Vụ trốn thuế hơn 23 tỷ đồng tại Cty Nông dược Điện Bàn: "Bộ sậu" Cty Nông dược Điện Bàn bị phạt 10 năm tù
(Cadn.com.vn) - Sau 5 năm điều tra, ngày 25-3, TAND H. Điện Bàn (Quảng Nam) đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Hữu Thạnh (Giám đốc Cty TNHH Nông dược Điện Bàn) cùng đồng bọn phạm tội "Trốn thuế". Đây là vụ án có thời gian điều tra kéo "kỷ lục" của các cơ quan tố tụng tại Quảng Nam.
Theo hồ sơ vụ án: Công ty TNHH Nông dược Điện Bàn (Cty NDĐB) thành lập theo Quyết định số 3255, ngày 23-11-1992 của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), trụ sở tại TT Vĩnh Điện (H. Điện bàn) do Nguyễn Hữu Thạnh (1961) làm Giám đốc, Trần Công Anh (1960) làm Phó giám đốc và Lê Cao Lưu (1961) làm Kế toán trưởng. Vốn điều lệ ban đầu của Cty NDĐB là 200.000.000 đồng, ngành nghề kinh doanh gồm: buôn bán tư liệu sản xuất, ký gửi hàng hóa, gia công đóng gói phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sau một thời gian kinh doanh, tháng 11-1999, vốn điều lệ của Cty NDĐB được nâng lên thành 3.484.000.000 đồng và đến năm 2000, Cty NDĐB mở 2 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội do Nguyễn Hữu Hạnh và Nguyễn Hữu Tín (em ruột Thạnh) làm giám đốc chi nhánh. Trong quá trình kinh doanh, từ ngày 1-1-2001 đến 31-12-2008, tất cả đại lý, khách hàng của Cty NDĐB đều thực hiện việc nộp thuế theo hình thức khoán.
Do đó, khi mua hàng, khách hàng không cần thiết phải lấy hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) do Cty xuất bán để khấu trừ giá trị đầu vào. Lợi dụng việc làm này, Nguyễn Hữu Thạnh chỉ đạo bộ phận kế toán do Lê Cao Lưu (Kế toán trưởng), Lý Thị Mai (Kế toán công nợ) cùng bộ phận bán hàng sử dụng 2 loại hóa đơn là hóa đơn GTGT và phiếu xuất kho do Cty tự in để xuất hàng đồng thời lập hai báo cáo quyết toán, gồm: báo cáo quyết toán nội bộ thể hiện doanh số mua bán thật và báo cáo quyết toán với Cục Thuế dựa trên giá trị hàng bán có xuất hóa đơn GTGT để trốn thuế.
Các bị cáo: Nguyễn Hữu Thạnh, Lê Cao Lưu, Trần Công Anh trước vành móng ngựa. |
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định: Từ năm 2001- 2008, Cty NDĐB đã sử dụng 4.161 phiếu xuất kho tự in xuất bán hàng hóa thay hóa đơn tài chính, giấu doanh thu số tiền 109.019.634.378 đồng. Với doanh thu trên, Cty NDĐB đã trốn thuế số tiền 23.117.513.808 đồng (gồm thuế GTGT: 5.450.981.719 đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 17.666.523.089 đồng).
Bị truy tố với vai trò là kẻ chủ mưu trong vụ án có đồng phạm nhưng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh đã phủ nhận tất cả bằng cách đổ lỗi cho các bị cáo Trần Công Anh và Lê Cao Lưu. Bị cáo Thạnh lập luận, với chức danh là giám đốc, Thạnh chỉ chịu trách nhiệm theo dõi chung, chỉ đạo về chuyên môn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, sử dụng lao động... Riêng lĩnh vực tài chính- kế toán phân công cho phó giám đốc phụ trách nên mọi sai phạm trên lĩnh vực này phải do bị cáo Trần Công Anh chịu trách nhiệm. Về thủ tục xuất hàng, thanh toán cho khách được Lê Cao Lưu (Kế toán trưởng) và Lý Thị Mai (Kế toán theo dõi công nợ) thực hiện. Vì vậy, việc bộ phận kế toán lập hai báo cáo quyết toán nhằm mục đích trốn thuế, bị cáo Thạnh không hề hay biết.
Trước thái độ thiếu thành khẩn khai báo, đổ trách nhiệm cho đồng phạm, HĐXX đã công bố công văn không số được Nguyễn Hữu Thạnh ký ban hành vào năm 2004 "v/v chỉ đạo văn phòng TP Hồ Chí Minh thực hiện hành vi trốn thuế". Với chứng cứ rõ ràng như vậy nhưng bị cáo Thạnh vẫn tìm cách chối tội bằng cách không thừa nhận chữ ký trong công văn này là của mình, đề nghị được giám định chữ ký...
Không chấp nhận những lời khai sai sự thật nhằm trốn tránh trách nhiệm và đổ tội cho người khác, hai bị cáo Trần Công Anh, Lê Cao Lưu đồng loạt "phản pháo". Theo bị cáo Anh, mặc dù được phân công phụ trách kế toán- tài chính nhưng toàn bộ hồ sơ kế toán của Cty NDĐB đều do Nguyễn Hữu Thạnh duyệt chi nên việc phân công như vậy chỉ là "hữu danh, vô thực".
Riêng bị cáo Lê Cao Lưu khai nhận: Cty NDĐB là loại hình công ty TNHH, bản thân bị cáo là người làm công ăn lương, tất cả lãi suất có được từ công việc kinh doanh đều do những ông chủ và gia đình của họ hưởng. Như vậy, xét về động cơ, mục đích để Lê Cao Lưu và Lý Thị Mai thực hiện hành vi trốn thuế là hoàn toàn không có. Hơn nữa, mọi việc làm của những người làm công tại Cty NDĐB đều có sự chỉ đạo của Thạnh. Cụ thể, tất cả chứng từ kế toán đều do giám đốc ký duyệt nên những lời khai của Nguyễn Hữu Thạnh nhằm mục đích đổ tội cho bị cáo Lưu là hoàn toàn không có cơ sở.
Một vấn đề khác được HĐXX cũng như đông đảo người dự khán phiên tòa quan tâm là làm thế nào để thu hồi số tiền hơn 23 tỷ đồng tiền trốn thuế do Nguyễn Hữu Thạnh cùng đồng bọn thực hiện? Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khu vực miền Trung, tổng tài sản của Cty NDĐB tính đến ngày 30-12-2008 là 106 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án này, Nguyễn Hữu Thạnh đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chuyển toàn bộ tài sản trên cho các Cty Sa Ra, Cty Đông Dương, Cty Cổ phần tập đoàn Điện Bàn... cho người thân của mình giữ chức giám đốc.
Qua 3 ngày xét xử, sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, HĐXX TAND H. Điện Bàn đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh 5 năm tù, bị cáo Trần Công Anh 3 năm tù, bị cáo Lê Cao Lưu 2 năm tù về tội "Trốn thuế"; đồng thời buộc Cty NDĐB có trách nhiệm nộp đủ số tiền 23.117.513.808 đồng vào ngân sách Nhà nước.
Bài, ảnh: M.T