Vóc dáng đô thị hiện đại loại 1

Thứ sáu, 06/04/2018 08:09

Từ một thành phố trực thuộc tỉnh với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam để trực thuộc Trung ương, đặc biệt, trong 15 năm trở thành thành phố đô thị loại 1, Đà Nẵng đã bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trở thành một điểm sáng đô thị hiện đại của miền Trung cũng như cả nước.

Một góc đô thị Đà Nẵng.

Thời gian qua, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh, bền vững với không gian hiện đại, văn minh. Để có được kết quả này là cả một quá trình tạo dựng từ công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị đến quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng sự song hành của người dân. Trước đây, không gian đô thị Đà Nẵng chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Đến nay, ranh giới đô thị thành phố đã lên tới khoảng gần 20.000ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ.

Sau 21 năm trực thuộc Trung ương, 15 năm đô thị loại 1, Đà Nẵng đã có sự “lột xác” đến bất ngờ. Đà Nẵng đã phát triển hàng loạt các khu đô thị mới, các khu tái định cư, các khu công nghiệp, các khu du lịch, nghỉ dưỡng... Toàn bộ dải bờ biển được mở thông để trở thành các chuỗi du lịch. Các khu vực có cảnh quan đẹp như Hải Vân, Sơn Trà, Non Nước - Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Núi Chúa, Đồng Xanh... đều được quy hoạch thành những trọng điểm du lịch. Đà Nẵng đã làm được những việc mà nhiều năm trước đó ít ai dám nghĩ như: giải tỏa hàng vạn ngôi nhà để mở hàng chục tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Sơn Trà - Điện Ngọc, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp thu hồi chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc, Nam cầu Tiên Sơn, FPT, Hòa Xuân, Hòa Hải, Hòa Quý, Phước Lý…

Là một thành phố trẻ, trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng đã xây dựng chiến lược tổng thể về quy hoạch đô thị với một tầm nhìn không chỉ cho hiện tại mà còn tính đến sự phát triển trong tương lai. Đà Nẵng đã thay da đổi thịt một cách ngoạn mục. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của thành phố, biến nhiều vùng đất cát, hoang hóa, khô cằn trước đây thành những khu đô thị, khu du lịch, công trình văn  hóa…

Sau khi trực thuộc Trung ương, đặc biệt 15 năm sau trở thành đô thị loại 1, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng, hoàn thành nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan đô thị như: Cầu quay Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tiên Sơn, nút giao thông Ngã ba Huế, đường vành đai phía Nam, Trung tâm Hành chính thành phố, hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nhà ga Sân bay quốc tế... Sắp tới đây là nút giao hầm chui phía tây cầu Trần Thị Lý, nút giao phía tây cầu Rồng, Cảng Liên Chiểu, Ga đường sắt mới, Làng Đại học Đà Nẵng…

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, Đà Nẵng đã thực sự lớn dậy về mọi mặt, nhất là sự thay đổi về diện mạo đô thị, qua đó, ngày càng khẳng định vị thế của mình là một trong những đô thị hạt nhân của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung - Tây Nguyên. Tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được xem là “điểm nhấn”, tầm nhìn mang tính chiến lược của đô thị Đà Nẵng. Bóng dáng của thành phố Đà Nẵng hiện đại và văn minh đã trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống. Nhiều chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế đã khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư ngày càng nhiều vào thành phố, với những dự án ngày càng theo hướng thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao...

Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến từng nói: Trong định hướng phát triển đô thị, vấn đề quan trọng nhất không chỉ là bảo tồn những di sản vật thể mà phải là bảo tồn những giá trị mà thiên nhiên đã ban cho Đà Nẵng. Định hướng đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, song các thế hệ sau vẫn có thể tự hào về những giá trị di sản do cha ông để lại. Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Văn Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP: Đà Nẵng thực sự khởi sắc từ sau năm 2003 khi thành phố trở thành đô thị loại 1. Chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” là cách thức tạo nguồn vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến khá mạnh mẽ, góp phần mở rộng quy mô đô thị cả về số lượng và chất lượng. Nói đến thành công của Đà Nẵng, không thể không nhắc đến chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo sự đồng thuận thực sự đối với người dân trong việc xã hội hóa, đóng góp xây dựng nhiều công trình và dự án quan trọng. Đến với Đà Nẵng hôm nay, người ta thấy một đô thị được quy hoạch một cách khoa học, có tầm nhìn xa, những công trình kiến trúc luôn hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên, đều toát lên vẻ đẹp của riêng mình.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, thực tế phát triển đô thị thời gian qua là quá nhanh, đặt ra cho hôm nay hàng loạt các câu hỏi: Mô hình nào sẽ được chọn lựa cho chiến lược phát triển bền vững đô thị? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng cuộc sống và không gian cảnh quan đô thị? Chúng ta đang ứng xử ra sao với tài nguyên thiên nhiên?... Đây thực sự là bài toán khó cần nhiều lời giải, bởi thành phố phải đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức.

Thành Lân