỏ làng dắt nhau trốn làng đến suối Nước Pêm dựng lều ở chớ” - ông Bắp nhớ lại.

 Vợ chồng già Phạm Văn Bắp làm vườn.

“Lúc bỏ làng đi, vợ chồng mình có cái rựa với bộ đồ trong người chớ mấy. Lên rừng ở, ban đầu đâu có biết lấy cái gì ăn”- bà Kỵ nói buồn. Đêm đầu ở rừng không có chỗ ngủ, đôi vợ chồng già phải ngồi tựa vào nhau tìm hơi ấm cho đỡ lạnh, nhưng nước mắt cứ tuôn dài. Ngày hôm sau, đói quá, hai vợ chồng bắt đầu đi tìm rau rừng và lội suối bắt cá để ăn sống. Dần dần, nhờ có rựa trong tay, ông Bắp chặt cây dựng cái lều ở tạm. Cuộc sống mới ở rừng bắt đầu như vậy với cảnh thiếu gạo ăn, thiếu muối, thiếu rau và thiếu cả cái ấm áp của tình đồng loại. Cứ thế, hằng ngày hai vợ chồng lên rừng bứt mây về chợ huyện An Lão, chợ Đức Phổ và chợ huyện Ba Tơ để bán, đổi lấy gạo và lúa, bắp về ăn, gieo trồng. “6 tháng sau, rẫy lúa chín. Hai vợ chồng bảo nhau là chuẩn bị no cái bụng rồi. Vậy mà thằng Mơn không tha. Nó tìm đến đây đuổi đánh vợ chồng tao lần nữa. Thấy cái rẫy lúa chín, thằng Mơn cũng đốt luôn...” – già Bắp thổ lộ, mắt còn lộ ra vẻ hãi hùng của đợt bị truy sát ngày nào.

Theo CA viên Phạm Văn Rip (xã Ba Trang), sau khi vợ chồng ông Bắp bỏ đi biệt tích, người dân xã Ba Trang lâu lâu đi rừng cũng gặp hai vợ chồng. Nhưng khi gặp, người dân thì hoảng hốt quay đầu chạy về làng, còn vợ chồng ông Bắp cũng ba chân bốn cẳng chạy sâu vào rừng.

TRỞ VỀ VỚI LÀNG

Sau 4 năm ở rừng, dù là thương binh hạng 2/4, dù đã có tuổi, tóc đã bàng bạc trên đầu, nhưng vợ chồng ông Bắp không chịu thua số phận. Từ hai bàn tay, vợ chồng người Hrê già đốt rẫy, làm ruộng, trồng cây ăn trái. Cuộc sống cũng chẳng thua gì ở làng cũ. Tuy nhiên, đó không phải là cuộc sống của con người hôm nay. Già Bắp giãi bày: “Vợ chồng tao buồn lắm. Lúc chính quyền lên vận động, cái bụng tao muốn về lắm rồi, nhưng cũng sợ về làng. Khi cán bộ xã cam đoan không bị đánh, nên tao mới về đây sống”.

Năm 2005, chính quyền xã đưa vợ chồng già Bắp về lại xã Ba Trang. Chính quyền xã xây ngôi nhà tình nghĩa cho vợ chồng tại ngôi làng mới thôn Con Riêng. Được CA huyện, xã vận động tuyên truyền, dần dần theo thời gian người dân trong xã không còn nghi ông có đồ độc. Được sống hòa đồng bên dân làng là điều mong ước của hai vợ chồng già Bắp. Cuối năm 2009, tai họa ập đến với gia đình ông khi đứa con gái xinh xắn Phạm Thị Búi, 17 tuổi bỗng dưng bị bệnh bỏ trốn vào rừng sâu. Gia đình già Bắp và dân làng tổ chức ròng rã suốt 15 ngày trong rừng và đã tìm thấy em Búi trong tình trạng nguy kịch vì nhiều ngày trời bị đói khát.

 Em Phạm Thị Búi bị đau nằm liệt trong ngôi nhà tạm.

Đưa con gái về điều trị, mời thầy cúng đến nhà trừ ma, nhưng khoảng vài tháng sau em Búi lại tiếp tục bỏ vào rừng sâu. Già Bắp lại tìm đưa về và hai vợ chồng thay phiên nhau giữ em Búi không để em bỏ đi. "Bây giờ lên nương rẫy hai vợ chồng tao một người đi, một người phải ở nhà chăm sóc Búi. Ruộng nương nhiều mà hai vợ chồng tao không thể chăm sóc thu hoạch kịp”, già Bắp thở dài. Sức khỏe em Búi ngày càng yếu đi, cho đến bây giờ em không thể đi, chỉ nằm một chỗ. Đầu năm 2012, nghe lời thầy cúng phán chuyển đến khu đất khác sẽ làm em Búi hết bệnh, hai vợ chồng già Bắp bỏ nhà đến bên sườn núi thôn Con Riêng dựng chòi ở. Tuy nhiên, bệnh tình của em Búi vẫn ngày càng lâm nặng.

Em Búi bị bệnh, chính quyền xã, người dân trong thôn thường xuyên đến thăm hỏi. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, con cái đau ốm, nhưng vợ chồng già Bắp luôn được sẻ chia, đùm bọc yêu thương bên dân làng. Vợ chồng già Bắp muốn gửi câu chuyện của mình đến mọi người như một thông điệp: cầm đồ độc chỉ là lời truyền tụng, đồn  thổi, không có thật, nhưng chính nạn nghi cầm đồ thuốc độc lại làm hình thành “liều  thuốc độc vô hình”, tàn phá tình đồng loại, sự đoàn kết của bản làng... Chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, xóa tan sự nghi kỵ cầm đồ độc đầy chết chóc ấy, để không còn những trường hợp khốn đốn, suýt mất mạng như vợ chồng già.

T. Sự