Vụ "Ngân hàng cho vay 36 tháng, gần 20 năm sau mới đi đòi": Vì sao gần 20 năm ngân hàng mới đòi nợ cho vay?
(Cadn.com.vn) - Tương tự 185 hộ dân ở P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), 532 hộ dân ở P. Hòa Hiệp Nam (Q. Liên Chiểu) hiện đang "dở khóc, dở cười" với khoản "nợ xấu" mà bao nhiêu năm qua tưởng đã được Nhà nước "xóa". Ngày 9-12, tiếp xúc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, hầu hết các hộ dân này đều cho rằng, lộ trình thu hồi nợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Bắc Đà Nẵng (viết tắt: NH CTĐN) là có vấn đề, không tường minh, đưa dân vào thế ngặt...
Lộ trình không tường minh!
Theo các hộ dân nằm trong diện bị NH CTĐN khoanh vùng "nợ khó đòi" này, với những người trẻ hôm nay, sẽ rất mơ hồ về chỉ thị "cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo"của Chính phủ (Chỉ thị 406). Thậm chí, có không ít bạn trẻ ở Đà Nẵng còn không biết đến sự tồn tại của làng nghề làm pháo ở Nam Ô. Nhưng với người dân xã Hòa Hiệp ngày ấy, trong đó có người dân Nam Ô, thì họ không hề mơ hồ với Chỉ thị 406 và càng không mơ hồ trong việc vay vốn để chuyển đổi ngành nghề.
Cần phải nói thêm rằng, chủ trương ban hành thực thi đúng vào dịp cận Tết Âm lịch, nghĩa là vào thời vụ chính của những làng làm pháo cả nước, trong đó có xã Hòa Hiệp cũ (P. Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc ngày nay). Khi lệnh cấm ban hành, bao vốn liếng đã bỏ ra mua nguyên, vật liệu coi như hủy, bỏ, song họ vẫn chấp hành chủ trương của Nhà nước. Theo họ, động thái của CP trong việc chỉ đạo các NH cho vay để giúp họ chuyển đổi ngành nghề là kế sách hợp lý. Việc cho vay trong trường hợp này phải được hiểu theo nghĩa đặc biệt, với mục đích giúp cho những người bị ảnh hưởng bởi Chỉ thị 406. Vì vậy, song song lộ trình cho vay cũng cần phải có lộ trình thu hồi nợ "đặc biệt" nhưng phải tường minh...
Viện giải về câu chuyện đòi nợ hy hữu này, người dân Nam Ô cho rằng, mượn thì phải trả nhưng sau gần 20 năm không thấy "chủ nợ" có động thái gì rõ ràng nên dân hiểu lầm rằng: Nhà nước đã xóa nợ cho dân. Vì thế, việc triệu tập lên UBND P.Hòa Hiệp Nam vào đầu tháng 12-2015, để nghe thông báo "đòi nợ" chẳng khác gì như "món nợ từ trên trời rơi xuống".
Ông Đặng Dùng (trú tổ 105, P. Hòa Hiệp Nam) bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, lộ trình thu hồi nợ của NH CTĐN là có vấn đề. Sau ngần ấy thời gian không đả động gì, họ bất ngờ triệu tập lên để thông báo trả nợ với phương án thu hồi cấp bách, đưa dân chúng tôi vào thế ngặt. Còn ông Phan Hữu Ba (1951, cùng trú tổ 105), cho biết: "Cả đại gia đình với 9 người hiện ở trong ngôi nhà diện tích 48m2. Tôi và vợ đã quá tuổi lao động, đau ốm liên miên, các con công ăn việc làm không ổn định. Gần 20 năm vay, không thấy đả động chi, chừ mời lên thông báo cả gốc lẫn lãi là 17 triệu đồng, tôi không biết lấy đâu ra để trả".
