Vụ heo rừng cắn chết người ở Quảng Ngãi: Cắm bảng cấm tại các khu vực có thú dữ

Thứ bảy, 15/11/2014 07:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-11, ông Nguyễn Văn Nho, Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa, H. Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết: “Trước vụ việc heo rừng tấn công một người phụ nữ chết, hiện heo rừng vẫn chưa bắt được, người dân ở xã Phổ Hòa hết sức lo lắng mỗi khi lên nương, rẫy vì sợ bị heo rừng trước đó cắn chết người lại tấn công”. Theo ông Nho, sau khi Chủ tịch UBND H. Đức Phổ chỉ đạo việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước thú dữ, xã Phổ Hòa cử các lực lượng tập trung tìm con heo rừng, đồng thời có biện pháp bảo vệ người dân. UBND xã Phổ Hòa đã cử lực lượng công an, quân sự xã thay phiên nhau tuần tra, kịp thời phát hiện heo rừng để báo cáo địa phương có biện pháp xử lý đồng thời nhắc nhở các hộ dân sinh sống khu vực trên đề phòng heo rừng tấn công.  “Chúng tôi nhận thông tin một số người dân đi làm rẫy cho cho biết nghe tiếng kêu của heo rừng và tiếng chó săn đuổi tại khu vực đập hồ Liệt Sơn (khu vực giáp ranh giữa xã Phổ Hòa, Phổ Cường, H. Đức Phổ). Vì thế hằng ngày chúng tôi tuyên truyền trên phát thanh để người dân nâng cao cảnh giác khi đi làm rẫy, không nên đi một mình, không đi vào khu vực khả năng heo rừng trên xuất hiện. Chúng tôi còn đặt tấm bảng cấm mọi người qua lại khu vực có thú dữ xuất hiện trước đó” ông Nho nói.

Sau cái chết của người phụ nữ cắt cỏ, không chỉ người dân trong thôn Hiển Văn, xã Phổ Hòa, mà người dân đi làm rẫy ở xã Phổ Cường cũng hoang mang lo sợ. Nhiều người lo sợ con heo sẽ quay lại và tiếp tục tấn công người. Vì mùa này không sạ lúa, cánh đồng ở đây rất vắng vẻ, lúc đông người thì không sao, chứ một thân một mình gặp heo dữ sẽ rất nguy hiểm. Bà Trần Thị Cao, 73 tuổi, ở thôn Hiển Văn lo lắng: “Tôi sống ở đây nhiều năm nhưng chưa bao giờ có chuyện heo rừng tấn công người cả. Bây giờ, xảy ra chuyện heo cắn chết người, trong khi đó con heo rừng thì chưa bắt được. Lo sợ nó sẽ quay lại đây cắn người tiếp, nên tôi không dám ra khu vực xuất hiện heo rừng để chăn bò”.

Địa phương xã Phổ Hòa lội suối tìm dấu vết heo rừng.

Như tin đã đưa, trước đó trưa ngày 28-10, một phụ nữ tên Hạnh trong lúc cắt cỏ trên cánh đồng gần đập Hồ Liệt Sơn, thuộc thôn Hiển Văn, bất ngờ một con heo rừng khoảng 100kg lao đến tấn công húc và cắn chị Hạnh tử vong. Không dừng lại đó, heo rừng gặp ai cũng tấn công. Một chiếc xe máy của người dân làm rẫy dựng bên đường cũng bị heo rừng cắn nát lốp. Một nhóm thợ săn cùng chó săn bám theo cũng bị heo rừng quật ngược lại tấn công. Rất may nhóm thợ săn kịp thời trèo lên cây thoát thân.

Heo rừng hiếm khi tấn công người, trừ khi heo rừng bị thương do bị bắn, trúng bẫy. Hiện heo rừng vẫn đang quanh quẩn khu vực giáp ranh giữa 2 xã Phổ Hòa, Phổ Cường và xã Ba Trang (H. Ba Tơ). Ông Trương Văn Hùng, Trưởng thôn Hiển Văn, xã Phổ Hòa bức xúc cho biết: “Heo rừng trở chứng thành thú dữ tấn công ngược lại con người là khi heo rừng bị thương do con người đặt bẫy hoặc bắn súng. Con heo to lớn bị thương do số người đi săn bắn đã chạy xuống đồng bằng tấn công một người phụ nữ đang cắt cỏ bị chết. Người dân chúng tôi phẫn nộ trước tình trạng săn bắn thú rừng gây nên hậu quả thú rừng tấn công nhầm người dân vô tội”. Cũng theo ông Hùng, hơn 10 năm nay, địa bàn thôn Hiển Văn không có chuyện heo rừng xuất hiện phá mùa màng, hoặc tấn công người dân. “Trước đây, gặp heo xuống thôn, người dân thường bắt về làm thịt, chưa bao giờ xảy ra chuyện heo tấn công người như thế này. Việc heo rừng xuống cánh đồng, ăn cùng với trâu bò là chuyện bình thường. Chúng nhìn thấy người thì bỏ chạy chứ không có chuyện cắn người đến chết”-ông Hùng kể lại.

Thời gian qua tình trạng săn bắn, bẫy thú rừng vẫn lén lút diễn ra ở các địa bàn miền núi. Mặc dù ngành chức năng tập trung vận động, thu hồi vũ khí, súng độ chế nhưng nhiều người vẫn lén lút độ chế súng để săn bắn thú rừng. Ngoài việc thú rừng, động vật hoang dã, quí hiếm ngày càng cạn kiệt thì việc tấn công thú rừng đã làm một số thú rừng trở nên dữ tợn hơn, điên loạn, sẵn sàng tấn công con người. Để không còn những vụ việc thương tâm trên, cũng như bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm, ngành chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng săn bắn, bẫy thú rừng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ các loại động vật hoang dã, quý hiếm.               

 T. Sự