Vụ nhà báo Jamal mất tích: Vì sao ông Trump không muốn “làm lớn chuyện” với Saudi Arabia?

Thứ bảy, 20/10/2018 12:04

Có rất ít dấu hiệu cho thấy, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng mạnh mẽ cho dù số phận của nhà báo Jamal Khashoggi được xác định là đã bị giới chức Saudi Arabia sát hại, bất chấp ông Jamal là cư dân ở Mỹ và làm việc cho tờ báo lớn Washington Post của nước này.

Hình ảnh từ camera giám sát chụp ngày 2-10 cho thấy người đàn ông, trước đó từng tháp tùng Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến đi đến Mỹ hồi tháng 4, đi về phía Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul ngay trước khi nhà báo Jamal biến mất.   Ảnh: AFP

Bất chấp những mũi dùi đang nhắm vào Saudi Arabia trong vụ nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi mất tích bí ẩn và được cho là bị sát hại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tuyên bố, ông không muốn quay lưng với Riyadh. Và lý do nằm ngay trong tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng là: Washington đang dựa vào vương quốc Hồi giáo này trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, đó chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Quá nhiều lý do

Ông Trump có thể có quá nhiều rủi ro khi buộc Saudi Arabia phải trả một mức giá tương xứng nếu Riyadh thật sự đứng sau vụ mất tích của ông Jamal.

Nếu Riyadh tìm được “vật tế thần” và miễn trách nhiệm cho các thành viên cao cấp của gia đình Hoàng gia vì sự biến mất của nhà báo Jamal, ông Trump có thể chấp nhận nó. Với nhiều lý do địa chính trị trong và ngoài nước, chính quyền của ông Trump có lẽ sẽ được nhiều lợi ích hơn trong việc giúp giữ thể diện cho Hoàng gia Saudi Arabia và mở cửa cho vương quốc này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất trong gần 2 năm qua.

Riyadh thực tế chính là nền tảng cho chính sách Trung Đông của Tổng thống Trump. Vì vậy, quyết định trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào vương quốc này có thể châm ngòi cho một sự kỳ thị, làm tê liệt hy vọng đối đầu với Iran của ông chủ Nhà Trắng. Nó cũng sẽ làm suy yếu vị trí chiến lược của Washington trong khu vực và mở ra cơ hội lớn cho các cường quốc đối thủ. Trở về nhà, mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với Saudi Arabia sẽ khiến ông Trump và cả con rể của ông, Jared Kushner - cố vấn cao cấp của chính phủ Mỹ về Trung Đông – mất vị thế đáng kể trên sâu khấu chính trị, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến rất gần.

Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia hoài nghi về sự khăng khăng của ông chủ Nhà Trắng rằng: đang chờ bằng chứng từ các cuộc điều tra khám xét của chính phủ Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi quyết định hành động. Hầu hết chuyên gia cho rằng, cho dù khi sự thật về những gì đã xảy ra với nhà báo Jamal được phơi bày - rằng ông có thể bị các nhân viên thân cận của Thái tử Mohammed bin Salman giết hại - Nhà Trắng cũng sẽ không làm lớn chuyện.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm 18-10, khi được hỏi về hành động mà ông đã dự tính đối với Riyadh nếu Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm về vụ việc nêu trên, ông Trump nói: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ ở trong tình huống có lợi hơn. Chúng ta cần Saudi Arabia trong cuộc chiến chống khủng bố, mọi thứ đang xảy ra tại Iran và những nơi khác”. Khi được hỏi liệu Mỹ có rời bỏ Saudi Arabia không, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi không muốn làm điều đó, và thẳng thắn mà nói, họ có một đơn đặt hàng khủng, 110 tỷ USD”, ý nói các thương vụ vũ khí mà Washington cam kết đối với Riyadh.

Chiến lược “mua” thời gian

Trong tuyên bố ngày 19-10, Tổng thống Trump cho rằng “gần như chắc chắn” nhà báo mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ này đã chết.

Phát biểu với báo giới tại căn cứ không quân Andrews, khi được hỏi về việc liệu ông Jamal đã chết hay chưa, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Dường như đúng là như vậy. Đây là một điều rất buồn”. Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phản ứng mạnh mẽ cho dù số phận của nhà báo Jamal được xác định là đã bị giới chức Saudi Arabia sát hại, mặc dù ông là cư dân ở Mỹ và làm việc cho tờ báo lớn Washington Post của nước này. Không giống như các đồng minh Châu Âu khác, ông Trump đang dịu giọng hơn trong vấn đề này. Nhà lãnh đạo này chứng tỏ không muốn tham gia cùng chiến tuyến với các đồng minh để trừng phạt Riyadh.

Đó là lý do tại sao ông chủ  Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh việc dành “không gian và thời gian” để Saudi Arabia điều tra, mà theo giới phân tích, có vẻ như họ đang dành thời gian để vương quốc này xây dựng một câu chuyện có thể giúp họ vượt qua cơn bão lần này. Sau tất cả, nó sẽ cho phép những kẻ bị cáo buộc giết người điều tra vụ việc, từ đó đưa ra câu chuyện được quốc tế chấp nhận. Vì vậy, một nhà bình luận an ninh quốc gia của CNN cho rằng: “Cách duy nhất để bạn nhận được một cuộc điều tra công bằng là phải làm điều đó từ bên ngoài”. Cho đến nay, một cuộc điều tra đi kèm với dòng chuyện mạch lạc – nhà báo  Jamal đã bị sát hại trong lãnh sự quán - có thể gây khủng khiếp cho các đối thủ chính trị ở Mỹ  và các nước đồng minh, nhưng nó có thể là đủ cho ông Trump. Bởi lẽ, nhà lãnh đạo Mỹ dường như quá quen với những việc như thế này.