Trong quá trình tiếp xúc với người dân ở P. Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc nằm trong diện "nợ khó đòi" từ phía NH CTĐN, có nhiều người nay đã qua đời nhưng con cái của họ không hề hay biết khoản nợ này. Mãi đến khi thực hiện quyền thừa kế, họ mới biết mẹ mình có khoản nợ trên như trường hợp của anh Phạm Việt Hải (con ông Phạm Máy, đã qua đời năm 2011) là một ví dụ. Anh Hải cho biết, khi làm quyền thừa kế, anh mới biết cha mình có vay NH CTĐN 9 triệu đồng để chuyển đổi ngành nghề. Theo cách tính lãi suất của NH CTĐN, tổng số tiền phải trả (cả gốc lẫn lãi) của gia đình anh là 30,6 triệu đồng...
Ông Phan Hữu Ba trong ngôi nhà xuống cấp âu lo không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ. |
Bất cập trong vấn đề đòi nợ xấu
Được biết, theo khế ước vay vốn, thời hạn vay là 36 tháng với lãi suất 1,2%/tháng (trong hạn), và quá hạn là 1,8%/tháng. Nhiều người dân không chấp nhận cách giải thích "lập lờ" từ phía NH. Nói về việc gần 20 năm mới đặt vấn đề thu hồi nợ, ông Đặng Dùng (trú tổ 105) đặt câu hỏi: "Trong khế ước cho vay 3 năm phải trả. Quá hạn, lãi suất lên đến 1,8% tháng... Đúng theo luật định, thì NH phải hối thúc trả chứ, đằng này NH lại làm thinh. Làm thế khác nào để đồng vốn tự nó đẻ ra lãi suất!". Cũng theo người dân P. Hòa Hiệp Nam phản ánh, rất may lãnh đạo chính quyền địa phương đã hiểu thấu rõ lòng dân nên đã bàn bạc, thỏa thuận phía NH để gia hạn thời gian trả nợ gốc, xóa lãi cho dân...
Một số giấy tờ liên quan đến khế ước vay và biên lai thu nợ được một hai năm rồi dừng do người dân cung cấp. Ảnh: P.T |
Trả lời phóng viên về câu chuyện đòi nợ hy hữu này, ngoài những lý giải như đã trình bày ở số báo trước, ông Nguyễn Văn Bưởi, Giám đốc NH CTĐN, giải thích thêm: Việc đòi nợ này nằm trong "chiến dịch đòi nợ xấu" của NH. Và rằng, sở dĩ họ làm được việc này là do có chủ trương từ Đề án xử lý nợ xấu của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 843/QĐ-TTG ngày 31-5-2015) và Công văn số 5399 ngày 15-7-2015 của UBND TP về việc thực hiện kế hoạch thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.
Khi chúng tôi đặt vấn đề về nguyên nhân dẫn đến số nợ khó đòi này là do NH đã có lỗi về lộ trình thu hồi nợ, ông Nguyễn Văn Bưởi cho rằng, NH không có lỗi gì trong việc này, và rằng: "NH không đi đòi là chuyện của NH. Không cho vay mới có lỗi, chứ không thu nợ làm sao có lỗi được. Bây giờ dân lấy lý do đó để đổ lỗi NH thôi. Chứ thật ra là hồi đó họ không trả. Vì có văn bản này nên chúng tôi mới đi thu. Chứ nếu không có văn bản này thôi chúng tôi cũng chịu...", ông Bưởi bực bội nói.
Từ cách giải thích đó cộng với việc bất thình lình đòi nợ như cách làm của NH CTĐN có thể cho thấy, nếu không có những thúc giục, phê bình từ chính quyền TP trong vấn đề nợ xấu, có lẽ, số nợ vay để chuyển nghề của các hộ dân thuộc P. Hòa Hiệp Nam, P. Hòa Hiệp Bắc chắc cũng chưa được... đụng đến. Nói như ông Đặng Thanh Kinh (59 tuổi, trú P. Hòa Hiệp Bắc) có khi đến 50 năm sau họ mới đi thu hồi nợ cũng có (!?).
Nói khác đi, từ vụ việc hy hữu trên, có thể thấy, dẫn đến vấn đề tồn đọng nợ xấu, ngoài những nguyên nhân khách quan còn là do ở chủ quan trong việc buông lỏng quản lý, chưa làm hết trách nhiệm, làm việc tắc trách, không có phương án, lộ trình thu hồi nợ rõ ràng, khoa học.
Phan Thủy