Vô rừng sợ nhất trâu rông

Thứ ba, 01/10/2013 08:43

(Cadn.com.vn) - Người dân sống ven rừng núi thường tận dụng nguồn thức ăn thả rông trâu bò vào rừng, những tưởng sẽ mang lại lợi ích... Thế nhưng, mọi chuyện lại không như họ nghĩ...

 Từ trâu húc...

Theo thống kê của UBND xã Phong Sơn (H. Phong Điền, TT-Huế), từ năm 2012 đến nay đã xảy ra 2 vụ việc thương tâm do trâu thả rông trong rừng gây ra, làm chết 1 người, bị thương 1 người.

 Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, cư trú tại khu tái định cư Sơn Bồ. Chồng chị Anh mất do trâu húc cách đây 7 tháng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa được vợ chồng chị tích cóp lâu nay mới xây xong, chị Anh nhớ lại cái ngày kinh hoàng ấy: "Sáng hôm đó chồng chị cùng em trai tên Hà vào rừng thăm trâu để dắt về bán trả nợ tiền vật liệu xây dựng. Hai anh em đi suốt cả buổi sáng thì không gặp trâu, đến trưa thì nghỉ ngơi ăn cơm, chiều lại mới đi tìm tiếp. Khi anh em chia ra hai đường để đi, vừa đi được một đoạn thì em trai nghe tiếng kêu "cứu anh với Hà ơi, cứu anh Hà ơi". Khi Hà chạy lại thì thấy anh máu chảy lênh láng, không còn cứu được nữa.

Sau này tôi nghe Hà kể lại rằng đó cũng không biết trâu của nhà ai nữa, chỉ nghe anh nói rằng có hai con đuổi theo và húc anh ấy".  "Hai vợ chồng tui xây nhà xong mới chuyển vô ở được 6 ngày thì anh mất. Sắp đến chắc mẹ con tui phải tìm về bên ngoại để nhờ vả thôi chú ạ, chứ sống như thế này thì tui nuôi con sao nổi". Chồng chị Anh ra đi để lại cho chị 4 con thơ dại, đứa đầu mới lớp 6, đứa út chỉ vào lớp 1. Số trâu mà nhà chị thả vào rừng vẫn không biết được bao nhiêu con, và sắp đến sẽ không biết ai đem về để phụ giúp cho chị bán để trả nợ, vì giờ nhắc đến chuyện đi dắt trâu về ai cũng sợ...

Một trường hợp khác cũng bị trâu húc, nhưng đã may mắn thoát chết trong gang tất. Đó là vụ của ông Trần Mao ở thôn Sơn Quả cũng xã Phong Sơn. Ông Mao kể: "Sáng hôm đó, tui vô làm cỏ vườn cao su. Vừa vô tới nơi thì thấy 3 con trâu đang ăn trong rừng cao su, tui cứ nghĩ là trâu nhà nên bẻ nhánh cây lùa ra khỏi vườn. Lùa được một đoạn thì cả 3 con quay ngược lại húc tui. Do bất ngờ nên tui bị chúng đạp, húc, vùng vẫy mãi tui mới thoát ra được rồi lao vô bụi cây rậm. Cả 3 con trâu đứng ngoài vừa húc vừa đạp bụi cây, tui nằm trong nín, một lúc sau thì chúng tưởng tui chết rồi nên bỏ đi. Lúc đó tui mới bò ra, cũng may khi đó gặp được hai vợ chồng người dân tộc thiểu số đi làm đã đem tôi về nhà làm thuốc cầm máu và liên lạc với gia đình đem tôi đi viện kịp thời, nếu không thì...". Nửa tháng nằm việc với chi phí 15 triệu đồng, bệnh hết nhưng nỗi sợ vẫn còn ám ảnh. Bây giờ có việc phải vào rừng, ông Mao không dám đi một mình.

Khu rừng này là nơi trâu bò được thả vào và cũng là nơi xảy ra nhiều vụ việc đau lòng.

... Đến "trâu ải trâu ai"

Người dân xã Phong Mỹ (H. Phong Điền) cũng có thói quen thả trâu vào rừng. Không để lại những vụ việc đau lòng như ở Phong Sơn, thế những việc chăn thả trâu bò của người dân ở đây đã gây nhiều việc phiền toái. Theo CAX Phong Mỹ, vừa mới xảy ra một vụ kiện tụng tranh chấp giữa hai hộ chăn nuôi của Bản Hạ Long. Khi hộ ông Trần Ngọc Thêm tìm thấy và dẫn trâu về thì hộ ông Nguyễn Xuân Lương cũng đến nhận là trâu của mình. Vụ việc được đưa ra xã giải quyết. Xã lúng túng bởi trâu bò không làm dấu, thả lâu ngày, chủ cũng khó nhận ra huống chi cán bộ xã! Vậy nên hướng giải quyết là bán rồi "cưa đôi", còn công mà hộ ông Thêm tìm ra được trâu thì tính thêm kinh phí. Song cách giải quyết ấy không khiến 2 hộ "tâm phục khẩu phục", nên phải nhờ tòa. Đến nay còn chờ... vì tòa cũng... bí!

Nhiều chủ rừng cao su cũng đang đau đầu vì cây trồng 3-4 năm bị trâu ăn lá và dẫm gãy... cũng không biết kêu ai, đền ai. Còn đền... trâu vì không dám bởi những đàn trâu kia chỉ nhìn thấy bóng người là lao vào húc, không gì cản được. Những ngôi nhà của người dân sống sát rừng cũng đang nơm nớp lo sợ, không gì có thể đảm bảo được một khi những con trâu kia tiến về vùng đệm kiếm ăn. Và không ai bảo đảm rằng sẽ không có những vụ việc đáng thương như trường hợp của chồng chị Anh, ông Trần Mao, và rồi đó sẽ còn những vụ tranh chấp kiện tụng, giành trâu như trường hợp của ông Thêm, ông Lương?

Nguyễn Đắc Thành