Cứu vãn mối quan hệ

Có những dấu hiệu cho thấy, Washington đang nỗ lực dùng kế để khuấy đảo chính trị sau sự biến mất của nhà báo Jamal - trong khi củng cố ưu tiên hàng đầu của họ - mối quan hệ thân thiết hơn với Saudi Arabia.

Tổng thống Trump, người đã bị chỉ trích gay gắt sau khi “chỉ giúp” Saudi Arabia cách “trốn thoát” khi ông nói về “những kẻ giết người man rợ” có thể đứng sau vụ việc này. Trong phản ứng đi ngược lại làn sóng chỉ trích của quốc tế đối với Saudi Arabia, Tổng thống Trump tuyên bố, Riyadh đáng được xem là vô tội, đồng thời nhấn mạnh cần phải tìm hiểu điều gì đã xảy ra trước khi cáo buộc Riyadh.  Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra cảnh báo gay gắt nhất kể từ sau khi xảy ra vụ việc: “Nếu một nhà báo mất mạng trong vòng xoáy bạo lực, đó là một mối đe dọa cho nền báo chí tự do và độc lập trên toàn thế giới và sẽ có hậu quả nghiêm trọng”. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin rút khỏi một hội nghị đầu tư tại Saudi Arabia vào cuối tháng này. Hiện không rõ liệu những tuyên bố của Tổng thống và Phó Tổng thống có ám chỉ lập trường cứng rắn theo kiểu  hành chính hay không, đặc biệt là ông Trump, nhà lãnh đạo nổi tiếng thất thường.         

Rõ ràng, ngôn ngữ của phó Tổng thống Pence là mạnh mẽ và hữu ích cho nền chính trị trong nước, nhưng nó không thể nhấn chìm những tuyên bố thực tế hơn của Tổng thống Trump trong những ngày gần đây. Và quyết định của Bộ trưởng Mnuchin, bề ngoài cho thấy là động thái chính trị quan trọng, nhưng nó phần lớn chỉ mang tính biểu tượng do hầu hết các nước lớn đều đã tuyên bố không tham gia hội nghị đầu tư trên, khiến nó trở nên vô nghĩa.

Saudi Arabia tính thay Thái tử?

Cũng có những dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Trump ưu tiên quan tâm nhất đến việc giữ gìn mối quan hệ với Hoàng gia Saudi Arabia. Tổng thống Trump từng thẳng thắn thừa nhận, ông đã bị ảnh hưởng bởi tác động về các chính sách ngoại giao với vương quốc này. “Điều này đã bị cả thế giới bắt thóp, thật không may”, ông Trump nói với tờ NYTimes trong cuộc phỏng vấn hôm 18-10.

Hai nguồn tin nói với CNN rằng, chính con rể Jared Kushner đã cố vấn cho ông Trump cần từ từ và thận trọng về vấn đề Saudi Arabia, bất chấp những lời chỉ trích đến từ Đồi Capitol. Tờ NYTimes nói rằng, ông Kushner tin rằng, những phẫn nộ về sự biến mất của nhà báo Jamal sẽ sớm trôi qua, giống như những tranh cãi khác vốn liên quan đến Thái tử nước này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Nhà Trắng đang sai lầm khi vụ việc càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí, truyền thông Trung Đông hôm 19-10 đưa tin, nhận thấy những việc làm của Thái tử Mohammed bin Salman đang phải trả giá quá đắt, ảnh hưởng danh tiếng của vương quốc này, Hoàng gia Saudi Arabia đang dự định thay thế vị Thái tử trẻ tuổi này bằng người em ít tham vọng hơn, Hoàng tử Khalid. Hoàng tử Khalid bin Salman al-Saud được bổ nhiệm làm Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ vào tháng 2-2017 khi còn đang là sinh viên Đại học Georgetow.

Một nguồn tin ngoại giao từ Paris cho rằng, Hội đồng Tận trung Saudi Arabia, cơ quan chịu trách nhiệm các vấn đề về kế vị, đã bí mật nhóm họp để thảo luận về vụ nhà báo Jamal mất tích. Hội đồng Tận trung Saudi Arabia có quyền bỏ phiếu về việc thay thế Thái tử, gồm 34 thành viên đại diện cho các nhánh của Hoàng gia Saudi Arabia, là cơ quan tư vấn cho Quốc vương Salman trong việc chọn người kế vị. Hội đồng này được cho là đang xúc tiến bầu chọn Hoàng tử Khalid bin Salman làm Phó Thái tử. Nguồn tin từ Saudi Arabia cho biết, nếu Khalid trở thành Phó Thái tử, có nghĩa là Thái tử Mohammad bin Salman sẽ phải rời khỏi cương vị hiện nay trong vài năm tới. Điều này giúp đảm bảo duy trì quyền lực cho gia đình hoàng gia của Quốc vương Salman. Theo nguồn tin này, Hoàng tử Khalid sẽ từng bước nắm quyền và thay thế anh mình.

KHẢ ANH