Vụ bắt giữ “Công chúa” Huawei và những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Chính trường và thương trường của thế giới đang bị khuấy đảo bởi vụ bắt giữ đầy kịch tính Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của tập đoàn viễn thông Huawei Trung Quốc. Bà Mạnh bị bắt giữ ngay tại sân bay Vancouver ngay khi chuẩn bị lên máy bay về nước.
Bà Mạnh Vãn Chu, còn được gọi là “công chúa” của Huawei, đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Ảnh: AFP |
Mọi mũi dùi cũng đang chĩa vào chính phủ Canada – quốc gia đứng sau vụ bắt giữ này. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, chính phủ của ông không tham gia vụ bắt giữ này và nó hoàn toàn không mang động cơ chính trị. Thủ tướng Trudeau cho biết, ông được thông báo trước vài ngày về kế hoạch bắt giữ bà Mạnh nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Vì vậy, nhiều câu hỏi, nhiều tranh cãi đã bùng lên xung quanh vụ việc này. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc này có thể xuất phát từ mục đích chính trị bởi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ trong bối cảnh diễn ra các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ-Trung.
Vì sao vụ Huawei khiến xung đột Mỹ-Trung leo thang?
Vụ việc bất ngờ lần này chắc chắn sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết xung đột vốn ngày càng sâu sắc với chính quyền Tập Cận Bình.
Trong ngắn hạn, việc bắt giữ CFO Huawei làm gia tăng hoài nghi về sự “đình chiến thương mại” mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đạt được vào cuối tuần trước bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentine. Và ngay trong ngày 6-12, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm, dẫn đến những quan ngại, thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày sẽ không kéo dài trước khi lại nhận lấy hầu hết những tổn thất bằng việc đóng cửa giao dịch. Tuy nhiên, vụ việc gây chấn động nói trên vốn là chủ đề trong những quan ngại an ninh quốc gia Mỹ sẽ còn gây ra những tác động lớn vượt xa cả việc áp thuế hay tiếp cận thị trường. Bắc Kinh và Washington đang bị kẹt trong một mâu thuẫn mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kiểm soát vị thế thống trị kinh tế và chính trị trong nhiều thập kỷ tới. Chuyên gia Amanda DeBusk về thương mại quốc tế tại Dechert LLP nhận định: “Đó sẽ là một vấn đề to lớn hơn nhiều một cuộc tranh chấp thương mại. Nó sẽ dẫn đến: Về cơ bản, ai sẽ là nhà lãnh đạo thế giới”.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia Mỹ và nhiều chuyên gia nước ngoài khác, Trung Quốc đã dấn thân vào một cuộc đua hùng hổ để bắt kịp địa vị thống trị của Mỹ trong vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu và công nghệ. Theo ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, “không có gì xảy ra trong ngắn hạn (vụ bắt giữ CFO Huawei) là một biểu hiện của xung đột công nghệ dài hạn”.
Có thể dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ?
Bà Mạnh, còn được gọi là “công chúa” của Huawei, bị chính quyền Canada bắt giữ tại Vancouver đúng vào ngày ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Argentine và quyết định “đình chiến”. Tờ Globe&Mail dẫn các nguồn thực thi pháp luật cho biết, bà Mạnh bị nghi ngờ trốn các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Năm 2017, Huawei được chỉ rõ trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc là “nhà vô địch quốc gia” được Bắc Kinh coi trọng. Theo báo cáo này, Huawei là một trong những phương tiện mà qua đó Bắc Kinh tìm cách “thực hiện những mục đích kinh tế lớn hơn”. Trong khi đó, AP dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, Ngân hàng Anh HSBC đang hợp tác với chính quyền Mỹ trong cuộc điều tra nhằm vào Huawei.
Và thực tế, vị nữ chủ tịch tương lai của Huawei đang phải đối mặt nguy cơ bị dẫn độ đến Mỹ. Một câu hỏi đặt ra là việc dẫn độ này là khó hay dễ? Tất nhiên, giới chức Mỹ sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp để có thể dẫn độ bà Mạnh sớm nhất có thể. Theo luật, các công tố viên liên bang và tiểu bang ở Mỹ không thể yêu cầu các nước (vốn có ký Hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ) bắt giữ và dẫn độ một cá nhân nào đó. Những yêu cầu này phải được thực hiện thông qua Văn phòng phụ trách quan hệ quốc tế thuộc Bộ Tư pháp (OIA). OIA có nhiệm vụ liên lạc với giới chức các nước và thực hiện việc bắt giữ và dẫn độ tội phạm. Quyết định ban hành cáo trạng đối với một đối tượng nào đó, chẳng hạn như bà Mạnh có thể được thực hiện ở các cơ quan cấp cao trong chính phủ Mỹ vì bà Mạnh là công dân Trung Quốc và cha bà là nhân vật có ảnh hưởng lớn tại nước này.
Vấn đề ở đây là hiện vẫn chưa rõ liệu OIA đã chính thức yêu cầu dẫn độ bà Mạnh về Mỹ hay chưa. Tại Canada, một khi nhận được yêu cầu của Mỹ, tòa án nước này sẽ phải xác định liệu có đủ bằng chứng để thực hiện việc dẫn độ hay không.
Huawei sẽ đi về đâu?
Câu hỏi đầu tiên đối với Huawei trong vụ này là liệu vụ bắt giữ bà Mạnh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến gã khổng lồ về công nghệ này. Có thể thấy, vụ việc là đòn giáng mạnh nhất của giới chức Mỹ đối với Huawei sau hàng loạt biện pháp trừng phạt khác nhằm vào tập đoàn này, và nó chắc chắn sẽ tác động lâu dài tới sự tăng trưởng và sức ảnh hưởng của tập đoàn này trên toàn thế giới. Bởi theo kế hoạch, bà Mạnh sẽ thay cha trở thành Chủ tịch Huawei từ ngày 1-1-2019 sau khi ông nghỉ hưu.
Truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ tìm cách “bóp nghẹt” bằng vụ bắt giữ bà Mạnh. Tờ China Daily trong một bài xã luận cho biết, hiện vẫn chưa có lời giải thích dựa trên cơ sở nào bà Mạnh bị bắt giữ và dường như đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm gây sức ép với các đồng minh không sử dụng các sản phẩm của Huawei. Trong khi đó, tờ Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng, Mỹ “đang sử dụng cách tiếp cận của một kẻ xấu xa hèn hạ khi không thể ngăn cản sự phát triển của mạng lưới 5G của Huawei trên thị trường”. Theo Global Times, Mỹ đang lạm dụng “thủ tục pháp lý để bóp nghẹt Huawei”. Tờ báo này cho biết, bất chấp những thông tin chưa đầy đủ về vụ việc, động thái của Mỹ rõ ràng đi ngược lại sự đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước tại Argentine. Vụ việc cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh phức tạp với Mỹ và Bắc Kinh cần có sự quyết tâm và sáng suốt để bảo vệ lợi ích của chính mình.
KHẢ ANH