Vụ thu hồi Trạm dược liệu Trà Linh (Quảng Nam): Tranh luận gay gắt

Thứ ba, 22/04/2014 10:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-4, TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ thu hồi tài sản trái pháp luật giữa nguyên đơn là Cty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam (viết tắt: Cty NL) và bị đơn là UBND tỉnh Quảng Nam. Như tin đã đưa, ngày 17-4, TAND tỉnh xét xử vụ Cty NL kiện UBND Quảng Nam liên quan đến Quyết định số 3337/QĐ-UBND (ngày 29-10-2013) về việc thu hồi Trạm dược liệu Trà Linh (viết tắt: Trạm TL) từ Cty NL giao cho Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở Y tế tỉnh). Tại phiên tòa, đại diện UBND tỉnh cho rằng, Trạm TL vốn là tài sản của Nhà nước nên giao cho một đơn vị thuộc Sở Y tế tiếp tục quản lý, điều hành là phù hợp với luật định. Tuy nhiên, đại diện của Cty NL lại cho rằng, quyết định việc thu hồi Trạm TL của UBND tỉnh còn những điểm chưa phù hợp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Quyết định 3337 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Năm 2001, Trạm TL được UBND tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào Cty dược vật tư y tế Quảng Nam. Từ năm 2005, thông qua phương án cổ phần hóa Cty đã chuyển thành mô hình Cty cổ phần, trong đó phần vốn Nhà nước chiếm 51%. Đầu năm 2013, Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có quyết định thoái 51% vốn cho một Cty dược phẩm tại TP Hồ Chí Minh nắm giữ. Tại đại hội cổ đông, Cty Dược vật tư y tế Quảng Nam đã quyết định đổi tên thành Cty NL.

Trong phần tranh luận tại phiên tòa ngày 17-4, ông Võ Văn Viên (Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam) cho rằng: Trạm TL trên là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và Nhà nước phải thu hồi.  Đáp lại lập luận trên, ông Nguyễn Đình Triệu (Phó Chủ tịch HĐQT Cty NL) đã đưa ra những chứng cứ xác thực để chứng minh rằng Trạm TL là một bộ phận, một đơn vị trực thuộc Cty NL.

Cụ thể, ngày 13-9-2001, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 46/2001 sáp nhập Trạm nuôi trồng và phát triển dược liệu Quảng Nam vào Cty Dược vật tư y tế Quảng Nam. Ngày 26-9-2001, Sở Y tế Quảng Nam lập biên bản bàn giao cho trạm với toàn bộ tài sản, vườn cây dược liệu cùng một số cán bộ, nhân viên cho Cty Dược vật tư y tế Quảng Nam. Đến ngày 29-11-2004, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 4962/2004 phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Cty Dược vật tư y tế Quảng Nam. Đặc biệt, ngày 15-7-2007, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 2079/UBND-KTTH cho phép Cty CP Dược vật tư Y tế Quảng Nam đầu tư dự án nuôi trồng, sản xuất nguyên liệu từ cây sâm Ngọc Linh. Đến ngày 23-5-2013, Cty CP Dược vật tư Y tế Quảng Nam được đổi tên thành Cty NL theo Giấy Chứng nhận hoạt động doanh nghiệp số 4000101252 của Sở KH&ĐT Quảng Nam.

Đại diện UBND tỉnh trả lời tại phiên tòa.

 "Quyết định số 3337 của UBND tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hàng trăm công nhân viên của Cty NL. Chúng tôi đề nghị hủy Quyết định số 3337 để đảm bảo quyền lợi của người lao động"- ông Triệu nói. Ngoài ra, ông Triệu còn cho rằng: suốt 12 năm qua, UBND tỉnh không có bất kỳ sự đầu tư nào vào việc nuôi trồng sâm Ngọc Linh vì vậy quyết định thu hồi này là chưa thấu tình đạt lý.

Tại phiên tòa ngày 17-4, đại diện VKSND tỉnh cũng nêu lên những điểm chưa phù hợp của trong quyết định thu hồi Trạm TL của UBND tỉnh. Theo đó, việc ban hành Quyết định số 3337 của UBND tỉnh Quảng Nam đã không xem xét đến các khía cạnh đầu tư của doanh nghiệp, chính sách chế độ người lao động, giải quyết nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất của doanh nghiệp không bị ách tắc, chưa có sự đền bù thỏa đáng đã tiếp quản.

Trong phiên xét xử ngày 21-4, HĐXX đề nghị hai bên đương sự trở lại phần tranh luận vì có một số điểm chưa thỏa đáng, phát sinh trong phiên tòa sơ thẩm ngày 17-4. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Cty NL làm rõ thêm các chứng từ, sổ sách liên quan đến việc đầu tư vườn sâm của Cty. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần phải có kế hoạch xem xét giải quyết đền bù thỏa đáng tránh thiệt hại cho người lao động. Về vấn đề định giá tài sản, HĐXX quyết định sẽ nhờ đến cơ quan có đủ năng lực để giải quyết nhưng vẫn ưu tiên cho các bên có quyền lựa chọn. Cũng trong phiên tòa này, HĐXX đã quyết định tiếp tục dời phiên tòa đến ngày 20-5 để có thể làm rõ thêm một vài điểm chưa hợp lý, chưa thể xác minh tại tòa.

Bài, ảnh: Hà Dung